Chùa Đại Bi được xây dựng trong ba năm, là ngôi chùa Việt đầu tiên được Chính phủ Hungary công nhận. Đây là một ngôi chùa đặc trưng kiến trúc và văn hoá Việt Nam được xây dựng bởi Quỹ vì Quan hệ Hungary - Việt Nam, và sẽ là điểm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Việt Nam xa quê giữa lòng châu Âu. Chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt nam trả lời phỏng vấn VOV5 về việc xây dựng công trình văn hóa tâm linh này.
Quang cảnh ngôi chùa nhìn từ bên ngoài |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Pv: Thưa chị Phan Bích Thiện, chị có thể chia sẻ về việc ý định xây dựng một ngôi chùa Việt trên đất Hungary đến như thế nào?
Chị Phan Bích Thiện: Trong cuộc sống của người Việt thì văn hóa, thói quen đi lễ chùa là một phần không thể thiếu được. Do vậy đối với những người Việt sống ở nước ngoài, và cả với riêng tôi, có lẽ, có một cái mà mình vẫn cảm thấy thiếu, đó là để đến ngày mùng 1, ngày rằm, những ngày lễ, hoặc là khi mình cần tĩnh tâm, mình có thể đến một ngôi chùa mà vừa có thể lễ Phật, vừa giữ những phong tục tập quán của mình.
Chính vì xuất phát từ những ước nguyện như vậy., khi định cư tại Hungary tôi cùng các anh chị khác cũng đã nói chuyện rất nhiều lần, là làm sao để có một ngôi chùa Việt để người Việt mình có thể đến bất cứ lúc nào như ở Việt Nam mình.
Chị Phan Bích Thiện đang giới thiệu với khách thăm quan về những đồ tạo tác trong chùa do các nghệ nhân Việt Nam thực hiện. |
Ý tưởng này thật ra xuất hiện từ lâu lắm rồi, nhưng nó cần một cái duyên, phụ thuộc nhiều thứ. Việt Nam có câu Mưu sự tại nhân, hữu sự tại duyên mà thành sự tại thiên. Nghĩa là cũng phải có một ý tưởng, một cái duyên, có sự hỗ trợ và cả sự may mắn nữa thì ý tưởng đó mới thành sự thực được.
Việc khởi công, nhất là làm các thủ tục giấy tờ do Quỹ vì quan hệ Hungary Việt Nam chủ trì, cũng cần rất nhiều thời gian. Và đến tận ngày 19/9 vừa rồi chùa Đại Bi mới được khai quang khánh thành.
"Mái chùa che chở hồn dân tộc" |
Pv: Ở Hungary cũng có một số cơ sở thờ tự được bà con cộng đồng mình coi như là chùa Việt ở một số chợ, Trung tâm thương mại của cộng đồng. Thế nhưng với việc Quỹ vì quan hệ Hungary Việt Nam khởi công xây dựng một ngôi chùa mà trên giấy tờ chính thức được cả chính quyền của Hungary công nhận, cũng như tọa lạc ở một địa điểm rất đẹp trong khu vực, thì chắc hẳn nó có nhiều ý nghĩa hơn?
Chị Phan Bích Thiện: Ở đây ngôi chùa không chỉ là một địa điểm gói gọn trong việc người Việt đến lễ chùa, mà còn có một ý nghĩa lớn hơn, là làm sao quảng bá các nét văn hóa tâm linh cũng như văn hóa Việt của Việt Nam với bạn bè Hungary, từ những nét rất nhỏ như kiến trúc của chùa…Đặc biệt hôm khánh thành được sự quan tâm rất lớn của bạn bè Hungary cũng như cả giới truyền thông. Theo tôi đó là điều rất mừng vì trên một đất mước mà tôn giáo chính thống của họ là Thiên chúa giáo, mà một địa điểm tôn giáo Phật giáo của Việt nam lại được công nhận và được bạn bè quan tâm, thì đó chính là một thành công trong việc quảng bá, đối ngoại nhân dân, cũng là quảng bá Việt Nam ra thế giới. Theo tôi đó cũng là một cái hướng mà chúng tôi muốn hướng tới, làm sao để cho người dân Hungary họ hiểu hơn về đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam, cũng như các nét văn hóa của Việt Nam. Chỉ qua như vậy mới quảng bá nhiều hơn về nền văn hóa Việt Nam, về thực chất truyền thống Việt, cũng như giữ được truyền thống, văn hóa, tôn giáo của mình.
Phong cảnh Simontornya nhìn từ ngôi chùa. |
Pv: Về địa thế chủa Đại Bi nhìn thấy rất đẹp, nhưng thực tế ngôi chùa cũng nho nhỏ xinh xinh phải không thưa chị?
Chị Phan Bích Thiện: Giống như hai câu đối hai bên ban thờ chùa đó là Nơi xa xôi nhưng tâm gần phật/ Chùa tuy nhỏ nhưng lòng từ bi. Có lẽ đấy cũng là nguyện ước cũng như là tiêu chí của Ban tổ chức xây dựng chùa Đại Bi, bởi vì địa điểm của chùa Đại Bi đúng là xa, xa Việt Nam, xa quê hương, thậm chí cũng xa cả Budapest, nhưng tấm lòng của những người hướng về Phật pháp vẫn là hướng thiện, hướng về Phật, vẫn gần Phật. Và quy mô không lớn nhưng quan trọng nhất đây vẫn là tấm lòng của mình. Hai câu đối cũng nói lên tất cả cái tiêu chí, mục đích, ý tưởng của Ban tổ chức xây dựng chùa.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn chị.