Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa trong phát triển Năng lượng tái tạo

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Đi cùng với tăng trưởng kinh tế cần ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo từ gió, biển, mặt trời mà Việt Nam rất có tiềm năng.

Theo một báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ chức Germanwatch, kể từ năm 1998, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Biến đổi khí hậu (BĐKH). Mặc dù đã có những chính sách để ứng phó song theo các chuyên gia, Việt Nam cần thúc đẩy hơn những giải pháp thích đáng và quyết liệt hơn trong thích ứng với BĐKH. Về nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn ông Koos Neefjes, chuyên gia quốc tế về BĐKH khí hậu, Giám đốc công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense Co.Ltd).

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Pv: Từng là chuyên gia về khí hậu của UNDP và làm việc lâu năm tại Việt Nam, xin ông một vài đánh giá về thực trạng mà Việt Nam đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu hiện nay?

Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa trong phát triển Năng lượng tái tạo - ảnh 1Ông Koos Neefjes, chuyên gia quốc tế về BĐKH khí hậu, Giám đốc công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense Co.Ltd)- Ảnh fbnv 

Koos Neefjes: Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu. Như tôi biết, Việt Nam đang có những kế hoạch, chính sách đối phó với vấn đề này. Năm 2015, Việt Nam cùng nhiều nước ký Hiệp định Paris về khí hậu cam kết đóng góp của mình nhằm hạn chế khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như làm sao để thích ứng tốt nhất với những diễn biến khôn lường của thời tiết cực đoan. Về cơ bản, Việt Nam là một trong nhiều nước phải đối mặt với cùng lúc 2 vấn đề vừa nêu. Đây thực sự là khó khăn, thứ nhất là bởi nhiều năm gần đây, Việt Nam liên tục phải chịu những trận bão cường độ lớn, rồi hạn hán kéo dài, các trận lũ quét,  lũ ống xảy ra thường xuyên...

Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa trong phát triển Năng lượng tái tạo - ảnh 2Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi thiên tai. Ảnh nv cung cấp 

Trong 20 năm gần đây, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi thiên tai, thiệt hại nặng nề về người và của, tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, khu vực miền núi phía Bắc thấy tác động rõ nhất. Tuy vậy, phải nói là Việt Nam đã có những phương án đối phó tốt như việc di dân, chủ động chống bão, công tác hồ đập xả lũ…nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Thứ 2, tôi thấy Việt Nam đang thực hiện khá tốt một số chương trình về giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, chẳng hạn như trồng cây gây rừng để hấp thụ khí cacbondioxit, chống lũ lụt, xói lở đất. Đó là rất tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhiều nhà máy điện than, rồi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ngày càng nhiều phương tiện giao thông cá nhân. Việt Nam cũng cần phải có thêm chính sách sử dụng điện hiệu quả. Và đi cùng với tăng trưởng kinh tế cần ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo từ gió, biển, mặt trời mà Việt Nam rất có tiềm năng.

PV: Theo ông, chính sách ưu tiên gì Việt Nam cần thực hiện để có thể ứng phó hiệu quả với những diễn biến thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra?

Koos Neefjes: Có 2 ưu tiên, thứ nhất là phải làm sao để vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng tốt được với những diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu gây ra bởi vì nơi đây tập trung lượng lớn dân cư. Nước biển ngày càng dâng lên làm mất đi diện tích lớn đất thổ canh,  kéo theo nhiều hệ lụy như lở đất, lũ lụt, mất sinh kế. Rõ ràng về câu chuyện này thì có rất rất nhiều việc phải làm. Ưu tiên thứ 2 rất cấp thiết là Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào phát triển năng lượng tái tạọ, năng lượng xanh. Nếu không làm được điều đó thì rất khó cho Việt Nam có thể giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như theo cam kết với COP21. Mặc dù khá tốn kém nhưng đây vẫn là giải pháp tốt nhất. Tôi biết có rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam.Thực tế là đang có những dự án về điện gió, điện mặt trời đang được triển khai tốt tại Việt Nam.

Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa trong phát triển Năng lượng tái tạo - ảnh 3Theo ông Koos Neefies  Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về điện gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á-Ảnh fbnv

PV: Xin ông cho một vài quốc gia điển hình trong khu vực đang làm khá tốt việc ứng phó với biến đổi khí hậu để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm?

Koos Neefjes: Một trong những quốc gia gây ấn tượng trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo là Thái Lan ở Đông Nam Á. Còn ở Châu Á thì Trung Quốc được xem là nhất thế giới về đầu tư công nghệ, tài chính cho phát triển điện gió, mặt trời, ô tô điện. Malaysia rồi Philipinnes cũng có những mô hình, sáng kiến cách làm rất được ghi nhận về giảm thiểu khí phát thải Co2, tận dụng tốt nguồn năng lượng tự nhiên. Tôi nói đến là những nước có những đặc điểm tương đồng với Việt Nam.

Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa trong phát triển Năng lượng tái tạo - ảnh 4Mô hình nuôi tôm nước lợ thích ứng với BĐKH về xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông CL.
Ảnh Báo Tài nguyên môi trường 

Việt Nam cũng có nhiều sáng kiến, mô hình giải pháp thông minh về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH mà nhiều nước cần học hỏi. Về câu chuyện này, các nước không chỉ ở Châu Á cần chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về chính sách. Tuy nhiên một điều chắc chắn là khó có thể bê nguyên áp dụng mà cần phải nghiên cứu kỹ đặc thù riêng của từng quốc gia, thậm chí của mỗi vùng miền địa phương.

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu