Tín hiệu tích cực mới cho hòa bình Trung Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cộng đồng quốc tế đã thở phào nhẹ nhõm khi Israel và Palestine, nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn "toàn diện và hai chiều" sau 4 ngày diễn ra các cuộc xung đột đẫm máu. Thỏa thuận đạt được sau khi Ai Cập "tăng cường liên lạc" với cả hai bên trong một nỗ lực "ngăn chặn các hoạt động quân sự nhằm vào Dải Gaza và chấm dứt cảnh đổ máu của người Palestine". 

(VOV5) - Cộng đồng quốc tế đã thở phào nhẹ nhõm khi Israel và Palestine, nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn "toàn diện và hai chiều" sau 4 ngày diễn ra các cuộc xung đột đẫm máu. Thỏa thuận đạt được sau khi Ai Cập "tăng cường liên lạc" với cả hai bên trong một nỗ lực "ngăn chặn các hoạt động quân sự nhằm vào Dải Gaza và chấm dứt cảnh đổ máu của người Palestine".

Tín hiệu tích cực mới cho hòa bình Trung Đông - ảnh 1
Một dự án nhà định cư tại khu vực Đông Jerusalem của Israel
(Ảnh: Internet)

Trong một động thái khác liên quan, ngày 12/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chủ trì hội nghị nhóm 4 bên gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Trung Đông. Tại cuộc họp, những vấn đề liên quan đến hòa bình cho khu vực này đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton và đặc phái viên của "Bộ Tứ" về hòa bình Trung Đông, ông Tony Blair đặt lên bàn nghị sự, thảo luận tích cực để thúc đẩy tiến trình hòa bình này. Đó là các vấn đề cốt lõi trong các cuộc đàm phán thực chất giữa Israel và Palestine như lãnh thổ, an ninh, người tị nạn, quy chế đối với thành phố Jerusalem, đồng thời chấm dứt sự chiếm đóng của Israel kéo dài từ năm 1967 trên các vùng lãnh thổ Palestine.

Như vậy, với thỏa thuận ngừng bắn mới này, tín hiệu hòa dịu đã hé mở đối với hòa bình Trung Đông. Bởi cách đây ít ngày, tình hình tại Dải Gaza đã không mang đến cho các nhà quan sát một hy vọng lạc quan nào. Theo đó, lấy lý do trả đũa việc các lực lượng Palestine bắn hơn 100 quả rocket và súng cối vào khu vực Eshkol ở miền Nam Israel, làm 4 người bị thương, chính quyền Tel Aviv đã tiến hành không kích toàn diện trên Dải Gaza. Thậm chí, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn khẳng định Nhà nước Do Thái sẽ tiếp tục không kích bất kỳ lực lượng vũ trang nào âm mưu tấn công người Israel. Theo thống kê, trong 4 ngày không kích (từ 9 đến 12/3), bom đạn của Israel đã làm ít nhất 20 người Palestine thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương. Đây là đợt leo thang xung đột đẫm máu nhất giữa Israel và Palestine tại dải Gaza trong vòng 3 năm qua. Căng thẳng gia tăng khi cùng ngày 11/3, cả Palestine và Israel đều kiến nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) phải hành động. Trong thư gửi Hội đồng bảo an, Israel đã chỉ trích cộng đồng quốc tế "làm ngơ" trước các vụ pháo kích từ Dải Gaza. Còn Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour nêu rõ, Hội đồng bảo an cần hành động ngay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này, đồng thời cáo buộc Israel làm cho tình trạng bạo lực và khủng bố leo thang.

Bởi vậy, những tín hiệu vừa đạt được đã giúp cộng đồng quốc tế nuôi một hy vọng. Sau hơn 1 năm qua, tiến trình đàm phán cho hòa bình Trung Đông bế tắc. Lý do chính tạo nên bất đồng là việc cùng thời điểm đàm phán, Israel vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động xây khu định cư trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Trong khi, chính quyền của Tổng thống Palestine đưa ra điều kiện tiên quyết rằng, Israel phải chấm dứt ngay các hành động này mới có thể tìm được tiếng nói chung.

Với thỏa thuận vừa đạt được, dư luận cho rằng, tín hiệu này chỉ mang đến một sự lạc quan chưa có cơ sở vững chắc. Nó sẽ thành công nếu như cả hai phía đều xây dựng được lòng tin. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay không giúp các nhà quan sát nhìn thấy tiến triển đó. Trước hết, trong nội bộ Palestine đang tồn tại nhiều ý kiến chưa thống nhất. Các cuộc gặp giữa đại diện hai phong trào Hamas và Fatah những ngày qua đã không đạt được tiến triển nào trong việc triển khai thỏa thuận về thành lập chính phủ đoàn kết, được hai bên ký ngày 6/2 tại Doha (Qatar). Nguyên nhân là do những bất đồng liên quan đến các vấn đề an ninh và quyền tự quyết của mỗi bên. Còn trong quan hệ Israel - Palestine cũng vậy. Đầu tháng 3 này, Palestine thông qua Jordan đã chuyển một thông điệp tới Israel, trong đó nhắc lại những điều kiện để nối lại đàm phán hòa bình như chấp nhận giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967 và ngừng hoàn toàn việc xây dựng khu định cư Do Thái tại các khu vực tranh chấp, trong đó có Đông Jerusalem... Tuy nhiên, dư luận nhìn nhận, các điều kiện này không dễ nhận được sự đồng ý của chính quyền Do Thái.

Hiện tại, quan hệ Israel - Palestine vẫn còn có nhiều trở ngại không dễ vượt. Nhưng dư luận vẫn hy vọng về thỏa thuận mới đạt được vừa qua cùng với sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế sẽ tạo ra những tiền đề quan trọng, là động lực để những nhân tố tích cực cho hòa bình Trung Đông được thiết lập./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu