Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Với những giá trị độc đáo, Di tích và lễ hội chùa Bổ Đà đang trở thành một điểm dừng chân cho khách tham quan, đến chiêm bái và tìm hiểu về văn hóa bờ Bắc sông Cầu.

Tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bồ Đà Sơn), phía Bắc sông Cầu, Chùa Bổ Đà là ngôi chùa cổ kính linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc. Đến nay, quần thể Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ từ đầu thế kỷ 17. Với những giá trị đặc biệt, năm 2016, Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biêt. Mời quý vị đến xã Tiên Sơn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang  để tìm hiểu về ngôi chùa cổ niên đại hơn 400 năm này:

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 1Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. -Ảnh Hà Linh

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

                                              “Bốn bề phong cảnh lạ thay

                                        Bồng lai kia cũng thế này mà thôi’

Đây là hai câu thơ của người xưa mượn trong truyện thơ Quan Âm Thị kính để ca tụng vẻ đẹp của Bổ Đà Sơn “sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi cảnh sắc  không gian nhuốm màu huyền thoại’. Đứng trên đỉnh núi Bồ Đà Sơn có thể quan sát toàn bộ phòng tuyến sông Như Nguyệt, ghi dấu ấn lịch sử bao đời của dân tộc Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên của du khách từ cổng vào là hệ thống tường đất bao quanh khu nội tự chùa. Các bức tường rào  được xây dựng bằng đất sỏi son, theo lối tường trình, độ cao từ 1,8-5 mét. Trên đỉnh tường được che bằng các mảnh gốm, chum, vại vỡ của Thổ Hà. Trải qua thời gian, các bức tường đất không hề bị nứt lở, đứt gãy hay bị nghiêng. Sắc màu rêu phong càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, linh khí. Dưới tán cây đề, cây vối cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, du khách như lạc vào cảnh tiên thanh mát, bình yên an lành đến lạ kỳ.

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 2Hệ thống tường đất bao quanh khu nội tự chùa có từ hơn 400 năm. Ảnh Hà Linh 

Chị Hà Thu đến từ Ninh Bình chia sẻ: “Đi vãn cảnh chùa, lần đầu tiên đến nơi đây, tôi thấy đẹp lắm không biết phải nói như nào. Được chiêm ngưỡng phong cảnh từ ngày xưa, từ cổ chí kim người ta vẫn lưu giữ đến bây giờ. Tôi ấn tượng bởi nét cổ kính, khu lăng mộ, vườn tháp cổ có từ bao đời nay. Tôi mong mọi người hãy đến chiêm bái ngôi chùa Bổ Đà, rất đẹp và linh thiêng này”.

Chùa Bổ Đà được xây dựng đầu tiên vào thế kỷ 11 từ nhà thời Lý. Đến nhà Lê, chùa xây thêm các hạng mục là Am Tam Đức và Tứ Ân Tự. Văn bia kể rằng, tại khu đất thiêng này ngày xưa có hai vợ chồng tiều phu hơn 40 tuổi nhưng chưa có con. Một hôm vác rìu lên đồi nhìn thấy một gốc cây thông già, cắt bằng phẳng. Ông lấy rìu bổ vào gốc cây thấy một đồng tiền vàng rơi ra. Cảm nhận sự li kỳ, ông khấn nguyện Đức Quan Âm Bồ Tát nếu ứng hiện, phù hộ để cho vợ chồng ông có mụn con trai. Nếu được như nguyện, ông sẽ dựng một ngôi chùa và tô một pho tượng Quan Thế âm Tống tử để sớm tối khói hương phụng vật. Quả nhiên, sau đó người vợ sinh hạ một con trai nối dõi.

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 3  Chùa xây dựng nên trên nền chữ Hoặc, đường đi trong  chùa là chữ Lục. 18 dãy nhà liên thông với nhau. 
Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 4Một không gian kiến trúc tại khu di tích Bổ Đà- Ảnh Hà Linh 

                                                           “Từ nay cho đến khi già

                                                   Một lòng thờ phụng Phật Bà Quan Âm”

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đồng Ngọc Dưỡng- Bảo tàng Bắc Giang, trong quần thể Bổ Đà, Chùa Cao được xây dựng đầu tiên và là nơi thờ duy nhất Phật Bà quan Âm Tống Tử: “Chùa Cao là khối kiến trúc cổ nhất trong tất cả các khối kiến trúc quần thể di tích chùa Bổ Đà. Là điểm chính phát tích, là nơi Phật Bà Quan Âm Bồ tát ứng hiện cứu đời. Trên đỉnh vẫn còn 3 chữ Hán cổ Bồ Đà Sơn. Kiến trúc chính của chùa là kiểu mái vòm, kiểu dáng am động ngày xưa”.

Thầy Tự Tục Vinh- sư trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, chùa có kiến trúc khác biệt so với những ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc. Đó là lối kiến trúc nội thông ngoại bế (tức là bên trong thông nhau, bên ngoài tạo thành hàng rào) - tạo nên không gian u tịch, thanh vắng và vô cùng linh thiêng: “Ngôi chùa Tứ Am tư trên nền chữ Quốc- Nội công ngoại quốc, ngoại chữ vi bố trí 8 cửa ra vào, tượng trưng cho 8 quái vũ trụ. Chùa xây dựng nên trên nền chữ Hoặc, đường đi trong  chùa là chữ Lục. 18 dãy nhà liên thông với nhau. Về Nội tự, chùa thờ gộp cả ba đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão. Năm 1741 chùa xây xong, các hòa thượng cho thợ vào đục kinh in ra để đào tạo tăng ni trên tòa quốc.

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 5Chùa Bổ Đà được xây dựng đầu tiên vào thế kỷ 11 từ nhà thời Lý. Đến nhà Lê, chùa xây thêm các hạng mục là Am Tam Đức và Tứ Ân Tự. Trải qua thời gian, nhiều hạng mục được bảo trì và tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa.

Điều đặc biệt, Bộ mộc bản kinh hiện đang lưu giữ trong chùa là di vật Phật học đặc biệt quý giá, được khắc trên gỗ thị với gần 2000 bản chữ Hán, chữ Phạn với nội dung về giá trị tư tưởng của Phật giáo. Với những nét khắc chữ đan xen hình ảnh minh họa, mỗi mộc bản là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ đầy đủ.  Năm 2017, Bộ kinh mộc bản được công nhận là Bảo vật Quốc gia và là Bộ bản kinh Phật cổ nhất thế giới.

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 6Bổ Đà còn là nơi bảo lưu hàng chục pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ từ thời Lê. Ảnh Hà Linh
Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 7 Bộ mộc bản kinh được khắc trên gỗ thị với gần 2000 bản chữ Hán, chữ Phạn-Ảnh Hà Linh

Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm lớn của dòng Thiền Lâm tế, từ khi hình thành, các hòa thượng cho xây dựng vườn tháp ngay cạnh Tứ Ân tự. Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Dưỡng cho biết, vườn tháp chùa Bổ Đà được phân thành 2 khu riêng biệt. Phía trên là có bình cam lộ là tháp của các sư tăng, còn trên đỉnh có hình búp sen là của các sư ni.

Tất cả ngôi tháp được xây bằng đất, gạch bít mạch bằng hỗn hợp vôi, mật mía và bột giấy bản: “Các tháp trong vườn tháp Bổ Đà được sắp xếp một cách khoa học chặt chẽ, trong đủ  bốn mùa dù ánh sáng mặt trời chiếu theo hướng nào thì các tháp không hề bị đè bóng lên nhau. Điều đặc biệt là mỗi một ngọn tháp ở đây tàng lưu tro cốt xá lị, nhục thân của nhiều hòa thượng.”

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 8Khu vườn tháp, nơi an nghỉ của hơn 2000 vị tăng ni và bậc tiền bối. 

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 9Các ngôi tháp được xây bằng đất, gạch bít mạch bằng hỗn hợp vôi, mật mía và bột giấy bản
Ảnh Hà Linh

Bởi vậy với 109 ngọn tháp là nơi an nghỉ của hơn 2000 vị tăng ni và những bậc tiền bối. Vì thế, mỗi ngôi tháp đều là nguồn tư liệu giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về Phật phái Lâm tế nói chung và lịch sử chùa Bổ Đề nói riêng.

Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 10Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra hàng năm từ ngày 15- 19.02 hàng năm. Ảnh Hà Linh
Linh thiêng chốn tổ Bổ Đà - Nẻo về nơi nguồn cội miền Kinh Bắc - ảnh 11Chùa Bổ Đà luôn gắn bó với đời sống tâm linh, văn hóa và tinh thần của người dân vùng Kinh Bắc- Ảnh Hà Linh 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa ở miền Kinh Bắc này ngày càng gắn bó với đời sống tâm linh của người dân địa phương. Ngày 15-19/2 hàng năm âm lịch diễn ra Hội chùa Bồ Đà với nhiều trò chơi văn hóa dân gian.

Với những giá trị độc đáo, Di tích và lễ hội chùa Bổ Đà đang trở thành một điểm dừng chân cho khách tham quan, đến chiêm bái và tìm hiểu về văn hóa bờ Bắc sông Cầu.

Feedback