Các quốc gia triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để giữ đà phục hồi kinh tế

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Mỗi quốc gia đều ý thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị bó hẹp hoặc gián đoạn.

Trước tác động bất lợi đồng thời từ sự lây lan phức tạp của đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị quốc tế, chủ yếu liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang khẩn trương tiến hành các biện pháp ứng phó quyết liệt nhằm mục tiêu hàng đầu là củng cố và duy trì đà phục hồi kinh tế vừa mới nhen nhóm trở lại hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay.  

Các quốc gia triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để giữ đà phục hồi kinh tế - ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản nhằm đối phó lạm phát cao kỷ lục, trong cuộc họp báo trực tuyến ở Arlington, ngày 16/3/2022 - Ảnh: THX/TTXVN

Các báo cáo chuyên ngành mới nhất cho thấy, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đồng thời hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự tiếp tục lây lan của đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, trong đó đáng lo ngại nhất là diễn biến dịch phức tạp tại Trung Quốc, nơi đóng góp tới 1/4 sản xuất toàn cầu. Thứ hai là sự gián đoạn nhiều tuyến vận tải hàng hóa đường biển và đường hàng không do chiến sự tại Ukraine cũng như sự tăng giá nhiên liệu trên toàn thế giới. Hệ lụy là hàng loạt chỉ số kinh tế đáng lo ngại đã được ghi nhận. Chẳng hạn, trong một đánh giá ngày 15/3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang chịu “một đòn giáng mạnh”, làm tổn hại đến tăng trưởng và khiến giá cả gia tăng. Thực tế này buộc nhiều quốc gia phải tiến hành các biện pháp mạnh tay để ứng phó.   

Ứng phó của các nền kinh tế

Một trong những đối sách đáng ý nhất nhằm hỗ trợ nền kinh tế mà các quốc gia đưa ra gần đây là quyết định nâng lãi suất cơ bản (lãi suất tham chiếu) tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, ngày 16/3, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, lên ngưỡng 0,25% - 0,5%. Đây là lần đầu tiên Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định nâng lãi sau hơn 3 năm, mục tiêu là nhằm chặn đà tăng lạm phát mà không làm giảm tăng trưởng kinh tế. Quyết định được đưa ra sau khi giá cả tại Mỹ liên tục tăng cao trong thời gian qua, đẩy lạm phát vượt xa mục tiêu dài hạn của FED là 2%. Chẳng hạn, trong 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng tới 7,9%.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối tuần trước cũng thông báo sẽ dừng chương trình mua trái phiếu lớn sớm hơn dự kiến, đồng thời sẵn sàng cho việc tăng lãi suất vào cuối năm nay. Đây được cho là biện pháp “cực chẳng đã”  nhưng cần thiết mà châu Âu phải tiến hành để quản lý sự gia tăng lạm phát đi kèm nguy cơ suy thoái. Bởi thực tế ngay sau thông báo được công bố, thị trường tài chính châu Âu đã bị tác động mạnh, hàng loạt mã chứng khoán chủ chốt lập tức giảm sâu. Đến giữa tuần này, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành bước đi quan trọng nữa là thống nhất trợ giá nhiên liệu cho các hộ gia đình và hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao. Tổng ngân sách cho nỗ lực này ước tính có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.

Các quốc gia triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để giữ đà phục hồi kinh tế - ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 - Ảnh: mof.gov.vn

Triển khai các biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ để ứng phó với các thách thức hiện nay nhằm duy trì đà phục hồi kinh tế, cũng là một trong những nội dung nghị sự chính tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 diễn ra trong hai ngày 16-17/3 theo hình thức trực tuyến. Riêng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho biết các nước thành viên ASEAN đã nhất trí tìm kiếm các phương thức nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong khu vực, qua đó thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 28 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Campuchia chủ trì, Bộ trưởng Gan Kim Yong đã đề xuất 3 lĩnh vực chủ chốt mà các nước ASEAN có thể tập trung cùng thúc đẩy để hồi phục kinh tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và “hội nhập kinh tế khu vực rộng mở, dựa trên các quy tắc" trong bối cảnh các quốc gia thành viên phải điều chỉnh để ứng phó với các bất ổn kinh tế như áp lực lạm phát và gián đoạn kinh tế do "phức tạp địa chính trị" và đại dịch.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Qua các biện pháp đối phó quyết liệt của các thực thể kinh tế có thể thấy rằng, mỗi quốc gia đều ý thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị bó hẹp hoặc gián đoạn hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Về cơ bản, các biện pháp ứng phó được xây dựng và triển khai dựa trên sức mạnh kinh tế nội lực, đánh giá chủ quan của mỗi nước cũng như căn cứ vào bối cảnh thực tế. Đó là những bước đi có tính toán kỹ càng, khoa học và có tính cấp thiết cao. Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp mới chỉ là tình thế, tạm thời.

Theo nhiều chuyên gia và giới hoạch định chính sách tài chính-kinh tế quốc tế, bối cảnh phức tạp với việc tồn tại cùng lúc hàng loạt yếu tố có thể đe dọa đà tăng trưởng kinh tế cho thấy việc xây dựng, thúc đẩy phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Ông Krisada Chinavicharana, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan, Chủ tịch Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022, nhấn mạnh: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay, sự bền vững là một phần không thể thiếu trong quá trình phục hồi kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu