Cuộc gặp dù không có đột phá lớn nào, nhưng ghi nhận thiện chí cả hai phía mong muốn đưa quan hệ Nga-Mỹ hướng về phía trước. Những tín hiệu tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh này được cho là bước đệm để phá băng quan hệ song phương vốn đã chạm đáy sau một thời gian dài căng thẳng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông J. Biden gặp ông V. Putin nhưng đây lại là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai vị lãnh đạo kể từ khi ông J. Biden nhậm chức. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Geneva, kéo dài gần 4 tiếng, dù còn nhiều bất đồng, song hai bên đã thẳng thắn thảo luận, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các vấn đề mà hai nước có sự giao thoa về lợi ích.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6/2021. Nguồn: AFP/TTXVN |
Nhiều quan điểm khác biệt
Tại cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên đã thể hiện sự khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề. Washington thể hiện sự quan ngại về việc Moscow bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny, cũng như sự hiện diện tăng cường của quân đội Nga ở biên giới phía Đông Ukraine. Mỹ cũng cáo buộc Nga đứng sau các vụ tấn công mạng ở Mỹ.
Tổng thống J.Biden thậm chí còn nặng giọng khi tuyên bố Nga sẽ phải gánh chịu “hậu quả tàn khốc” nếu lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny hiện đang bị bắt giữ bị chết hoặc các cuộc tấn công mạng tại Mỹ tiếp tục xảy ra. Đáp lại, Tổng thống V. Putin bác bỏ mối lo ngại của Washington về vụ bắt ông Alexei Navalny, khẳng định việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía Đông Ukraine chỉ đơn giản là nước này đang thực hiện các cuộc tập trận trên lãnh thổ của mình. Liên quan đến ý định gia nhập NATO của Ukraine, điều mà Nga luôn phản đối mạnh mẽ, nhà lãnh đạo Nga cho biết “không có gì để thảo luận tại đây”.
Cả hai bên đều không mời đối tác đến thăm Washington hoặc Moscow và nhấn mạnh để những chuyến thăm này diễn ra cần phải có các điều kiện phù hợp.
Tạo cơ hội xây dựng mối quan hệ Mỹ - Nga ổn định
Tuy còn nhiều quan điểm khác biệt, song cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tuy không đột phá nhưng ít nhiều đều thể hiện thiện chí của hai bên trong một số vấn đề.
Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí trong ba vấn đề quan trọng. Đầu tiên, hai bên đã đạt được đồng thuận về hướng đến ổn định chiến lược, đồng thời nhất trí sẽ tiến hành tham vấn liên ngành do Bộ Ngoại giao hai nước chủ trì về việc triển khai Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3). Tuyên bố chung cũng nêu rõ, Washington và Moscow sẽ sớm khởi động đối thoại toàn diện về ổn định chiến lược, thông qua đó tạo ra nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Thứ hai là về đối ngoại, hai bên nhất trí cử đại sứ của mình quay lại làm nhiệm vụ tại nước kia cũng như khởi động tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao. Động thái này là bước quan trọng có thể giúp bình thường hóa hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước, vốn bị đình trệ thời gian gần đây sau khi hai bên có những động thái trừng phạt đáp trả lẫn nhau, bao gồm việc trục xuất các nhà ngoại giao hồi tháng 4 vừa qua. Cuối cùng, về vấn đề an ninh mạng, hai bên nhất trí sẽ tiến hành tham vấn cụ thể.
Hai nhà lãnh đạo cũng có những phát biểu tích cực sau cuộc gặp. Trong khi Tổng thống Mỹ J. Biden xác nhận những tháng tới sẽ là thời gian thử thách kiểm chứng cho cuộc gặp tại Geneva để đưa Mỹ và Nga đến gần hơn với sự cải thiện quan hệ, thì Tổng thống Nga V.Putin đánh giá đây là cuộc đối thoại khá cởi mở và thẳng thắn, trong đó hai bên không tìm cách gây áp lực cho nhau.
Dù cuộc gặp thượng đỉnh không mang lại kết quả đột phá nào, điều này không bất ngờ bởi quan hệ song phương Nga-Mỹ đã chạm đáy trong thời gian qua, song những tín hiệu tích cực ban đầu cho thấy hai bên đang đi những bước đi thận trọng nhằm hướng tới mối quan hệ ổn định. Việc hai bên sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhau về các vấn đề còn những khác biệt tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này là điểm khởi đầu tích cực, có thể tạo ra cơ hội cho các cuộc đối thoại tiếp theo về những giải pháp cụ thể hơn nhằm cải thiện quan hệ song phương.