Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) vừa diễn ra tại New York (Mỹ). Đây là cơ hội rất quan trọng để Liên hợp quốc khẳng định lại cam kết của các quốc gia cùng chung tay chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, điều mà Liên hợp quốc cần là hành động cụ thể của từng quốc gia thay vì nói “những ngôn từ hoa mỹ”.
Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc được chọn là sự kiện mở màn cho tuần lễ cấp cao Liên hợp quốc tại New York (23 - 29/9). Điều này cho thấy tầm quan trọng cũng như tính bức thiết của chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu hiện nay. Hàng chục nguyên thủ, đại diện các Chính phủ, cùng các tổ chức quốc tế tham dự sự kiện quan trọng này.
Học sinh, sinh viên tham gia cuộc tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu ở Úc |
Nhiều cam kết
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thừa nhận một thực tế đáng tiếc là thế hệ của ông đã không bảo vệ được màu xanh của Trái Đất và "điều đó cần phải thay đổi ngay bây giờ và phải thay đổi bằng hành động chứ không phải bằng lời nói".
Đáp lại lời kêu gọi của người đứng đầu Liên hợp quốc, lãnh đạo và các đại diện của 77 nước, 100 doanh nghiệp và 12 tổ chức đầu tư quốc tế đã đưa ra các sáng kiến và cam kết hành động vì khí hậu. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tăng gấp đôi đóng góp từ 2 tỷ euro lên 4 tỷ euro (tương đương 4,4 tỷ USD) cho “Quỹ Khí hậu Xanh” của LHQ nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Chile đề xuất thành lập “Liên minh Tham vọng khí hậu” nhằm tập hợp các nước có chung cam kết giảm mức phát thải carbon về 0% vào năm 2050. Liên minh các nước coi than đá là quá khứ cũng được mở rộng với sự tham gia của 30 quốc gia, 22 tiểu bang và 31 tập đoàn lớn.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước “phải hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có thể làm ô nhiễm môi trường, trong khi cần tìm cách tăng ngân sách cho những dự án làm sạch môi trường”, đồng thời tăng ngân sách cho “Quỹ khí hậu Xanh” từ mức 7 tỷ USD lên 10 tỷ USD. Ngay cả Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi của Nhật Bản, quốc gia vốn phụ thuộc vào than đá và đang dự kiến tăng công suất tại các nhà máy điện than, cũng cam kết bên lề hội nghị về việc "hiện thực hóa một xã hội không khí thải carbon" và "sẵn sàng đóng góp như các cường quốc khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".
Nhiều bang của Mỹ cũng thể hiện vai trò tích cực tại hội nghị khi khẳng định tiếp tục giữ vững cam kết thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tập đoàn Amazon mới đây cũng đã công bố kế hoạch giảm lượng khí thải carbon xuống còn bằng 0 vào năm 2040, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.
Không có mấy tiến triển từ những nước phát thải lượng lớn CO2
Nhiều cam kết đã được đưa ra song lại thiếu cam kết cũng như động thái quyết liệt của 1 số quốc gia phát thải lượng khí nhà kính lớn, gây biến đổi khí hậu. Đó thực sự là điều đáng tiếc. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, đã viện lý do họp khẩn về "thảm họa lũ lụt" ở thành phố Houston để không phát biểu tại hội nghị này. Theo giới phân tích, sự thể hiện của Mỹ ở hội nghị chống biến đổi khí hậu năm nay khác nhiều so với trước. Nếu trước kia, Mỹ chủ động thúc đẩy các nước khác hành động nghiêm túc hơn về biến đổi khí hậu thì nay chính quyền của ông Trump phớt lờ một loạt quy định về môi trường vốn được đặt ra để giảm lượng thí thải gây hiệu ứng nhà kính từ phương tiện giao thông, nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, giếng dầu…
Về phía Trung Quốc, nước này không có tín hiệu gì cho thấy sẵn sàng đưa ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như nhiều người kỳ vọng. Ông Wang Yi, đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã lưu ý rằng Trung Quốc đang giữ cam kết đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, trong khi một số quốc gia thì không. Trung Quốc chưa muốn hành động mạnh hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi các nước giàu hơn không chịu hành động tương xứng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chỉ cho biết nước này sẽ tăng sử dụng năng lượng tái tạo tới năm 2022 nhưng không có cam kết nào về giảm phụ thuộc vào than đá.
Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu ở nhiều phương diện và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Tình trạng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi thế giới không đồng lòng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.