Việt Nam và nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Vân + Long
Chia sẻ
(VOV5) - Từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (VGGS) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (GGAP).

Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Ajecbaizan. Tham dự Hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm. Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên họp của Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết Chính phủ đã huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung. Trong đó, năm 2023 đã bố trí trên 170 triệu USD cho khắc phục sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 16 dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long với vốn vay nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD. Đồng thời, triển khai các chương trình hành động phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.

Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh

Là một trong những quốc gia sớm dành ưu tiên cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (VGGS) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (GGAP). Các văn kiện này xác định các mục tiêu cụ thể để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển, tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa thị trường các-bon vào vận hành thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028.

Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg (ngày 02/5/2024) về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan  nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường các-bon trong nước, trao đổi với quốc tế; Đồng thời, sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc xây dựng thị trường các-bon, có một số lợi thế trong những ngành giảm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu. PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại kinh tế quốc tế, trường ĐH kinh tế quốc dân, cho rằng: “Tôi cho rằng, việc phát triển thị trường tín chỉ cacbon là một bước đi rất quan trọng trong vấn đề thực hiện mục tiêu, tức là vừa giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời tận dụng được lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực. Nếu chúng ta không bắt kịp thị trường này thì chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội và sau này chi phí cơ hội để bù đắp lại sẽ lớn hơn. Mà nếu chúng ta phát triển được thì chúng ta huy động nguồn lực một cách hiệu quả hơn, và gắn với đó là chúng ta có thể là kết nối được thị trường của Việt Nam với các nước và vận hành quá trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.”

Việt Nam tham gia đóng góp tại COP 29

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam,  cho biết: Khẩu hiệu chính của Hội nghị COP 29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”. Khẩu hiệu đầu tiên, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng thực hiện vì một mục tiêu chung. Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thấy, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4 - 2,7 độ C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari (giữ mức tăng ở 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C). Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với cái mục tiêu trong thỏa thuận Paris, và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực. Ông Phạm Văn Tấn cho biết: “Nguồn lực chỉ khoảng 5% cho thích ứng biến đổi nên yêu cầu nữa của Việt Nam là phải nâng mức ứng phó với biến đổi khí hậu cộng với nguồn lực cho thích ứng biến đổi khí hậu. Nguồn lực phải tương đồng với nguồn lực giảm phát thải khí nhà kính".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Với những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian qua, Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu