Hôm 15/12, Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, đây cũng có thể xem là một dấu mốc quan trọng về địa chính trị đối với cả nước Anh và các quốc gia thành viên CPTPP
Anh đệ đơn xin gia nhập CPTPP từ năm 2021, đến tháng 7 năm ngoái ký hiệp ước gia nhập và hôm 15/12 chính thức trở thành thành viên đầy đủ. Sự kiện này đánh dấu thỏa thuận thương mại lớn nhất của Anh kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
“Thắng lợi” cho nước Anh
Với việc Anh chính thức gia nhập, CPTPP giờ đây có 12 quốc gia thành viên với tổng số 580 triệu dân, trong đó có 3 quốc gia thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) là Canada, Nhật Bản và Anh, cùng Australia, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, Anh giúp gia tăng đáng kể sức mạnh kinh tế của CPTPP, nâng tỷ trọng của CPTPP trong GDP toàn cầu lên khoảng 15%. Trên hết, việc Anh gia nhập CPTPP mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Về phía Anh, Bộ trưởng Kinh doanh Anh, ông Jonathan Reynolds cho biết việc tham gia CPTPP sẽ mang lại cho nền kinh tế đang suy yếu của nước này khoảng 2 tỷ bảng mỗi năm (tương đương 2,5 tỷ USD) nhờ việc các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận với thị trường mới hơn 500 triệu dân. Tiếp đến, các doanh nghiệp Anh sẽ được đặt trong một khối quy tụ các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, nơi các thế mạnh của Anh về công nghệ tài chính, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thiết bị… sẽ được phát huy và có được ưu thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ khác.
Quan trọng hơn, về mặt đối nội, việc gia nhập thành công CPTPP củng cố cho các lập luận được cả hai chính đảng lớn nhất tại Anh là đảng Bảo thủ và Công đảng cầm quyền ủng hộ, đó là sau khi thực hiện Brexit để rời khỏi EU, nước Anh sẽ dễ dàng hơn trong việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên khắp thế giới, qua đó hiện thực hóa chiến lược “Nước Anh toàn cầu” (Britain Global) được đưa ra sau Brexit. Trong giai đoạn hậu Brexit, nước Anh đã ký FTA với Australia, New Zealand, Singapore và đang hướng tới ký kết với Ấn Độ nhưng CPTPP là Hiệp định có tầm vóc nhất cho đến lúc này. “Thắng lợi” về mặt chính trị này bù đắp được phần nào cho các thiệt hại về kinh tế của Brexit bởi theo các tính toán, việc rời EU khiến nước Anh thiệt hại khoảng 4% GDP trong dài hạn trong khi gia nhập CPTPP chỉ giúp nước này tăng trưởng thêm khoảng 0,08%. Tuy nhiên, Cao ủy đại diện Anh tại Singapore, ông Nikesh Mehta, khẳng định nước này vẫn có niềm tin vào một CPTPP lớn mạnh hơn trong tương lai: “Chúng tôi tin rằng gia nhập CPTPP sẽ giúp kinh tế Anh tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD. Đó là một con số tương đối lớn nhưng mới chỉ xét trên số thành viên hiện tại của CPTPP. Với một CPTPP mở rộng hơn hơn, với nhiều lĩnh vực hợp tác hơn, tôi tin khối này sẽ có vai trò đáng kể và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Anh’.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Manchester, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
|
Về phía các quốc gia thành viên khác của CPTPP, việc kết nạp một cường quốc kinh tế châu Âu vào khối giúp gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường 70 triệu dân có sức mua lớn của Anh, đồng thời thúc đẩy việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn nước này. Ngoài ra, việc 1 quốc gia G7 gia nhập CPTPP cũng giúp Hiệp định duy trì được sức hút sau một thời gian tương đối bế tắc về hướng đi, sau khi thành viên lớn nhất là Mỹ rút khỏi Hiệp định tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.
Tầm vóc mới cho CPTPP
Đối với nhiều chuyên gia, việc nước Anh gia nhập CPTPP không chỉ là một sự kiện đáng chú ý về kinh tế mà còn mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Theo bà Minako Morita-Jaeger, chuyên gia về thương mại quốc tế thuộc Trường Đại học Sussex (Anh), sau khi Mỹ rời TPP (nay là CPTPP) vào năm 2017, trên thực tế CPTPP đã biến thành một khối kinh tế quy tụ các cường quốc hạng trung có mong muốn duy trì một trật tự thương mại toàn cầu rộng mở, dựa trên luật lệ, với các tiêu chuẩn cao đủ sức cạnh tranh một cách công bằng với các đối thủ kinh tế lớn khác là Mỹ, Trung Quốc và EU. Do đó, theo bà Minako Morita-Jaeger, việc nước Anh gia nhập Hiệp định này mang lại nhiều lợi ích lớn hơn khía cạnh kinh tế và nước Anh có thể đóng góp tích cực cho CPTPP. Đầu tiên, đó là việc nước Anh sẽ là một trong những nhân tố chủ chốt giúp CPTPP bảo vệ các giá trị của thương mại tự do dựa trên luật lệ, giúp khối tạo lập vị thế cân bằng hơn với các đối thủ kinh tế lớn. Tiếp theo, việc kết nạp Anh giúp CPTPP mở rộng không gian kinh tế của Hiệp định ra ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp tạo nên tiền lệ để nhiều quốc gia khác hành động tương tự khi thấy rằng bất kể vị trí địa lý, các quốc gia ở các khu vực khác hoàn toàn có thể gia nhập CPTPP nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Hiệp định. Bà Minako Morita-Jaeger nhận xét: “Dưới góc nhìn chính sách thương mại quốc tế, tôi nghĩ các luật lệ của CPTPP có tiềm năng trở thành hình mẫu cho các luật lệ của chủ nghĩa đa phương. Việc CPTPP mở rộng thành công đem lại động năng cho việc đa phương hóa CPTPP và một số tổ chức khác, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói, việc Anh gia nhập CPTPP mang lại tiền lệ tốt cho việc kết nạp thành viên sau này của khối”.
Tuy nhiên, các thách thức tương lai đối với CPTPP cũng tương đối phức tạp. Là tập hợp của nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế, nền tảng văn hóa và hệ thống chính trị khác nhau, việc CPTPP có thể duy trì lâu dài các giá trị và tiêu chuẩn của mình trong quy trình kết nạp thành viên mới hay không vẫn là điều gây tranh cãi, đặc biệt khi đang có một số quốc gia và vùng lãnh thổ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định. Theo bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện chính sách Asia Society (ASPI) tại Mỹ, một trong những điều mà các thành viên CPTPP cần thống nhất một cách rõ ràng, đó là cần gạt bỏ những chờ đợi về việc nước Mỹ có thể quay lại CPTPP, ít nhất là trong tương lai gần. Tiếp đến, cần nhanh chóng cải thiện nhiều điều khoản trong Hiệp định để phù hợp hơn với thực tế thương mại toàn cầu. Tại cuộc gặp cuối năm ngoái ở San Francisco (Mỹ), bên lề Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các thành viên CPTPP đã thảo luận về việc nâng cấp Hiệp định và theo bà Wendy Cutler, điều này cần thực hiện càng sớm càng tốt khi có nhiều biến động chính trị và kinh tế hiện nay trên thế giới.