Sau hai tuần đàm phán căng thẳng tại thủ đô Baku của Azerbaijan, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu - COP29 khép lại hôm 24/11 với 1 thỏa thuận tài chính khí hậu mới gây nhiều thất vọng cho các quốc gia đang phát triển.
Trung tâm hội nghị, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu - COP29. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Theo kế hoạch ban đầu, COP29 diễn ra tại Baku, Azerbaijan, từ ngày 11-22/11. Tuy nhiên, giống như nhiều COP gần đây, các cuộc đàm phán tại COP29 đã phải kéo dài thêm 2 ngày nhằm đạt được một thỏa thuận tài chính khí hậu mới.
Thỏa thuận thiếu tham vọng
Được gọi là Thượng đỉnh tài chính khí hậu, mục tiêu lớn nhất của COP29 là đạt được một thỏa thuận mới về tài chính khí hậu, được gọi là “Mục tiêu định lượng tập thể mới” (NCQG). Thỏa thuận này thay thế cho cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm mà các quốc gia phát triển đưa ra từ năm 2009 và sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Để đạt được thỏa thuận này, các bên tham gia COP29 đã tổ chức rất nhiều phiên thảo luận kỹ thuật trước và trong thời gian diễn ra Hội nghị, đồng thời cũng đã dành đến hơn 1/2 nửa thời gian tại Baku để đàm phán về vấn đề tài chính. Các cuộc đàm phán bế tắc trong phần lớn thời gian Hội nghị và chỉ được khơi thông vào thời điểm cuối cùng, khi các nước phát triển đồng ý nâng mức đóng góp lên 300 tỷ USD/năm (từ mức ban đầu 200 tỷ USD/năm), đồng thời hứa hẹn huy động các nguồn tài chính khác thêm 1.000 tỷ USD/năm đến năm 2035.
Đề xuất 300 tỷ USD/năm bị nhiều quốc gia đang phát triển phản đối mạnh mẽ vì cho rằng quá ít so với nhu cầu thực tế lên tới nhiều ngàn tỷ USD mỗi năm. Đại diện các nước, như: Ấn Độ, Nigeria, Cuba… cho rằng con số 300 tỷ USD/năm “giống như trò đùa” còn hứa hẹn 1.300 tỷ USD/năm vào năm 2035 giống như “ảo ảnh”, bởi trong 1.300 tỷ USD này chỉ có 300 tỷ USD là tiền viện trợ và cho vay lãi suất thấp từ các nước phát triển.
Trong phiên họp cuối cùng đêm 23/11, nhóm các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ (LDC&SIDS) thậm chí đã có thể điểm rời phòng họp, ngưng đàm phán để phản đối, không chỉ với số tiền được cho là quá ít, mà còn với cách thức đàm phán thiếu thiện chí của các nước phát triển. Đại diện đặc biệt về biến đổi khí hậu của Panama, ông Juan Carlos Monterrey, nhận xét: “Chúng ta đã đàm phán thỏa thuận này hơn 3 năm qua và đã ở Baku hơn 2 tuần, tức là có đủ thời gian để tìm kiếm đồng thuận. Nhưng các nước phát triển chỉ đưa ra số tiền cam kết 2 ngày trước khi Hội nghị kết thúc. Họ luôn làm như thế và vì lợi ích của chủ nghĩa đa phương, chúng tôi luôn phải chấp nhận điều đó”.
Tuy nhiên, nhằm tránh COP29 kết thúc trong thất bại, nước chủ nhà Azerbaijan đã vận động được đa số quốc gia dự COP29 thông qua thỏa thuận, với lập luận rằng thất bại tại Baku sẽ là bước lùi nghiêm trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Chia sẻ quan điểm này, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC), cho rằng thỏa thuận 300 tỷ USD/năm chưa thỏa đáng nhưng là sự bảo hiểm cần thiết cho cuộc chiến chống biển đổi khí hậu vào thời điểm này: “Chúng ta cần COP29 lần này biến các cam kết tại COP28 thành những kết quả cụ thể trên toàn cầu, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của người dân và hành tinh. Tại COP28, thế giới đã thống nhất tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo còn tại COP29 chúng ta đã tăng gấp 3 lần cam kết tài chính khí hậu và các nước sẽ còn huy động được nhiều hơn”.
Một số kết quả đáng khích lệ
Bên cạnh thỏa thuận tài chính khí hậu mới thiếu tham vọng, COP29 cũng không đạt nhiều tiến bộ trong một chủ đề lớn khác là việc đẩy nhanh quy trình loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, cam kết mang tính lịch sử được đưa ra tại COP28 năm ngoái ở Dubai (UAE). Các thảo luận về chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch xuất hiện mờ nhạt tại COP29 và không nhận được cú hích nào từ phía nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới – G20, bởi trong cùng thời gian diễn ra COP29, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil (18-19/11) đã không đưa chủ đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào Tuyên bố cuối cùng. Việc COP29 không đạt tiến bộ trong chuyển đổi năng lượng khiến nhiều chuyên gia lo ngại các mục tiêu cắt giảm khí thải trong tương lai sẽ bất khả thi, trong bối cảnh Trái đất ngày càng ghi nhận các mức nhiệt độ cao kỷ lục.
Tuy nhiên, COP29 cũng ghi nhận một số kết quả đáng khích lệ. Bước đột phá quan trọng đầu tiên của COP29 là đạt được đồng thuận về cách thức hoạt động của thị trường carbon, bao gồm giao dịch giữa các quốc gia và cơ chế tín chỉ carbon, giúp thiết lập tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon. Dù vẫn còn gây ra một số tranh cãi, đặc biệt từ các nhóm bảo vệ môi trường và các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người bản địa, nhưng việc COP29 thông qua được các quy định về thị trường carbon cũng được xem là bước tiến đáng chú ý sau nhiều năm đàm phán bế tắc về vấn đề này. Trưởng nhóm nghiên cứu Chính sách khí hậu quốc tế tại trường Đại học Zurich (Thụy Sỹ), ông Axel Michaelowa nhận xét: “Thị trường carbon quốc tế luôn là một chủ đề gây tranh cãi và phải mất gần 1 thập kỷ, kể từ sau Thỏa thuận Paris 2015, chúng ta mới thống nhất được các quy định. Đây là điều tốt bởi chúng ta sẽ có một thị trường carbon quốc tế hoạt động đầy đủ và các nước đang phát triển có thể có được nguồn thu nhập lớn thông qua việc bán tín chỉ carbon”.
COP29 cũng đã giải quyết thành công các vấn đề minh bạch báo cáo khí hậu, với việc hoàn thành các công cụ báo cáo mới cho Khung tăng cường minh bạch (ETF) của Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, góp phần tăng cường chính sách khí hậu và xác định nhu cầu tài chính. Bên cạnh đó, COP29 đã thiết lập chương trình hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAPs) cho các nước kém phát triển. COP29 đồng thời đã nâng cao tiếng nói của các cộng đồng địa phương và người dân bản địa trong hành động khí hậu, tái khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới và thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu. COP29 cũng lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của trẻ em trong Diễn đàn Khí hậu do Thanh niên lãnh đạo, nhấn mạnh tính bao trùm và hợp tác giữa các thế hệ trong hành động khí hậu.