Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 (ASEM 13) diễn ra trong hai ngày 25-26/11 theo hình thức trực tuyến. Với chủ đề “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung”, Hội nghị thảo luận nhiều nghị sự quan trọng liên quan đến tương lai hợp tác vì sự thịnh vượng chung giữa hai châu lục và toàn thế giới.
Hội nghị cấp cao ASEM 13 có chủ đề “Củng cố Chủ nghĩa Đa phương vì Tăng trưởng chung”, diễn ra tại Campuchia từ ngày 25-26/11 dưới hình thức trực tuyến. Nguồn: Khmer Times |
Năm 2021 là năm kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM, cơ chế đối thoại lớn nhất kết nối các nước châu Á và châu Âu. Sau hai thập kỷ rưỡi hoạt động, vấn đề hợp tác ngày càng được các nước thành viên ASEM coi trọng, nhất là hợp tác về văn hóa-xã hội và phát triển kinh tế.
Chặng đường phát triển ¼ thế kỷ
Diễn đàn hợp tác Á-Âu được thành lập tháng 3/1996 theo sáng kiến của Singapore và Pháp, cùng sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN. Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á – Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”. Các hoạt động đối thoại và hợp tác được ASEM tiến hành đồng đều trên 3 trụ cột chính là Đối thoại chính trị - an ninh; Hợp tác kinh tế - tài chính; Hợp tác xã hội – văn hóa và các lĩnh vực khác.
Sau đúng ¼ thế kỷ, đến nay, ASEM có số thành viên nhiều gấp đôi so với thời điểm thành lập (từ 26 thành viên lên thành 53 thành viên), trở thành cơ chế đối thoại, hợp tác có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục. ASEM hiện chiếm khoảng 60% dân số, 55% kim ngạch thương mại, 75% doanh thu du lịch và 65% GDP toàn cầu. Cơ chế đối thoại đặc biệt này đã và đang đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển trong phạm vi khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Coi trọng hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung
Trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới, các thành viên nhất trí thúc đẩy nâng tầm hợp tác ASEM nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu, và vai trò của ASEM trong cục diện đang định hình. Nội hàm hợp tác của ASEM ngày càng được mở rộng, chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, quản lý nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, thúc đẩy phát triển bao trùm, triển khai đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nguồn nhân lực…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
|
Tại Hội nghị ASEM 13, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng xoay quanh chủ đề hợp tác, kết nối và phát triển như: Thành tựu, thách thức và định hướng hợp tác ASEM; Tái hồi phục chủ nghĩa đa phương vì hoà bình và ổn định toàn cầu; Củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; Phát triển và tăng trưởng bền vững, bao trùm; Kết nối; Biến đổi khí hậu; Các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên… Đặc biệt, Hội nghị thông qua 3 văn kiện quan trọng gồm Tuyên bố Chủ tịch về Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung; Tuyên bố Phnom Penh về Covid-19 và phục hồi kinh tế; Định hướng hợp tác về kết nối ASEM.
Với tư cách trưởng đoàn của một trong những thành viên sáng lập và có nhiều đóng góp hiệu quả trong suốt quá trình hình thành và phát triển của ASEM, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Bài phát biểu tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác ASEM trong giai đoạn tới, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam đối với một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển vì thịnh chung của cả khu vực và thế giới.