Chuyến thăm chưa thể giải quyết mọi lợi ích

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Barak Obama bắt đầu chuyến công du ba ngày tới Israel, khu Bờ Tây và Jordan. 

(VOV5) - Ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Barak Obama bắt đầu chuyến công du ba ngày tới Israel, khu Bờ Tây và Jordan. Việc chọn khu vực này là điểm đến đầu tiên sau khi trúng cử nhiệm kỳ 2 Tổng thống Mỹ cho thấy những vấn đề ở Trung Đông vẫn sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với ông chủ Nhà Trắng cũng như các chương trình nghị sự của ông trong 4 năm tới. Tuy nhiên, xem ra sẽ khó có đột phá nào cho việc giải quyết những bất ổn trong khu vực từ chuyến đi này của Tổng thống Barak Obama. Bài viết của Biên tập viên Hồng Vân nhan đề Chuyến thăm chưa thể giải quyết mọi lợi ích.


 Chuyến thăm chưa thể giải quyết mọi lợi ích - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Netanyahu (Ảnh: ABC OPTUS News)


Theo lịch trình, tại Israel, Tổng thống Barak Obama sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, có bài diễn văn tại Jerusalem, trước các sinh viên, thăm một số di tích lịch sử như khu Yad Vashem tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị thảm sát, nhà thờ Giáng Sinh tại Bethlehem, một địa điểm thiêng liêng đối với người Thiên Chúa giáo. Khi đến vùng Bờ Tây, ông Barak Obama sẽ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ Tướng Salam Fayyad tại Ramallah, thăm trung tâm thanh niên Palestine. Sau đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ có chuyến công du 24 giờ tới Jordan, đồng minh quan trọng của Mỹ, để thảo luận về tình hình bạo lực ở biên giới Syria trong bối cảnh có hơn 45.000 người dân quốc gia này chạy đến Jordan đang rất cần viện trợ từ quốc tế.

 Dễ hiểu khi chặng dừng chân ở Israel và khu Bờ Tây, ông Obama có các hoạt động dày đặc trong lịch trình vì khu vực này vốn liên quan mật thiết tới lợi ích của Hoa Kỳ. Những thông tin được tiết lộ trước chuyến đi cho thấy ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama là hàn gắn lại mối quan hệ rạn nứt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Mối quan hệ đồng minh này vốn đang không êm thấm vì những vấn đề liên quan tới Iran khi Israel muốn tấn công nước Cộng hoà Hồi giáo này, còn Mỹ lại muốn tiến hành những bước đi thận trọng bằng giải pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế. Dường như để xoa dịu đồng minh quan trọng này, trước chuyến đi, ngày 18/3, Tổng thống Mỹ đã một lần nữa cảnh báo Iran phải có ngay các biện pháp nhằm giảm bớt tình hình căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều năm qua của nước này. Ông Obama nhấn mạnh giờ là lúc các nhà lãnh đạo Iran phải có các biện pháp tức thì và có ý nghĩa nhằm chứng minh với cộng đồng thế giới rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ mục đích nghiên cứu y học và điện lực.


 Chuyến thăm chưa thể giải quyết mọi lợi ích - ảnh 2
Poster về chuyến thăm của Obama tại thủ đô Ramalah bị gạch xóa (Ảnh AP)


 Một vấn đề quan trọng khác không thể không đề cập trong chặng dừng chân của ông chủ Nhà Trắng ở Israel và khu Bờ Tây, đó là tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, kỳ vọng của dư luận về khả năng khởi động lại tiến trình hoà bình ở khu vực này đã bị dội gáo nước lạnh khi trước thềm chuyến thăm, Nhà Trắng cho biết ông Obama không có ý định đưa ra các đề xuất mới nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài hơn 2 năm nay của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái tại Mỹ, tuần trước, ông Obama cũng đưa ra tín hiệu rằng sẽ không có sáng kiến hoà bình Trung Đông lớn nào được đưa ra thảo luận, đồng thời khẳng định ông không đặt ra mục tiêu giải quyết bất kể vấn đề chính trị cụ thể nào. Có lẽ vì thế mà giới phân tích nhận định mục tiêu của chuyến đi lần này của ông Obama chỉ là giữ cho mâu thuẫn giữa Israel và Palestine, cũng như việc Iran theo đuổi chương trình hạt nhân, không trở nên căng thẳng quá mức mà thôi. Ngay cả các quan chức của Palestine cũng từ chối bình luận về chuyến thăm cũng như tác động của dự kiện này đối với tiến trình hoà bình. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng kết quả chuyến thăm sẽ chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn là hâm nóng tiến trình đàm phán đã bị đóng băng từ năm 2010.

Nhìn vào khả năng giải quyết những bất ổn ở Trung Đông, xem ra, chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barak Obama mới chỉ mang tính thăm dò tình hình các bên và chuẩn bị cơ sở thích hợp để tái khởi động các cuộc đàm phán hoà bình vốn đang giẫm chân tại chỗ. Cũng có lẽ vì thế mà chuyến đi được người dân đón nhận với mức độ nồng nhiệt thấp hơn nhiều so với cách đây hơn 4 năm, khi ông Obama đến Trung Đông, thời điểm ông được kỳ vọng sẽ tạo ra biến chuyển cơ bản trong quan hệ giữa Mỹ và  khu vực này./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu