Ngày 7/5 vừa qua, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Việt Nam đã tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình triển khai các khuyến nghị về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh cam kết không ngừng nỗ lực đảm bảo tốt hơn quyền con người.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN |
Cùng với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người.
Khẳng định thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam tại phiên đội thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn chứng: Đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước và trong cuộc sống người dân. Từ một quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, góp phần vào duy trì an ninh lương thực trong khu vực và thế giới. Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần.
Kết quả này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển. Việt Nam cũng khẳng định những ưu tiên về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới, trong đó có việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thúc đẩy đối thoại tích cực và hợp tác về quyền con người, tăng cường giáo dục về quyền con người…
Cùng với việc khẳng định những thành tựu đã đạt được về thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, tại phiên đối thoại, Việt Nam cũng giải đáp, cung cấp thông tin xác thực về các vấn đề được các nước quan tâm, trong đó có nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, bao trùm, phát triển của internet và mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền của người lao động, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do học thuật, gia nhập và thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phòng chống mua bán người, thực hiện Công ước Chống tra tấn, hỗ trợ người dân tộc thiểu số…. Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt về nhân quyền, đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng.
Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.
Nghiêm túc triển khai các khuyến nghị UPR nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người
Kể từ khi cơ chế UPR được thành lập năm 2006, đến nay, Việt Nam luôn tham gia đầy đủ các chu kỳ báo cáo và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được. Các đợt đánh giá định kỳ phổ quát chu kỳ I, II và III của Việt Nam đã lần lượt được thực hiện vào tháng 5/2009, 2/2014 và 1/2019.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Ảnh: vov.vn |
Trong suốt thời gian vừa qua, từ chu kỳ đầu tiên cho đến nay, Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến triển trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là với việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với 1 chương riêng về quyền con người, xây dựng và hoàn thiện hơn 100 các văn bản pháp luật khác nhau. Riêng trong chu kỳ III vừa qua, đã có 239/241 khuyến nghị (99,2%) đã được hoàn thành hoặc triển khai một phần.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định:Việt Nam hết sức coi trọng cơ chế UPR và những nguyên tắc về minh bạch, khách quan, đối thoại và hợp tác của cơ chế này. Báo cáo Quốc gia của Việt Nam trong Chu kỳ 4 phản ánh tiến triển đạt được trong quá trình triển khai các khuyến nghị trên. Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện, bao trùm, và minh bạch. Với Việt Nam, UPR không đơn giản chỉ là trách nhiệm rà soát, báo cáo. Chúng tôi coi mỗi chu kỳ UPR là dịp để xác định các khó khăn, thách thức, lĩnh vực có thể làm tốt hơn và các hành động cụ thể nhằm biến các khuyến nghị thành những thay đổi thực chất trong cuộc sống của người dân.
Thông qua đối thoại tại Liên hợp quốc, Việt Nam khẳng định những thành tựu về thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, nhấn mạnh cam kết tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của mình trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quá trình đẩy đối thoại và hợp tác với các nước và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.