Nghe âm thanh bài tại đây:
Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lần đầu tiên. Đây là cơ hội để các làng nghề truyền thống của Thủ đô quảng bá, đưa các sản phẩm thủ công đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Có 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam 2023. Trong đó, không gian sáng tạo Làng nghề Hà Nội có quy mô hơn 2.000m2, gồm 80 gian hàng tiêu chuẩn, được thiết kế đặc biệt, mang đậm nét truyền thống.
Các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội được giới thiệu tại Festival có thể kể tới, như: Gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ, nón làng Chuông…
Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Lê Phương |
Trong mỗi gian hàng, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống được trưng bày sinh động, với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú. Bà Tạ Thu Hương, gian hàng giới thiệu nón làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi chủ yếu giới thiệu sản phẩm nón làng Chuông của quê hương. Có khoảng 30 mẫu sản phẩm, như: nón lụa (loại nón thịnh hành hiện nay), nón lá truyền thống, hay các sản phẩm độc đáo, như: nón lá làm bằng lá sen, nón bằng lá bồ đề, các mẫu nón cho các em bé có chất liệu như nón to nhưng vành nhỏ hơn…"
Gian hàng nón lá chuông. Ảnh: Lê Phương |
Ngoài hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hằng ngày, tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023, trong các ngày diễn ra sự kiện (09 – 12/11), nghệ nhân các làng nghề truyền thống của Hà Nội có các buổi giới thiệu và trình diễn quá trình thực hiện sản phẩm của địa phương mình.
Lần đầu tiên tham gia Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, làng tơ tằm Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội, tham gia trình diễn rút sợi tơ sen và dệt lụa tơ sen bằng những thao tác khéo léo, tỉ mỉ. Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: "Rất nhiều người đến tham quan và mua hàng. Đấy là động lực cho những người làm nghề, những nghệ nhân như chúng tôi tiếp tục thổi hồn vào những sản phẩm truyền thống. Chúng tôi rất vui khi được giới thiệu, quảng bá nghề của quê hương mình tới mọi người. Mỗi làng nghề có 1 sản phảm khác nhau, khi được tới đây giao lưu, chính là cơ hội cho chúng tôi thi đua, sáng tạo, học hỏi lẫn nhau để làm ra những sản phẩm tốt hơn, mang đậm giá trị văn hóa của nghề, văn hóa của làng và đặc biệt là giới thiệu những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên như lụa tơ sen."
Làng tò he Xuân La. Ảnh: Lê Phương |
Các hoạt động trình diễn tại Festival đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của công chúng. Chị Đỗ Thu Liên, ở Hà Nội, cho biết: "Tôi thấy có rất nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Tôi đã mua được rất nhiều món đồ thủ công truyền thống và cũng được biết thêm về nhiều làng nghề của Việt Nam nói chung. Qua các hoạt động trình diễn, tôi thấy các nghệ nhân rất tâm huyết trong việc bảo tồn làng nghề."
Làng chuồn chuồn tre. Ảnh: Lê Phương |
Trước đây, các sản phẩm làng nghề chỉ được giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm ở quy mô vừa và nhỏ. Tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023, việc quảng bá sản phẩm thủ công được tổ chức quy mô hơn, bài bản hơn và có nhiều điểm nhấn đã tạo hiệu quả tốt.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết: "Thông qua Festival, chúng tôi đã có những chuyên đề trao đổi, thảo luận và đi đến ký kết với các đơn vị quốc tế, để làm sao thúc đẩy việc nghiên cứu, bảo tồn các làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội. Tôi hy vọng rằng Festival sẽ trở thành sự kiện thường niên để thúc đẩy các làng nghề, các nghệ nhân phát triển từ đôi bàn tay và trên chính quê hương của mình."
Nghệ nhân tơ sen. Ảnh: Lê Phương |
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 là cơ hội để các làng nghề Hà Nội nói riêng, các làng nghề trên cả nước nói chung, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, giúp quảng bá sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Qua đó, tiếp tục nâng cao giá trị về văn hóa, kinh tế, đời sống – xã hội của làng nghề và nghề truyền thống trong tiến trình phát triển chung của đất nước.