Quan hệ Mỹ-Nga: duy trì đối thoại kiểm soát mâu thuẫn

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Việc hàng loạt cuộc tiếp xúc và đối thoại cấp cao song phương đã được tổ chức, được ví như chiếc cương kìm giữ quan hệ hai nước không đi chệch khỏi quỹ đạo.

Do tầm ảnh hưởng to lớn trên phạm vi toàn cầu, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga luôn là một trong những chủ đề được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua và năm 2021 cũng không phải ngoại lệ.
Bởi vậy, việc hai cường quốc trong năm qua duy trì các cuộc tiếp xúc và đối thoại, khiến cho dư luận phần nào an tâm rằng những bất đồng và mâu thuẫn giữa hai bên dù gay gắt, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Quan hệ Mỹ-Nga: duy trì đối thoại kiểm soát mâu thuẫn - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 16/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với những bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc kéo dài từ nhiều năm qua trên hàng loạt vấn đề gồm cả song phương và liên quan đến bên thứ 3, tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga năm 2021 là điều đã được nhiều nhà phân tích quốc tế dự báo từ trước. Thế nhưng, dù các mâu thuẫn chưa được hóa giải và thậm chí có thời điểm còn bị đẩy cao lên, song tình trạng quan hệ Mỹ-Nga về cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt. Việc hàng loạt cuộc tiếp xúc và đối thoại cấp cao song phương đã được tổ chức, được ví như chiếc cương kìm giữ quan hệ hai nước không đi chệch khỏi quỹ đạo.

Cục diện nhiều thăng trầm     

Trên thực tế, có không ít phân tích cho rằng quan hệ Mỹ-Nga có thể thay đổi tích cực khi nước Mỹ có Tổng thống mới ngay giai đoạn đầu năm 2021 (ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1). Sự lạc quan càng được củng cố khi ngay sau đó hai nước đạt được thống nhất và quyết định gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) thêm 5 năm.

Quan hệ Mỹ-Nga: duy trì đối thoại kiểm soát mâu thuẫn - ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh màn hình) trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế nhưng, hàng loạt diễn biến thực tế sau đó cho thấy căng thẳng vẫn là trạng thái chủ đạo trong quan hệ giữa hai cường quốc trong năm 2021. Hai nước tiếp tục mâu thuẫn hoặc bất đồng quan điểm sâu sắc trong nhiều vấn đề song phương như cáo buộc can thiệp bầu cử, cáo buộc tấn công mạng, trục xuất nhân viên ngoại giao,… cũng như trong một số vấn đề khu vực và quốc tế, đứng đầu là việc NATO mở rộng sang phía Đông và liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Một số đánh giá cho rằng quan hệ Mỹ-Nga nói riêng và phương Tây-Nga nói chung, đang ở mức thấp nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Nga trong năm qua không chỉ có đối đầu và căng thẳng. Dù mâu thuẫn và bất đồng gay gắt, cả hai cường quốc đều thể hiện nhu cầu muốn đối thoại với nhau. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành hai cuộc họp thượng đỉnh quan trọng, một là cuộc họp trực tiếp tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6 và một là cuộc họp trực tuyến hôm 7/12 vừa qua.
Ngoài ra, quan chức cấp cao hai nước còn tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc song phương ở cả trên đất Mỹ và đất Nga. Chưa hết, hai bên cũng liên tiếp có những động thái có lợi cho việc hạ nhiệt căng thẳng. Đơn cử, Mỹ đã quyết định loại Dự án khí đốt khổng lồ mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 (hợp tác giữa Nga và Đức), ra khỏi dự thảo ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa mới.

Quan hệ Mỹ-Nga: duy trì đối thoại kiểm soát mâu thuẫn - ảnh 3Dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2”. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phía Nga, hàng loạt đề xuất đối thoại nhằm hóa giải mâu thuẫn đã được đưa ra, trong đó mới và đáng chú ý nhất là đề xuất dự thảo thỏa thuận an ninh gồm 8 điểm với Mỹ và NATO công bố hồi đầu tháng 12.  

Duy trì đối thoại để kiểm soát quan hệ

Thực tế “thăng trầm” trong quan hệ Mỹ-Nga năm 2021 cho thấy, không gian và cơ hội đối thoại cũng như hợp tác giữa hai cường quốc vẫn luôn tồn tại, song việc cải thiện mối quan hệ này còn nhiều thách thức. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu ngày càng gay gắt, hai quốc gia khó có thể nhanh chóng hóa giải hàng loạt mâu thuẫn và bất đồng được đánh giá là có tính hệ thống như hiện nay. Bằng chứng thực tế là việc nhiều cuộc đối thoại và tiếp xúc cấp cao đã được tổ chức thời gian qua, nhưng chưa thể “phá băng” tình trạng quan hệ hai nước.   

Tuy nhiên, vì lợi ích cốt lõi của mỗi bên và sự ổn định cục diện toàn cầu, giới phân tích quốc tế tin rằng cả Mỹ và Nga sẽ tiếp tục duy trì đối thoại nhằm kiểm soát quan hệ song phương, không để căng thẳng leo thang vượt các “lằn ranh đỏ”. Một trong những cơ sở vững chắc cho nhận định này là việc hai bên đã thống nhất tiến hành hàng loạt các cuộc họp quan trọng liên quan đến quan hệ Mỹ-Nga và rộng hơn là phương Tây-Nga trong các ngày từ 10-13/1 tới đây.

Trong đó, trọng tâm là cuộc đàm phán an ninh cấp cao Mỹ-Nga ngày 10/1 như một phần trong sáng kiến Đối thoại An ninh chiến lược đã được Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin thống nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva hồi tháng 6/2021.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu