Cách đây 80 năm (22/12/1944), tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, ra đời.
Cắt băng khánh thành các hạng mục do Đội Công binh Việt Nam làm tặng Trường cấp 3 Abyei. Ảnh: qdnd.vn |
80 năm qua, quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc bảo vệ vững chắc non sông, bờ cõi, quân đội nhân dân Việt Nam cũng thực hiện nhiều nghĩa vụ quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, cùng kiến tạo hòa bình.
Thực hiện nghĩa vụ quốc tế
Trường cấp 3 Abyei nằm gần nơi đóng quân của Đội Công binh Việt Nam thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei, khu vực tranh chấp giữa Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Nam Sudan. Trước đó, thầy và trò nhà trường phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Thầy giáo Satino, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi không có thư viện, và rất thiếu bàn ghế. Có những lớp, học sinh thậm chí còn phải tự mang ghế tới lớp học, rồi hết giờ học lại mang ghế đó về nhà để dùng trong sinh hoạt gia đình. Chúng tôi cũng thiếu phòng học. Chúng tôi rất muốn có thêm 3 phòng học nữa”.
Biết được những khó khăn đó, Đội Công binh số 1 Việt Nam đã tận dụng các thùng hàng gỗ trong phái bộ để đóng bàn ghế cho học sinh địa phương, cung cấp các téc nước sạch, khoan giếng, xây dựng thêm các phòng học mới. Một học sinh nữ vui vẻ chia sẻ: “Lớp học rất đẹp, chúng cháu rất trân trọng sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam khi đã dựng thêm cho chúng cháu những phòng học mới. Cháu rất vui khi được học trong phòng học mới này. Phòng học này có cửa sổ trông rất khác so với lớp học cũ, cháu cũng nhìn thấy nhiều thứ mới mà không biết gọi nó là gì, nhưng cháu thực sự rất vui!”
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cùng các thành viên Đội Công binh số 3 tặng quà các cháu học sinh tại Nhà thờ Abyei. Ảnh: qdnd.vn |
Có phòng học khang trang nhưng đường đến trường lại quá lầy lội sau trận lụt lịch sử. Điều đó lại thôi thúc các sĩ quan và quân nhân của Đội Công binh Việt Nam mở đường tới trường cho các em.
200m đường đã được thi công. Đội Công binh cũng đổ thêm gần 100 m3 đất để nâng nền sân trường trên diện tích gần 400m2 làm khu vui chơi. Thượng úy Nguyễn Chí Dũng, Đội Công binh số 1 Việt Nam tại Abyei, tự hào chia sẻ: “Giờ đây khi chúng tôi đi qua những khu dân cư, đều nhận được cái vẫy tay và nụ cười thân thiện của người dân, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
200m đường tuy không dài nhưng đó là con đường dẫn đến tri thức. Đội Công binh Việt Nam đang góp sức để con đường đi đến tương lai của các em ngắn lại.
Abyei chỉ là 1 trong số những nơi mà các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ hòa bình quốc tế trong thời bình.
Sau hơn 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ.
Đây là minh chứng cho cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu với tinh thần “Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Tham gia tích cực vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ phẩm chất cao quý làm nên nhân cách tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam khi sẵn sàng đóng góp vào cuộc sống hòa bình của nhân loại.
Thúc đẩy hợp tác và hội nhập cùng kiến tạo hòa bình
Để giữ gìn môi trường hòa bình phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn tích cực triển khai các hoạt động hợp tác với quân đội các nước.
Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Chansamone Chanyalath với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Ảnh: qdnd.vn |
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ hai diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, với nhiều hoạt động, như: chào, tô son cột mốc chủ quyền, trồng cây hữu nghị, tuần tra chung, khánh thành các công trình hữu nghị… Các hoạt động đã để lại ấn tượng về tình hữu nghị, đoàn kết giữa quân và dân hai nước. Đại tá Viengxay Soulivong, Tùy viên Quốc phòng Lào tại Việt Nam, khẳng định: “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới là một trong những hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương quan trọng hàng đầu của hai nước trong năm nay, có ý nghĩa hết sức quan trọng để tiếp tục tổ chức và triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng. Đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Quân đội Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ.”
Trước đó, vào tháng 4, chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng Biên giới Việt - Trung lần thứ 8 diễn ra tại cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam và cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã mang lại sự phấn khởi, tin cậy cho nhân dân vùng biên giới hai nước Việt - Trung.
Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Đổng Quân chào cột mốc biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: qdnd.vn |
Hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới được tổ chức thường xuyên đã trở thành mô hình hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với các nước láng giềng như khẳng định của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: “Sự thành công của những đợt giao lưu đã thể hiện quyết tâm chính trị của Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng Việt Nam, các địa phương, nhất là nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam với các nước láng giềng có chung đường biên giới trên bộ, trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.”
Với thông điệp “Hòa bình - Hợp tác - Phát triển”, những ngày cuối năm 2024, Triển lãm quốc tế quốc phòng Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Triển nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, củng cố lòng tin giữa Việt Nam với các nước; chia sẻ chính sách, đường lối đối ngoại quốc phòng để cùng xây dựng thế giới hòa bình.
Trong không gian hơn 10.000m2, gần 500 sản phẩm vũ khí, khí tài, giải pháp công nghệ Made in Vietnam hiện diện cùng với các khí tài, quân sự, sản phẩm công nghiệp quốc phòng của khoảng 40 quốc gia, được trưng bày.
Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức triển lãm kể từ lần đầu tiên năm 2022, với quy mô lớn hơn, số lượng đối tác tham dự đông hơn, trong đó có sự tham gia của nhiều cường quốc có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức…
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế là cơ hội để Việt Nam tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác với quân đội các nước.
Theo Bộ Quốc phòng, Việt Nam hiện có quan hệ hợp tác quốc phòng với trên 100 đối tác. Việt Nam cũng đã thiết lập các cơ quan quốc phòng trực tiếp tại 33 nước, cơ quan quốc phòng kiêm nhiệm tại 41 nước và Liên hợp quốc. Phần nhiều những hợp tác đó liên quan đến tăng cường tin cậy chính trị, tạo ra những cơ chế chung để giải quyết các thách thức an ninh chung.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác quân sự, quốc phòng khu vực và toàn cầu. Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng Vũ Thành Văn khẳng định: “Tại các diễn đàn này, Việt Nam chuyển đi thông điệp và khát khao về một thế giới phát triển và hòa bình, khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực, quốc tế. Việt Nam cũng thể hiện thiện chí mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước, đóng góp vào duy trì an ninh khu vực và toàn cầu.”
Đối ngoại quốc phòng song phương và đa phương của quân đội nhân dân Việt Nam thời gian qua đã góp phần khắc họa hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Phần 3: Chính sách quốc phòng vì mục đích hòa bình
Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế cao cả, tăng cường đối thoại, mở rộng giao lưu, hợp tác với quân đội các nước là biểu hiện cụ thể của chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ của quân đội nhân dân Việt Nam.
Với đường lối đúng đắn và bước đi phù hợp, ngoại giao quốc phòng đã tạo ra những cơ chế để quân đội nhân dân Việt Nam và các nước liên quan có thể giải quyết được những thách thức, thu hẹp những khác biệt trên tinh thần giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, bằng thương thảo, bằng sự hiểu biết lẫn nhau. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, khẳng định quân đội nhân dân Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với Bộ Quốc phòng, quân đội các nước trong khu vực và thế giới, vì mục đích hòa bình: “Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng 4 không: không liên minh quân sự, không đi với nước này chống lại nước kia, không giải quyết các vấn đề bằng biện pháp quân sự, và cũng không để các tổ chức quân sự của các nước đứng chân trên đất nước của mình. Đây là đường lối đúng đắn để chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”
Diễn tập chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ: “Giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng. Giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại. Giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình. Giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhau. Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý, lẽ phải, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Quan điểm của Việt Nam được các nước ủng hộ và đánh giá cao. Đại tá Thomas Stevenson, nguyên Tùy viên Quốc phòng Mỹ tại Việt Nam, cho rằng: “Thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng 4 không đã giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các cường quốc, có quan hệ tốt với các cường quốc, và nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ mà nhiều quốc gia phải ngưỡng mộ. Với các lý do này, tôi nghĩ rằng các chính sách của Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả và phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng có nghĩa là quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.”
Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế cao cả, tăng cường đối thoại, mở rộng giao lưu, hợp tác với quân đội các nước là biểu hiện cụ thể của chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ của quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh minh họa: VOV |
Suốt dọc chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập. Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam cũng khao khát thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Cùng thế giới kiến tạo hòa bình là chính sách nhất quán của quân đội nhân dân Việt Nam. Những nỗ lực đảm bảo môi trường hòa bình trong nước, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đã và đang là nền tảng để Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, tham gia thúc đẩy hợp tác hữu nghị với các nước vì một thế giới hòa bình.