Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Hà Nội được biết đến là “đất trăm nghề” với các làng nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang tính cộng đồng cao. Việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tiềm năng của làng nghề truyền thống là hướng đi quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Sản phẩm đồ gỗ, mây tre đan của các làng nghề Hà Nội . Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Làng nghề tập trung vào các nhóm ngành, như: chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho biết: "Với bề dày lịch sử, Hà Nội là nơi phát sinh rất nhiều nghề do những tiền nhân truyền lại, trong đó, rất nhiều nghề quý. Truyền thống lịch sử, văn hóa và bản sắc của dân tộc rất mạnh mẽ trong các làng nghề. Song song với quá trình phát triển, hiện nay cũng có nhiều làng nghề mới phát triển thịnh vượng."
Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số nhóm sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: may mặc, gốm sứ, dệt và thêu, ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng…
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm làng nghề, là vấn đề được UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, thành phố thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội để tôn vinh các sản phẩm làng nghề. Một số sự kiện nổi bật có thể kể tới, như: Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ tư; Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2023…
Ông Lê Văn Bính, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cho biết: "Phú Xuyên là một trong những huyện giàu tiềm năng về làng nghề với 154 làng nghề, trong đó có 43 làng nghề được công nhận cấp thành phố. Chúng tôi có lễ hội vinh danh làng nghề và các sản phẩm làng nghề, tinh hoa làng nghề để giữ gìn, phát huy bản sắc của các làng nghề. Chúng tôi cũng thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội nói chung và du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề nói riêng."
Du khách hứng thú với việc trải nghiệm, tìm hiểu thêm về các nghề thủ công. Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Các sự kiện về làng nghề được Hà Nội tổ chức nhằm tạo sân chơi, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề; phát huy ý tưởng mới để tạo nên sản phẩm phù hợp thị hiếu đương đại... Đặc biệt, qua các hội thi về thiết kế sáng tạo mẫu mã sản phẩm và sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Thủ đô, các nghệ nhân, thợ giỏi được phát huy sức sáng tạo trên nền tảng trầm tích lịch sử văn hóa con người địa phương...
Anh Đặng Văn Tiên, làng nghề làm Tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, cho biết: "Tại sự kiện lần này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy các làng thủ công, mỹ nghệ cũng như các nghệ nhân trong làng nghề có cơ hội quảng bá, giới thiệu những sản phẩm chất lượng nhất và mẫu mã đẹp nhất."
Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn phát triển. Thành phố cũng phê duyệt nhiều đề án, dự án phát triển làng nghề, giao cho các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, cơ cấu lại Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thành phố đã và đang triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng website làng nghề… Đồng thời, gắn công tác bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho rằng: "Hướng thu hút khách du lịch hiện nay tới các làng nghề là rất cần thiết, trong đó thành phố sẽ có những giải pháp để hướng tới hỗ trợ nghệ nhân. Chẳng hạn như đối với làng nghề đóng giày, chúng ta sẽ phát triển các không gian để mời một nghệ nhân giỏi nhất, có kỹ thuật làm nhanh, may đo trực tiếp cho khách du lịch, đóng nhãn hiệu vào đó… "
Thông qua mỗi sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống, có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng xã hội. Cùng với sự phát triển của Hà Nội, những giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề vẫn tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ sau. Tiềm năng của mỗi làng nghề cũng được chính các nghệ nhân phát huy, từ đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.