Dự án nàng K...: Kiều của Nguyễn Du trong một cách tiếp cận mới

Chia sẻ

(VOV5) - “Dự án Nàng K… – Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa” là một sáng kiến do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017.

Dự án bao gồm năm chương trình: Hội thảo đọc lại Truyện Kiều; Sân khấu thử nghiệm Nàng Kiều hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam; Triển lãm Nàng K… của nghệ sỹ Franca Bartholomi hợp tác cùng Quỹ Văn hóa Bang Sachsen-Anhalt (Đức); cuộc thi sáng tác câu chuyện hình ảnh và chương trình chiếu phim.

Dự án nàng K...: Kiều của Nguyễn Du trong một cách tiếp cận mới - ảnh 1

Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn chương lớn của nền văn học Việt Nam. Từ thế kỉ 19, tác phẩm đã được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia và đến nay vẫn được xem như một kho tàng chứa đầy kinh nghiệm sống cho cả nam giới và phụ nữ, đồng thời là nguồn cảm hứng vô tận cho giới mỹ thuật, sân khấu và điện ảnh. Vẻ đẹp ngôn ngữ cùng vô vàn những tình huống éo le của cuộc đời, những niềm hi vọng ẩn chứa trong câu chuyện, cuộc giải cứu thần kì và sự phục hồi phẩm giá của Kiều là một phần của di sản văn hóa Việt.

Thông qua những trích dẫn và biểu đạt dí dỏm, Truyện Kiều tiếp tục tồn tại và mang lại niềm hi vọng rằng mọi khổ đau đời người rồi cũng sẽ khép lại bằng một cái kết có hậu.

Từ một góc nhìn khác, không khó để nhận ra một câu chuyện như sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều thế kỷ nay về sự áp bức phụ nữ và nạn buôn người.

Từ quan điểm đó, Truyện Kiều tựa như một câu chuyện cổ tích đáng sợ mang nhiều hình ảnh tinh tế, mà ở nơi trung tâm là một người phụ nữ bị đàn áp. Những tội ác ập đến với Kiều, cơ thể và tâm hồn cô bị chà đạp.

Ngày nay, một câu chuyện như vậy buộc chúng ta phải thức tỉnh trước câu hỏi về sự tiến bộ của lịch sử, về giá trị và phẩm giá của con người trong thế giới này. Chúng ta đại diện cho hình ảnh nào về con người? Hình ảnh nào về phụ nữ trở thành then chốt trong nền văn hóa của chúng ta? Liệu hình ảnh người phụ nữ của Kiều còn phù hợp với thời đại? Điều gì đã đổi thay theo chiều dài hàng thập kỉ qua?

Và cuối cùng là câu hỏi: Ngày nay chúng ta diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ trông ra sao?

Đây là những câu hỏi xuyên suốt dự án Nàng K… – Cách tiếp cận mới về một di sản văn hóa mà Viện Goethe hợp tác cùng các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: giáo dục, khoa học xã hội, nghiên cứu văn học, nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu giới và quyền con người, nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu điện ảnh, mỹ thuật và sân khấu.

Trong khuôn khổ dự án này, hội thảo Đọc lại Truyện Kiều - Những góc nhìn mở về tác phẩm đã diễn ra trong hai ngày 13 và 14.7.2019 tại Viện Goethe Hà Nội, các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực được mời tham gia và thuyết trình và thảo luận về các góc nhìn đa chiều với Truyện Kiều. Những vấn đề được thảo luận là bước chuẩn bị quan trọng cho chương trình sân khấu Nàng Kiều.

Dự án nàng K...: Kiều của Nguyễn Du trong một cách tiếp cận mới - ảnh 2Một tác phẩm trên tường của triển lãm Nàng K… với các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ của nữ nghệ sỹ Franca Bartholomäi. 

Đáng chú ý, sắp tới ngày 7/10, tại Viện Goethe sẽ diễn ra triển lãm Nàng K… với các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ của nữ nghệ sỹ Franca Bartholomäi. Đây là chương trình hợp tác cùng Quỹ Văn hóa Bang Sachsen-Anhalt.

Trong tiêu đề của triển lãm Nàng K…, chữ Kiều không được viết đầy đủ theo chủ đích của nghệ sỹ. Thay vì chỉ vẽ tranh minh họa cho tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Franca Bartholomäi lấy cảm hứng từ thiên tuyệt bút của nền văn học Việt Nam để sáng tạo một chuỗi sắp đặt trên tường gồm các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ trắng-đen để mời khán giả chiêm ngưỡng câu chuyện từ một góc nhìn khác.

Tại buổi khai mạc, nữ nghệ sỹ Franca Bartholomäi và bà Manon Bursian, giám đốc Quỹ Văn hóa Bang Sachsen-Anhalt sẽ có mặt và giới thiệu về dự án cũng như tặng khán giả tham dự cuốn catalog phiên bản giới hạn của chương trình.

Cuộc thi sáng tác câu chuyện hình ảnh khuyến khích khán giả nói chung và các nghệ sỹ nói riêng tham gia vào cuộc thảo luận mở rộng về tính thời sự của Truyện Kiều và xoay quanh hai câu hỏi then chốt của dự án: Ngày nay chúng ta đọc và diễn giải Truyện Kiều như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ ra sao? Viện Goethe sẽ lựa chọn để trao giải 6 tác phẩm với giá trị mỗi giải thưởng là 15 triệu đồng. Hạn nộp bài vào 31/10

Dự án nàng K...: Kiều của Nguyễn Du trong một cách tiếp cận mới - ảnh 3Phim Lời chào từ Fukushima (2016) được chiếu trong khuôn khổ Dự án nàng K

Cũng trong khuôn khổ dự án này, Viện Goethe sẽ giới thiệu hai bộ phim Đức về đề tài phụ nữ và có mối liên tưởng gần gũi với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du: bộ phim nghệ thuật kinh điển Fontane Effi Briest (1974), chiếu vào 24/10; và Lời chào từ Fukushima (2016) (chiếu vào 31/10).

Feedback