Dấu ấn 365 ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Dù còn nhiều tranh cãi nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là những quyết sách kinh tế của ông Trump cũng đã bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Dấu ấn 365 ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ảnh 1

Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Sky News

Ngày 18/12/2016 đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi tỷ phú Donald Trump chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 45 của xứ sở cờ hoa. 1 năm kể từ sự kiện đó, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều quyết sách quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống chính trị và người dân Mỹ, mà còn góp phần thay đổi cục diện chính trị thế giới.

Một năm kể từ ngày trúng cử vào vị trí lãnh đạo nước Mỹ, cam kết “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách trên nhiều lĩnh vực, mà sâu sắc nhất là kinh tế và ngoại giao.

Những quyết sách đầy bất ngờ

Chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đầu tiên, chính thức rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại lịch sử vốn đã được 12 nước trong khu vực hoàn tất đàm phán. Động thái này của ông Trump đặt các nước còn lại phải vào thế bí bởi theo thỏa thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật Bản).

Tiếp sau TPP, ngày 2/6/2017, Tổng thống D. Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, vốn được 195 quốc gia nhất trí thông qua, nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, ông D.Trump cho rằng Thỏa thuận Paris là một hiệp định bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, ngày 12/10/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) từ ngày 31/12/2018 và sẽ chỉ duy trì vai trò của một quan sát viên. Và mới đây nhất, ngày 2/12, ông D.Trump một lần nữa thể hiện quan điểm chính sách coi “Nước Mỹ trên hết” khi rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di trú, một hiệp ước của Liên hợp quốc nhằm cải thiện tình hình người di cư và tị nạn, với lý do có một số điều khoản không phù hợp với chính sách về nhập cư và người tị nạn của Mỹ cũng như các nguyên tắc về nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cùng với đó là hàng loạt thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ trong các vấn đề hạt nhân Iran, cuộc nội chiến ở Syria, mối quan hệ với quốc gia láng giềng Cuba. Hay quyết định công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái Israel, khiến cho cộng đồng quốc tế “dậy sóng” trong những ngày cuối của năm 2017.

Nỗ lực củng cố vị thế cường quốc kinh tế

Không chỉ kiên quyết rút nước Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức và hiệp ước quốc tế, thay đổi chính sách ngoại giao nước Mỹ, Tổng thống D.Trump còn ban hành nhiều sắc lệnh bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, nổi bật là “Sắc lệnh bảo vệ quốc gia khỏi sự nhập cư của khủng bố nước ngoài vào Mỹ”, theo đó hạn chế việc đi lại và cư trú của người từ một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi. Cùng với đó là nỗ lực triển khai xây dựng bức tường ngăn biên giới với Mexico, cải cách thuế, xóa bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare…

Dù còn nhiều tranh cãi nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là những quyết sách kinh tế của ông Trump cũng đã bước đầu mang lại kết quả tích cực. Kinh tế Mỹ phục hồi tương đối mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng GDP 3%  trong năm 2017. Bên cạnh tăng trưởng GDP được cải thiện, trong  1/4 nhiệm kỳ của mình, ông Trump còn ghi điểm trong mắt người dân khi tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể, ở mức thấp nhất trong 17 năm qua, thị trường chứng khoán ghi nhận sự bùng nổ và đã có thêm nhiều việc làm được tạo ra.

Một năm kể từ ngày ngồi vào chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng, dù trải qua nhiều sóng gió song dấu ấn doanh nhân, nhà tỷ phú Mỹ D.Trump để lại tương đối đậm nét và nhiều bất ngờ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu