Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 13 (CLMV EMM 13) diễn ra mới đây theo hình thức trực tuyến do Myanmar chủ trì. Trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, CLMV EMM 13 trở thành một kênh hỗ trợ quan trọng, đóng góp hiệu quả cho tiến trình này.
Cơ chế hợp tác CLMV được hình thành từ năm 2003. Đây là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN. Hợp tác CLMV xuất phát từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia – Lào – Myanma – Việt Nam (CLMV) lần thứ 13 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN |
Hợp tác CLMV nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, đồng thời là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của các nước này trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN, cũng như giữa ASEAN với đối tác khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). 6 lĩnh vực hợp tác của CLMV, gồm: thương mại và đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp và năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực.
Kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch
Một trong các nội dung chính được các Bộ trưởng kinh tế 4 nước CLMV thảo luận tại Hội nghị lần này là Kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 và các bước tiếp theo để thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối giữa các nước CLMV.
Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với nhiều thách thức đối với các nước trên toàn thế giới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khả năng còn kéo dài. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thương mại và đầu tư trong khu vực CLMV vẫn giữ được tăng trưởng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực ASEAN. Đây là kết quả tích cực, phản ánh nỗ lực của các nước trong việc vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục kinh tế.
Điểm cầu các nước tham dự Hội nghị. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN |
Để tiếp tục thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối giữa các nước CLMV, các Bộ trưởng kinh tế CLMV đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các chính sách, biện pháp ứng phó với dịch bệnh và khôi phục kinh tế của nước mình, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối giữa các nước CLMV. Một trong những biện pháp đó là các quốc gia CLMV tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của nhau, đặc biệt là hoạt động thông quan tại các cửa khẩu khu vực biên giới; khuyến khích việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp các nước CLMV trong các lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm nhằm hình thành các chuỗi cung ứng khu vực do CLMV làm nòng cốt chính. Các nước CLMV cũng nhất trí tăng cường kết nối gắn với các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN đến năm 2025.
Thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế chung của ASEAN
Thách thức lớn nhất trong hội nhập ASEAN chính là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, cụ thể là giữa các nước CLMV với các nước ASEAN còn lại. Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế trong toàn khu vực vẫn còn mong manh do quá trình tái mở cửa tại các quốc gia thành viên bị gián đoạn bởi các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với các biến thể mới. mặc dù vậy, thương mại và đầu tư trong khu vực CLMV vẫn giữ được tăng trưởng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực ASEAN. Nhìn chung, kinh tế ASEAN vẫn được đánh giá là tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực dự kiến tăng trưởng 4% trong năm 2021 và đạt 5,2% vào năm 2022.
Thời gian qua, các nước CLMV đã triển khai Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV, phối hợp chặt chẽ với nhau trong các hoạt động thúc đẩy thương mại như tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thông qua kết nối “B2B matching” (kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp)…Trong bối cảnh khu vực đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, cùng với ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19, việc tiếp tục thúc đẩy và duy trì hợp tác CLMV hiệu quả sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế chung trong ASEAN.