Bên cạnh thông tin về biến chủng Omicron, cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12 đang là một trong những vấn đề quốc tế nổi bật được dư luận quốc tế quan tâm, bàn thảo. Hầu hết các ý kiến đều có chung nhận định rằng cuộc họp khó có thể tạo được đột phá lớn do bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ khá phức tạp, song là bước đi cần thiết để kìm giữ quan hệ giữa hai cường quốc không diễn biến tồi tệ hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau ở Geneva hồi tháng 6/2021. Nguồn: atlanticcouncil.org |
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 7/12 được đồng thời cả hai phía Mỹ và Nga xác nhận đầu tháng 12 này, thời điểm quan hệ giữa Nga với Mỹ đang diễn biến căng thẳng. Hai bên đang có một danh sách dài những bất đồng và tranh cãi, từ an ninh mạng, cáo buộc bầu cử, trục xuất nhân viên ngoại giao cho đến các vấn đề quốc tế như Syria, Ukraine, vấn đề mở rộng NATO…
Bối cảnh nhiều thách thức
Cuộc họp thượng đỉnh ngày 7/12 được tiến hành chưa đầy nửa năm sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sỹ) hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai cường quốc đã không có thêm bất kỳ tiến triển đáng nào kể từ sau sự kiện đặc biệt đó.
Hơn thế, trước thềm cuộc họp, Mỹ cùng với Ukraine cáo buộc Nga tập trung khoảng 100.000 quân và khí tài gần biên giới phía Tây nước Nga và "đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraine". Ngày 6/12, một quan chức cấp cao Nhà Trắng (Mỹ) cảnh báo “Mỹ và các đồng minh châu Âu chuẩn bị thực hiện các biện pháp đối phó kinh tế quy mô lớn, có thể gây tổn hại đáng kể và nghiêm trọng cho Nga nếu nước này quyết định tấn công Ukraine".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau ở Geneva hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters |
Tất nhiên, Chính phủ Nga đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của Mỹ, đồng thời cáo buộc phương Tây khiêu khích, điển hình là việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen. Nga cũng yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Mỹ lãnh đạo, ngừng mở rộng phạm vi về phía Đông, sau khi phần lớn Đông Âu đã gia nhập liên minh này. Trong một tuyên bố với báo giới hôm 6/12, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá quan hệ Nga-Mỹ hiện đang ở “tình trạng đáng tiếc”. Ông Dmitry Pesko khẳng định: “Chương trình nghị sự cuộc họp sẽ tập trung vào quan hệ song phương, vốn đang ở trạng thái khá đáng tiếc. Sau đó sẽ là những câu hỏi phủ bóng chương trình nghị sự, chủ yếu là căng thẳng xoay quanh Ukraine, NATO áp sát biên giới Nga và sáng kiến của Tổng thống Putin về bảo đảm an ninh".
Bối cảnh thách thức này khiến dư luận nhận định quan hệ Mỹ-Nga khó có thể được “phá băng” chỉ sau một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến, nhất là sau khi cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp hồi tháng 6 chưa mang lại bất kỳ tác động tích cực nào. Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh này vẫn là bước đi cần thiết vì lợi ích mỗi bên và sự ổn định trong các mối quan hệ quốc tế.
Bước đi quan trọng để cải thiện các mối bất đồng
Dù liên tiếp đưa ra cáo buộc và tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau, nhưng cả Nga và Mỹ đều thể hiện những hành động thiện chí. Đơn cử, Mỹ mới đây đã loại các nội dung liên quan việc trừng phạt dự án khí đốt khổng lồ giữa Nga và Đức mang tên “Dòng chảy phương Bắc 2”, khỏi dự thảo ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa tới. Còn với Nga, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 6/12 tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải tiến hành đối thoại giữa hai bên để xử lý các bất đồng.
Theo giới phân tích, cả Mỹ và Nga đều đang có nhu cầu đối thoại với nhau. Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga có thể tiến hành hai cuộc họp thượng đỉnh liên tiếp trong vòng nửa năm đã chứng minh rất rõ cho thực tế này. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay cũng khiến nhu cầu đối thoại với nhau của cả hai phía đều tăng lên. Với Tổng thống Mỹ Biden, nhà lãnh đạo này đang đứng trước áp lực lớn là phải đối phó tưng xứng với thách thức mà Trung Quốc tạo ra để đảm bảo lợi thế cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ năm 2022. Việc đẩy cao đối đầu với Nga có thể đẩy cường quốc này ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc, không có lợi cho chiến lược đối phó với Bắc Kinh của Washington.
Còn với Nga, cải thiện quan hệ với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng luôn là mục tiêu của Tổng thống Putin nhằm củng cố vị thế và đảm bảo lợi ích của nước Nga trong khu vực và trên toàn thế giới. Quan điểm này tiếp tục được thể hiện rõ trong sáng kiến của Tổng thống Putin về bảo đảm an ninh được thảo luận tại thượng đỉnh Mỹ-Nga lần này.