Bảo tồn và trao truyền Di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh cho thế hệ mai sau

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Dân ca Quan họ Bắc Ninh, với những làn điệu mượt mà, sâu lắng, đã vượt qua giới hạn của một loại hình âm nhạc truyền thống để trở thành biểu tượng văn hóa của vùng Kinh Bắc.

Những ngày này, tại tỉnh Bắc Ninh đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thế đại diện của nhân loại (2009 - 2024). Sau 15 năm, di sản ấy không chỉ được gìn giữ và bảo tồn trước sự biến động của thời gian và xã hội, mà còn mang sức sống mới, hòa vào nhip thở của thời đại. Đưa Dân ca quan họ vào giảng dạy trong trường học tại tỉnh Bắc Ninh là 1 trong những cách làm hiệu quả đã và đang được tỉnh Bắc Ninh triển khai để Di sản của nhân loại được tiếp tục trao truyền và gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Bảo tồn và trao truyền Di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh cho thế hệ mai sau - ảnh 1Hát Quan họ trên thuyền rồng. Ảnh: VOV

Quý vị và các bạn đang được tham gia vào tiết học Âm nhạc của các em học sinh lớp 2, trường Tiểu học Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Không khí tiết học này luôn sôi động, hứng khởi khi các em học sinh được các liền chị, nghệ nhân quan họ của địa phương trong trang phục áo tứ thân, khăn mỏ quạ trực tiếp giảng dạy.

 "Em được các cô truyền dạy các kinh nghiệm hát, biểu diễn, được các cô uốn nắn giọng hát."

"Trước khi được học bài bản thì em chỉ biết 1 số bài mà cũng không thuộc hết lời. Nhưng khi được học quan họ tại trường, em đã biết thêm nhiều bài hơn."

Bảo tồn và trao truyền Di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh cho thế hệ mai sau - ảnh 2Biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Ngoài các giờ học trên lớp, nhiều em còn tham gia các câu lạc bộ (CLB) quan họ do trường tổ chức. Tại mỗi buổi sinh hoạt, các học sinh không chỉ được tìm hiểu quan họ lời cổ, lời mới mà còn được biết thêm các kiến thức về trang phục quan họ cũng như cách ứng xử đầy lễ nghĩa của người quan họ. Đây là cách mà các liền chị quan họ tại Thị trấn Lim vẫn từng ngày nuôi dưỡng tình yêu dân ca quan họ cho thế hệ trẻ tại địa phương.

"Chúng tôi muốn ươm mầm những tài năng quan họ để truyền lại cho các con những làn điệu dân ca quan họ của quê mình, tạo cho các con 1 sân chơi bổ ích. Tại đây, các con không những được học hát mà còn được học cách giao tiếp, kỹ năng sống."

"Những thế hệ măng non hôm nay đã và đang tiếp nối thế hệ chúng tôi, các con sẽ tiếp tục gìn giữ và bảo tồn văn hóa quan họ của quê hương cũng như 1 di sản của thế giới. Cách đây khoảng 10 năm tôi đã bắt đầu công việc giảng dạy dân ca quan họ cho các con."

Việc học hát quan họ không chỉ giúp các em học sinh hiểu và ý thức về giá trị của di sản quê hương, mà còn giúp các em hiểu thêm những nét đẹp truyền thống của văn hóa quan họ và con người vùng đất Kinh Bắc. Qua những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, trữ tình, các em còn được giáo dục thẩm mỹ, truyền thống văn hóa, phát triển nhân cách, niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước…
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lim, cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng duy trì CLB quan họ của nhà trường, đồng thời luôn có sự trao đổi với chủ nhiệm các CLB, các nghệ nhân quan họ của địa phương để kết hợp truyền dạy cho các con. Trong năm học, các con được học ở trường. Khi nghỉ hè, nhà trường cũng có sự chuyển giao với các nghệ nhân quan họ trong địa phương, các CLB của thôn xóm. Lim là cái nôi của quan họ nên thôn xóm nào cũng có những CLB và các nghệ nhân truyền dạy tại các nhà trường cũng rất nhiệt tình."

Từ năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã đưa dân ca quan họ Bắc Ninh vào giảng dạy tại trường học từ mầm non đến các cấp phổ thông. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 610 CLB quan họ của trường, mỗi trường có ít nhất 1 CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy quan họ trong trường học, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh thực hiện biên soạn nội dung giáo trình dạy hát dân ca quan họ phù hợp với từng bậc học, lứa tuổi. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, cho biết thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục làm tốt công tác dạy hát dân ca quan họ trong trường học, coi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong việc bảo tồn và phát triển di sản của địa phương mà còn góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào và tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước. 

 "Thứ nhất, thực hiện nghiêm chương trình giảng dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong trường học. Thứ 2, tiếp tục thành lập các CLB trong trường học và duy trì sinh hoạt đều đặn, hiệu quả. Thứ 3, hằng năm, tổ chức hội thi hát dân ca quan họ dành cho học sinh phổ thông. Thứ 4, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phục vụ cho việc giảng dạy dân ca quan họ. Thứ 5, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để truyền dạy, bảo tồn và lan tỏa dân ca quan họ Bắc Ninh."

Dân ca Quan họ Bắc Ninh, với những làn điệu mượt mà, sâu lắng, đã vượt qua giới hạn của một loại hình âm nhạc truyền thống để trở thành biểu tượng văn hóa của vùng Kinh Bắc. Việc truyền dạy và lan tỏa những làn điệu này trong các trường học không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà còn giúp giới trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc, qua đó, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật này.

Feedback