Châu Âu và vấn đề phục hồi kinh tế trong năm 2022

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ buộc phải điều chỉnh chính sách mạnh mẽ hơn, làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế và gây rủi ro về ổn định tài chính.

Quá trình phục hồi kinh tế châu Âu được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2022. Áp lực đối với nền kinh tế châu Âu tăng cao do đại dịch COVID-19 chưa được khống chế, xu hướng lạm phát tăng cao, lan rộng ở nhiều quốc gia.

Khảo sát của tờ Financial Times với các nhà kinh tế cho thấy nhiều người trong số này lo ngại, cùng với dịch COVID-19, lạm phát là yếu tố rủi ro đáng quan tâm nhất đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng của 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro. Nếu lạm phát tiếp tục cao hơn mục tiêu sau năm 2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ buộc phải điều chỉnh chính sách mạnh mẽ hơn, làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế và gây rủi ro về ổn định tài chính.

Châu Âu và vấn đề phục hồi kinh tế trong năm 2022 - ảnh 1Người dân mua hàng trong siêu thị tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan ngại về lạm phát

Theo nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lạm phát luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi người. Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, giá cả hàng hóa tại châu Âu tăng vọt khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao. Đà tăng giá này được cho là sẽ tiếp diễn.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 1/2022, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong 25 năm qua kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập. Số liệu trên cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà ECB đề ra đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong các nước thành viên Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Estonia ghi nhận mức cao nhất với 12%, kế đến là Lithuania với 10,7%. Xét theo quy mô các nước lớn trong Eurozone, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát cao nhất với 6,7%, kế đến là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Châu Âu và vấn đề phục hồi kinh tế trong năm 2022 - ảnh 2 Đồng tiền giấy và tiền xu euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy vậy, Ngân hàng TW châu Âu vẫn cho rằng mức lạm phát này là nhất thời và sẽ giảm trong năm 2023, sau khi đạt đỉnh vào năm 2022. Uỷ ban châu Âu (EC) cũng nhìn nhận, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao chỉ mang tính chất tạm thời.

Thay đổi để thích ứng

Theo Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni, đà phục hồi kinh tế châu Âu phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch, cả trong lẫn ngoài EU. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 hàng ngày trên khắp châu Âu vẫn tăng cao kỷ lục, một số quốc gia châu Âu đã thay đổi cách tiếp cận đối với đại dịch Covid-19 sang phương pháp gần giống như cách điều trị bệnh cúm.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez tuần trước tuyên bố người dân sẽ “phải học cách sống chung với dịch bệnh, giống như cách đã làm với nhiều loại virus khác”, đồng thời nhấn mạnh rằng đất nước nên điều chỉnh cách tiếp cận với Covid-19 phù hợp hơn. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, số ca lây nhiễm cao và tỷ lệ tiêm chủng cao của nước này cũng đồng nghĩa đợt bùng phát hiện tại có thể là đợt dịch cuối cùng. Graham Medley, Giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, cho rằng không thể áp dụng trường hợp khẩn cấp mãi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế thế giới cho rằng còn quá sớm để thực hiện thay đổi cách tiếp cận đối với đại dịch Covid-19. Còn các nhà kinh tế vẫn cảnh giác trước sự "tàn phá" kinh tế mà làn sóng lây nhiễm COVID-19 có thể gây ra.

Trong khó khăn bủa vây, châu Âu vẫn ghi nhận điểm sáng về tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đã giảm từ mức 7,3% của tháng 10/2021 xuống còn 7,2 % trong tháng 11/2021. Đây là sự cải thiện đáng kể so với một năm trước đó, thời điểm mà tỷ lệ này ở mức 8,1% trong Eurozone và 7,4% trong EU. Điều này cho thấy những biện pháp phòng dịch mà chính phủ các nước này thực hiện, đã phát huy hiệu quả, đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự giãn cách xã hội tự nguyện, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm và tình trạng gián đoạn thị trường lao động do các yêu cầu cách ly sẽ vẫn khiến hoạt động kinh tế của châu Âu chậm lại trong ngắn hạn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu