Diễn ra trong hai ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới – G20 năm nay ghi nhận bước tiến lớn trong nỗ lực chống đói nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, Hội nghị không thúc đẩy được các đột phá lớn về vấn đề tài chính khí hậu và chuyển đổi năng lượng như kỳ vọng, đồng thời vẫn bị chia rẽ về địa chính trị.
Với chủ đề ‘Xây dựng một thế giới công bằng hơn và một hành tinh bền vững hơn”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay đặt mục tiêu chính vào các vấn đề mà các nước đang phát triển, hay còn gọi là “phương Nam toàn cầu” (Global South), quan tâm, gồm: đói nghèo; cải tổ quản trị toàn cầu; công lý trong tài chính khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Ưu tiên của phương Nam toàn cầu
Thành công đáng kể nhất của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay là việc thành lập được Liên minh toàn cầu chống đói nghèo (GAAHP), sáng kiến do nước chủ nhà Brazil đưa ra nhằm đặt cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu vào trung tâm thảo luận của các thiết chế đa phương. Dù cơ chế hoạt động và cách thức để đạt được các mục tiêu của Liên minh này vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện nhưng việc xây dựng được một Liên minh có sự ủng hộ của 81 quốc gia và một loạt các thiết chế toàn cầu, như: Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), các ngân hàng phát triển, các quỹ thiện nguyện lớn (Quỹ Rockerfeller, Quỹ Bill&Melinda Gates)… có thể xem là cột mốc quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ xóa đói nghèo trên toàn thế giới từ nay đến 2030. Tổng thống Brazil, ông Lula da Silva, tuyên bố: “Với tư cách Chủ tịch G20, chúng tôi coi việc công bố Liên minh toàn cầu chống đói nghèo là mục tiêu trung tâm. Đây sẽ là di sản lớn nhất của chúng ta. Liên minh này không chỉ là việc thiết lập công lý mà còn là điều kiện thiết yếu để xây dựng một thế giới thịnh vượng và hòa bình hơn”.
Bên cạnh việc công bố thành công GAAHP, nước chủ nhà Brazil cũng đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự với cam kết tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và phê duyệt tài liệu đa phương đầu tiên về kinh tế sinh học. Ngoài ra, Brazil cũng đưa ra một lộ trình để các ngân hàng phát triển đa phương trở thành các tổ chức lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ các nước châu Phi có tiếng nói trong các cuộc đàm phán về nợ. Trong năm nay, từ đề xuất của Brazil, các nước G20 cũng đã phê duyệt chiến lược thúc đẩy hợp tác trong “Đổi mới mở” chống lại sự bất cân xứng trong sản xuất khoa học và công nghệ, cũng như thành lập Nhóm công tác về trao quyền cho phụ nữ và Nhóm làm việc về quản trị trí tuệ nhân tạo. Đáng chú ý, cùng với một số nước khác trong G20 (Trung Quốc, Nam Phi…) nước chủ nhà Brazil đã lần đầu tiên khởi xướng việc đánh thuế giới siêu giàu trên thế giới, biến đây thành một chủ đề lớn hơn mà G20 sẽ buộc phải thảo luận nghiêm túc trong tương lai, trong đó nhiều khả năng đây sẽ là một trong những ưu tiên chính cho Thượng đỉnh G20 năm tới tại Nam Phi. Tổng thống Lula da Silva, nhấn mạnh: “Hợp tác quốc tế về thuế có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm bất bình đẳng. Các nghiên cứu do nhóm tài chính G20 thực hiện cho thấy việc đánh 2% thuế tài sản với các cá nhân siêu giàu có thể mang lại khoảng 250 tỷ USD mỗi năm, để đầu tư ứng phó với các thách thức về xã hội và môi trường của thời đại ngày nay”.
Thiếu cam kết lớn về khí hậu và năng lượng
Theo ông Guilherme Casaroes, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Quỹ nghiên cứu Getulio Vargas có trụ sở ở Rio de Janeiro (Brazil), giới chức ngoại giao Brazil đã lựa chọn rất thận trọng và khôn khéo các chủ đề chính của Thượng đỉnh G20 năm nay. Các chủ đề được lựa chọn (đói nghèo, khí hậu, năng lượng) đều “trung tính” và có thể mang lại tối đa sự đồng thuận giữa các nước thành viên G20. Tuy nhiên, chính sự thận trọng này cũng khiến Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro không tạo nên được đột phá trong 2 chủ đề rất được chờ đợi là tài chính khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Diễn ra cùng thời điểm với Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu – COP29 ở Baku, Azerbaijan (11-22/11), nhiều người chờ đợi Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro có thể đưa ra các cam kết mạnh mẽ và rõ ràng hơn về đóng góp tài chính cho khí hậu hoặc thiết lập lộ trình loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, qua đó tạo cú hích cho các đàm phán đang bế tắc ở COP29. Tuy nhiên, trong Tuyên bố cuối cùng, G20 chỉ nhấn mạnh nguồn tài chính cần thiết sẽ đến từ "tất cả các nguồn lực" nhưng không nêu cụ thể từ đâu và cách thức phân bổ ra sao. Ngoài ra, dù kêu gọi giảm dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, song G20 cũng không đề cập đến việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng loại nhiên liệu này. Tổng thống Brazil, Lula da Silva đề xuất các nước phát triển trong G20 đẩy nhanh cam kết trung hòa carbon sớm hơn, từ năm 2050 hiện nay lên 2040 hoặc 2045, đồng thời thành lập Hội đồng biến đổi khí hậu tại LHQ, nhưng cả hai đề xuất này đều không nhận được sự ủng hộ đủ lớn.
Theo Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, việc G20 thiếu vắng các hành động quyết liệt là điều đáng tiếc bởi các nước G20 chiếm tới 80% lượng phát thải toàn cầu nên cần phải là những nước đi tiên phong. Tổng thư ký LHQ cũng cảnh báo sự chần chừ này của G20 sẽ khiến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn hơn: “Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo G20 chỉ đạo các Bộ trưởng và các nhà đàm phán nước mình nỗ lực đạt được một mục tiêu tài chính khí hậu mới tham vọng hơn ngay trong năm nay. Không có chỗ cho thất bại, bởi việc thất bại sẽ làm tổn hại các tham vọng trong việc chuẩn bị kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới của các nước, có thể gây ra các tác động nghiêm trọng, trong bối cảnh các điểm tới hạn không thể đảo ngược đang ngày càng tiến đến gần hơn”.
Một khía cạnh khác cũng khiến Thượng đỉnh G20 năm nay không thành công trọn vẹn là mâu thuẫn địa chính trị sâu sắc giữa các nhóm nước trong nội bộ G20 liên quan đến xung đột tại Ukraine và dải Gaza. Giống như các Hội nghị Thượng đỉnh G20 hai năm gần đây (2022 tại Indonesia và 2023 ở Ấn Độ), các nước G20 đã tranh cãi rất gay gắt, cả về nội dung và ngôn từ liên quan đến 2 xung đột này, và phải chấp nhận thỏa hiệp để có thể ra được Tuyên bố cuối cùng.