Chông gai đường đến hòa bình Trung Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Hòa bình Trung Đông vẫn gặp nhiều trắc trở, khó vượt. Nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Palestine và Israel ngồi vào bàn đàm phán đã bị phủ bóng đen bởi xung đột và bất đồng giữa hai bên trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái. Người Palestine muốn Israel ngừng xây dựng các khu định cư trên phần lãnh thổ chiếm đóng, trong khi đó, Israel cho rằng Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn, không thể chia cắt" của mình và tiếp tục việc xây dựng khu tái định cư ở phía Đông vùng đất này.
(VOV5)- Hòa bình Trung Đông vẫn gặp nhiều trắc trở, khó vượt. Nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Palestine và Israel ngồi vào bàn đàm phán đã bị phủ bóng đen bởi xung đột và bất đồng giữa hai bên trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái. Người Palestine muốn Israel ngừng xây dựng các khu định cư trên phần lãnh thổ chiếm đóng, trong khi đó, Israel cho rằng Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn, không thể chia cắt" của mình và tiếp tục việc xây dựng khu tái định cư ở phía Đông vùng đất này.

Trong một động thái mới, ngày 21/10, bất chấp sự chỉ trích gay gắt của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng các khu định cư tại Jerusalem. Thậm chí, người đứng đầu chính phủ quốc gia Do Thái này còn mạnh mẽ khẳng định trong cuộc họp nội các hàng tuần rằng, đây là thủ đô của Israel và Tel Aviv sẽ xây dựng tại Jerusalem các công trình tương tự như cách các quốc gia khác làm tại thủ đô của mình như London, Paris, Washington, Moscow. Trước đó, ngày 18/10, Bộ Nội vụ Israel đã chính thức phê chuẩn kế hoạch xây dựng gần 800 căn nhà tại khu tái định cư Gilo nằm trong khu vực mà nhà nước Do Thái chiếm đóng từ năm 1967 và sau đó tuyên bố là một phần lãnh thổ của Jerusalem, song không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Cùng với đó, các động thái khác liên tục được chính quyền Tel Aviv o bế trên nhiều phương diện. Ngày 20/10, một tàu mang tên MV Estelle, treo cờ Phần Lan, chở các nhà hoạt động xã hội ủng hộ Palestine khi ở cách bờ biển Dải Gaza khoảng 35 hải lý đã bị các tàu của Israel tấn công. Ông Mustafa al-Barghouti, thuộc tổ chức Sáng kiến Dân tộc Palestine, cho biết Israel đã đe dọa tấn công tàu và bắt giữ các nhà hoạt động nếu họ tiếp tục hướng về Gaza. Trong khi đó, phản ứng về việc Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani có chuyến thăm lịch sử tới Dải Gaza, tham dự lễ đặt viên gạch nền để khởi công xây dựng một khu nhà mang tên ông và thông báo Qatar sẽ tăng viện trợ cho Gada từ 254 triệu USD lên 400 triệu USD. Ngày 23/10, các quan chức Tel Aviv đã cáo buộc Quốc vương Qatar “phá hoại hòa bình” khi thực hiện chuyến thăm đến Dải Gaza.

Chông gai đường đến hòa bình Trung Đông - ảnh 1
Ảnh: dantri.com.vn

Rõ ràng, quyết tâm vì một nền hòa bình Trung Đông và giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại song song sẽ khó thành hiện thực nếu như Tel Aviv tiếp tục có nhiều hành động gây trở ngại. Dư luận cho rằng, những hành động này của Tel Aviv đã và đang phá vỡ tiến trình hòa bình vốn rất mong manh. Bởi trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi thư yêu cầu Israel về bốn vấn đề, bao gồm: nguyên tắc 2 nhà nước dựa trên các đường biên giới trước năm 1967, ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái, phóng thích tất cả tù nhân Palestine và hủy bỏ tất cả các quyết định đi ngược lại các cam kết song phương ký kết từ năm 2000. Chỉ như vậy, tiến trình hòa bình Trung Đông mới có thể khởi động được trở lại. Ngày 17/10, ông M. Abbas còn gửi thư tay cho Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo điều kiện nối lại cuộc thương lượng với Israel, đồng minh chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực đó của chính quyền Palestine đã bị "dội gáo nước lạnh" từ các hành động của Israel.

Phản ứng trước quyết định của Israel, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton tuyên bố "rất lấy làm tiếc" về quyết định của Tel Aviv, đồng thời khẳng định "các khu định cư Do Thái là bất hợp pháp chiểu theo quy định của pháp luật quốc tế và đe dọa tới giải pháp 2 nhà nước". Các nhà quan sát cho rằng, việc xây dựng mới này đi ngược lại các cam kết và trách nhiệm của Israel nêu trong lộ trình hòa bình năm 2003, đồng thời sẽ phá hủy những kết quả về tiến trình đàm phán đạt được trong thời gian qua.

Trong khi đó, tình hình tại Palestine đang xuất hiện những động thái mới. Ngày 21/10, những người ủng hộ phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương lần đầu tiên kể từ năm 2006 ở Bờ Tây. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã bị phong trào Hamas từ chối tham gia do có tranh cãi với Phong trào Fatah. Nó đã cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ chính quyền Palestine. Chính điều này đã và đang tiếp thêm sức nặng đối với chính quyền của ông Abbas trong việc chèo lái con thuyền kinh tế. Bởi trước đó, người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ Palestine, ông Jihad Al-Wazeer cho biết, chính quyền Dân tộc Palestine có thể không có khả năng chi trả lương cho các nhân viên của mình vào tháng tới do không thể vay thêm tiền từ các ngân hàng địa phương...

Có thể thấy, xung đột giữa Israel-Palestin là một cuộc chiến dai dẳng, kéo dài nhất trong lịch sử thế giới đương đại. Điều kiện mà Palestin đưa ra để nối lại đàm phán hòa bình là chấp nhận giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967 và ngừng hoàn toàn việc xây dựng khu định cư Do Thái tại các khu vực tranh chấp, trong đó có Đông Jerusalem đã liên tục bị chính quyền Israel vi phạm. Nhiều năm qua, tiến trình đàm phán Palestine – Israel liên tiếp bị đẩy vào ngõ cụt, có lúc bế tắc trong vô vọng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất ổn và xung đột liên miên tại khu vực. Với những diễn biến hiện nay, dư luận cho rằng chặng đường phía trước của nền hòa bình ở Trung Đông vẫn sẽ là nhiều chông gai, trở ngại./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu