​Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

Chia sẻ
(VOV5) - Dịp này, Tiến sĩ Amandine Dabat giới thiệu sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algeri”.
 ​Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi - ảnh 1Các đại biểu, khách mời xem tranh. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Sáng 12/11, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi: “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)”. Bức tranh được Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, đại diện gia đình vua Hàm Nghi trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 ​Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi - ảnh 2Sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là vị vua thứ 8 của triều Nguyễn (1802 - 1045). Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1888, vua bị thực dân Pháp đưa đi lưu đày ở Thủ đô Algiers của Algeria. Ông sống tại một biệt thư trên khu đồi El Biar ở Thủ đô Algiers, cho đến khi qua đời tháng 1 năm 1944. Trước khi tạ thế, vua để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật. 

 ​Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi - ảnh 3Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)”. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Bức tranh sơn dầu “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” do Vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, mô tả quang cảnh đồng quê trong khoảnh khắc hoàng hôn quanh nơi ông sống cùng gia đình tại Thủ đô Algiers. Vua Hàm Nghi sử dụng các gam màu mang nét trầm buồn, hoài niệm, thể hiện cảm xúc nhớ đất nước và khát vọng vươn lên khỏi tình cảnh bị lưu đày.

Ngọc Anh

Feedback