Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát triển làng nghề

Chia sẻ
(VOV5) - Các làng nghề cần phát triển kỹ năng số, đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như triển khai công tác xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến.

Sáng nay (10/11), tại Hà Nội, trong khuôn khổ Festival làng nghề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.

Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát triển làng nghề - ảnh 1Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát triển làng nghề - Ảnh: VOV

Tại Hội thảo, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay trong bảo tồn và phát triển làng nghề, một số ý kiến cho rằng các làng nghề ở Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn, như: chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật; thiếu lao động trẻ có trình độ; một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ bị mai một và thất truyền; không có sự liên kết giữa các làng nghề; thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ...

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, làng mây tre đan Phú Vinh, thành phố Hà Nội, chia sẻ: “Nhiều nghề thủ công đang cần được khôi phục và phát triển. Tôi đề xuất xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân thợ giỏi vì họ là những người đang âm thầm giữ nghề, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn”.

Một số ý kiến khác đề xuất tăng cường kết nối tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, cho rằng các làng nghề cần phát triển kỹ năng số, đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như triển khai công tác xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Nền tảng mạng xã hội cho phép chúng ta hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm cạnh tranh được bằng chất lượng sản phẩm, bằng câu chuyện sản phẩm. Các câu chuyện kể về nguồn gốc xuất xứ, về quá trình sản xuất sản phẩm tạo ra được niềm tin và cảm xúc với người tiêu dùng, qua đó có thể xúc tiến quảng bá, giới thiệu về truyền thống và nét văn hóa của sản phẩm”.

Tại hội thảo, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hội chợ, nền tảng số và ngân hàng để xúc tiến thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm độc đáo của địa phương (OCOP) ra thị trường quốc tế.

Feedback