Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đã tồn tại hơn 1/3 thế kỷ, với ba thế hệ sinh sống, luôn bảo tồn và khẳng định truyền thống văn hóa dân tộc một cách tự thân.
Cũng như người Việt khắp nơi trên thế giới, người Việt Nam tại Liên bang Nga muốn tồn tại và ổn định cuộc sống, đòi hỏi phải có một sự hội nhập và thích nghi cao độ. Đó là sự hội nhập về kinh tế, phong tục tập quán, chấp nhận những khác biệt về sinh hoạt, nhưng về tôn giáo, nó không phải là sự hòa trộn mà là sự thể hiện tâm thế đặc trưng của truyền thống dân tộc trong một điều kiện mới.
Tục thờ cúng gia tiên của người Việt ở nước ngoài, cũng như trong nước, dường như không phân biệt các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo.
Trong những năm 90 thế kỷ trước, khi chưa có một chùa Việt nào được xây cất, những phật tử thường thờ cúng tại gia. Nhóm người này chủ yếu là các công nhân, tiểu thương xuất phát từ các tỉnh khu vực miền Nam sang Nga làm việc. Những phật tử đã từng quy y, là doanh nhân có điều kiện, họ thường dành ra một phòng trong căn hộ hay tư gia làm phòng thờ Phật. Những ngày lễ trọng, các phật tử tụ tập đọc kinh tạng và thiền quán.
Do có một lượng số đông phật tử và xu thế ăn chay khá lan nhanh trong cộng đồng, nhiều quán ăn chay xuất hiện và phục vụ không chỉ cho người Việt mà còn cả người Nga và các nước khác; trong một số trung tâm thương mại của người Việt, đã có những quầy hàng chuyên bán đồ thờ Phật. Điều đó nói lên rằng, việc thờ Phật đã được khẳng định trong cuộc sống tinh thần của người Việt ở LB Nga.
Ngày 27/9, chương trình "Giao lưu văn hóa Phật giáo Việt Nam - Liên bang Nga - Ấn Độ" đã diễn ra tại Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội – Moskva, Liên bang Nga. Phật tử cung đón Đức Gyalwang Drukpa tham dự buổi giao lưu. - Ảnh: Huyền Anh/ infonet. |
Hiện tại, có ba ngôi chùa có quy mô tương đối lớn được xây dựng tại Liên bang Nga với số lượng phật tử tham gia thường xuyên khoảng gần 500 người. Đó là một tỷ lệ nhỏ so với hơn 100 ngàn người Việt sống rải rác trên một nước Nga rộng lớn. Một số thành phố xa Thủ đô Matxcơva, nơi có tới hàng ngàn người Việt, nhưng vẫn chưa có điều kiện để xây dựng chùa chiền, nên có những người vẫn đi xa tới hàng trăm cây số để dự lễ.
Do sự vận động nhiều năm của một số Phật tử, một ngôi chùa tại ngoại ô Matxcơva đã được xây dựng bằng tiền quyên góp mang tính xã hội hóa. Bài trí trong các chùa Việt tại Nga đều lấy lại từ khuôn mẫu các chùa lớn Việt Nam; sách giảng kinh được ấn tống từ trong nước; tượng Phật cũng đặt đúc và chuyển từ trong nước sang, khi đưa vào chùa đều làm lễ an vị Phật rất trang nghiêm.
Tại Upha, một thành phố ở khu vực Uran, cách rất xa Thủ đô Matxcơ va cũng được chính quyền sở tại cho phép xây dựng được một ngôi chùa, tại đây có sinh hoạt lễ nghi đều đặn.
Với sự ra đời của quần thể Trung tâm thương mại đa chức năng Inxentra của người Việt tại phía bắc Thủ đô Matxcova, một niệm phật đường được lập ra như một ngôi chùa, có nhà sư trụ trì được mời sang từ trong nước, cách không xa khu vực dựng chùa Một Cột, và điều quan trọng là nằm trong khu vực sinh sống của hàng ngàn người Việt. Ngày rằm, mồng một hàng tháng, các phật tử và nhiều bà con cộng đồng đều tụ họp, có nghi thức tụng niệm, đọc kinh, hồi hướng và làm lễ phóng sinh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Đối ngoại Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn (giữa) cùng các phật tử cung đón Đức Gyalwang Drukpa tại Trung tâm Thương mại Incentra, Moscow, Nga. |
Một số ngày lễ như Vu lan, Phật đản, lễ đầu năm mới, các chùa dù chưa có điều kiện cử hành nghi lễ một cách trang trọng như trong nước, hoặc ở châu Âu, nhưng thường thu hút được hàng trăm lượt người tham gia dự lễ, đọc kinh cầu an.
Các chùa cũng là nơi tổ chức quyên góp, làm từ thiện giúp đồng bào trong nước bị bão lụt, giúp trẻ em mồ côi tại Nga… Khi trong cộng đồng xẩy ra những rủi ro, như tang ma, giỗ chạp, các nhà sư và các phật tử đều tự nguyện tập trung làm lễ cầu siêu. Những nhà sư được mời từ trong nước và các chùa lớn ở châu Âu sang giảng pháp và tham dự những hoạt động của cộng đồng và Đại Sứ quán.
Có một sự giao lưu gắn bó giữa các chùa, các tổ chức sinh hoạt phật giáo giữa Liên bang Nga cũng như các nước khác và trong nước như việc tham dự của các nhà sư sang làm lễ, giảng pháp, các buổi hoằng pháp kết hợp với hoạt động của Sứ quán và Hội Người Việt Nam tại LB Nga…
Phật giáo và các sinh hoạt tín ngưỡng của nó có một ảnh hưởng khá quan trọng đối với cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga. Phát triển các hoạt động Phật giáo trong cộng đồng người Việt cũng là một trong những cách giáo dục tốt nhất giúp cho các thế hệ trẻ hướng về nguồn cội. Việc thờ cúng, sinh hoạt Phật giáo lành mạnh giúp cho việc tăng cường mối đoàn kết cộng đồng, đồng thời liên kết gắn bó với cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Các tổ chức Phật giáo tại Nga được chính quyền sở tại tôn trọng, được cộng đồng người Việt hưởng ứng và cùng với các hội đoàn khác, nó góp phần giúp cho việc ổn định cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.
TS Nguyễn Huy Hoàng – Trích tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa
Trong 2 ngày 6 và 7/11/2018, nhân 760 năm ngày đản sinh và 710 năm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đồng thời thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và kế hoạch tổ chức năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh và Viện Trân Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội trang trọng tổ chức một số hoạt động tưởng niệm, hội thảo khoa học nhằm góp phần vào việc nghiên cứu, khai thác và phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.