ASEAN 2021: Giữ vững đoàn kết, ứng phó thách thức

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Điểm nổi bật của ASEAN trong năm 2021 chính là nỗ lực kiểm soát đại dịch ở tầm khu vực và tăng cường liên kết với các nước đối tác ngoài khu vực.

Năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khi đại dịch COVID-19 gây thêm nhiều tác động bất lợi đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, trong khi cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, ASEAN tiếp tục giữ vững đoàn kết, thúc đẩy tầm nhìn Cộng đồng, duy trì và củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

ASEAN 2021: Giữ vững đoàn kết, ứng phó thách thức - ảnh 1Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Ảnh: TTXVN

Điểm nổi bật của ASEAN trong năm 2021 chính là nỗ lực kiểm soát đại dịch ở tầm khu vực và tăng cường liên kết với các nước đối tác ngoài khu vực. Các nước thành viên tập đã trung nguồn lực kiểm soát đại dịch, đồng thời nỗ lực phục hồi kinh tế. Năm 2021 thực sự là năm đáng được ghi nhận cho các nỗ lực vượt khó của ASEAN.

Duy trì quan hệ hợp tác, giữ gìn bản sắc cộng đồng

 Năm 2021, ASEAN đứng trước những khó khăn chưa từng có. Dịch bệnh COVID-19 phức tạp hơn so với năm 2020. Cạnh tranh nước lớn gay gắt, bất ổn nội bộ ở Myanmar là những thách thức khiến ASEAN phải “căng mình” chống đỡ. Bên cạnh đó, cùng với cộng đồng quốc tế, ASEAN còn phải ứng phó với những vấn đề tồn tại từ trước đó như các thách thức an ninh phi truyền thống, suy giảm kinh tế, khoảng cách giàu nghèo mở rộng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường …

Trên nền bức tranh khu vực và quốc tế bất thường và đầy biến động này, điều đáng mừng là ASEAN duy trì được bản sắc, cộng đồng phát triển, các nước đoàn kết, đối tác coi trọng. Trước hết, ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt nỗ lực ứng phó và phục hồi khu vực. Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đã trích 10,5 triệu USD trong tổng 25,8 triệu USD để mua vaccine cho các nước thành viên; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN (RRMS) cũng đã thành hình; số lượng vật tư y tế đã đóng góp và cam kết sẽ đóng góp đạt tổng giá trị hơn 15 triệu USD. Bên cạnh đó, Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) cũng được triển khai trên thực tế.

ASEAN 2021: Giữ vững đoàn kết, ứng phó thách thức - ảnh 2Ngày gia đình ASEAN 2021: “ASEAN đoàn kết chung tay đẩy lùi COVID-19”. Ảnh: dangcongsan.vn

Xây dựng Cộng đồng vẫn được ASEAN đẩy mạnh. Nổi lên là hơn 90% các Kế hoạch tổng thể đã và đang được triển khai trên tất cả các trụ cột cộng đồng, mang lại những lợi ích đáng kể cho người dân các nước thành viên. Trên nền tảng này, vị thế trung tâm của ASEAN trong đời sống khu vực được khẳng định rõ ràng và nâng lên tầm cao mới. Năm 2021, ASEAN vẫn duy trì vai trò trong thương mại toàn cầu khi thể hiện sự linh hoạt về kinh tế, bất chấp dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và tác động nghiêm trọng đến khu vực trong suốt năm.

Vai trò trung tâm, mở và bao trùm của ASEAN

Không chỉ dừng lại ở đó, vị thế quốc tế của ASEAN trong 2021 cũng được nâng cao thông qua các mối quan hệ liên kết và hợp tác ngày càng chặt chẽ với các đối tác. Điều này thể hiện rõ qua những tương tác cấp cao cũng như việc ASEAN nâng cấp và mở rộng quan hệ với một loạt đối tác, trong đó có cả những nước lớn. Đáng chú ý, việc Anh chính thức trở thành nước đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách tổ chức khu vực, thể hiện mục tiêu tăng cường quan hệ giữa ASEAN với những quốc gia thừa nhận vai trò trung tâm, mở và bao trùm của ASEAN cũng như tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về vấn đề biển Đông, ASEAN tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hoà bình, ổn định tại vùng biển chiến lược này. ASEAN thể hiện quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình và hợp tác thông qua kiềm chế, thượng tôn pháp luật, xây dựng lòng tin và bảo vệ môi trường, cùng Trung Quốc thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng thành công Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Với biến cố ở Myanmar, ASEAN đã hành động một cách nhanh chóng và hết sức linh hoạt, được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.

Có thể khẳng định rằng, năm 2021, ASEAN đã có những bước phát triển mới, vị thế và vai trò cũng được nâng cao đáng kể. Đây là sự kế thừa xứng đáng cho những thành công trước đó của hiệp hội. Năm 2022, trong bối cảnh khu vực và quốc tế còn nhiều thách thức, diễn biến khó lường, ASEAN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN công bằng, vững mạnh và toàn diện, phù hợp với tinh thần chủ chốt của ASEAN là “Một tầm nhìn, một thực thể và một cộng đồng."

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu