Đêm qua (23/11), theo giờ địa phương tại Baku, Azerbaijan, các bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) đã đạt được thỏa thuận mới về tài chính khí hậu sau 2 tuần thương lượng căng thẳng.
Trung tâm hội nghị, nơi diễn ra Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Theo thoả thuận vừa đạt được, các nước phát triển cam kết huy động 1.300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến 2035, nhằm giúp các nước nghèo và các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chỉ có 300 tỷ USD/năm trong số này là các khoản viện trợ hoặc cho vay với lãi suất thấp từ các nước phát triển. Số tiền còn lại (1.000 tỷ USD/năm) phải huy động từ các nguồn khác, như: khu vực tư nhân; thuế nhiên liệu hoá thạch… Đây là điều khoản gây ra rất nhiều tranh cãi và bị nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm các nước nghèo và các đảo quốc nhỏ, chỉ trích gay gắt vì cho rằng khoản tiền thực tế nhất (300 tỷ USD/năm) là quá ít so với nhu cầu tài chính khí hậu của các nước đang phát triển.
Trước đó, cũng trong ngày hôm qua (23/11), COP29 đã thông qua được các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thị trường này được đánh giá sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất.