Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế “Con Nghê biến hóa rất đa dạng và không bao giờ chết cứng trong một khuôn mẫu“

Chia sẻ
(VOV5) - Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế trả lời phỏng vấn về quá trình nghiên cứu cũng như những hoạt động nghệ thuật gần đây của anh nhằm đưa hình tượng con Nghê gần hơn với đời sống người Việt.

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, bên cạnh con rồng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, còn có một linh vật khá gần gũi với chúng ta, tuy nhiên những hiểu biết về nó vẫn còn rất mơ hồ. Đó là con Nghê. Cách đây 2 năm, giảng viên, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế và các tác giả Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long đã cho ra đời cuốn sách "Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa" và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả. Cuốn sách đầy ắp tư liệu, hình ảnh và phần chú giải ngắn gọn về hình tượng con Nghê – là kết quả của quá trình hơn 10 năm của tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế tìm hiểu, nghiên cứu và phục dựng lại hình ảnh một linh vật thuần Việt. Hiện nay, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế vẫn đang tiếp tục thực hiện các công trình nghiên cứu về hình tượng con Nghê trong văn hóa truyền thống Việt.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế “Con Nghê biến hóa rất đa dạng và không bao giờ chết cứng trong một khuôn mẫu“ - ảnh 1Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Anh có thể kể lại quá trình anh tìm hiểu và gây dựng lại hình tượng con nghê?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Có một xuất phát thuần túy học thuật, đó là giai đoạn tôi viết đồ án về trang trí đền của vua Lê. Có một thời gian rất dài là đi lại khảo cứu ở cụm di tích đền vua Đinh Lê mà bây giờ gọi là di tích quốc gia đặc biệt. Lúc đó tôi sững sờ lắm, về một con linh vật xuất hiện trên rất nhiều chất liệu và vị trí. Trong các mảng trạm kiến trúc cũng đều xuất hiện và có những hình ảnh ngộ nghĩnh. Có một hình ảnh con nghê đang cầm bông hoa – tôi nghĩ rất là điệu, dường như đã tạo nên một cảm nhận rất kỳ lạ. Hoặc hình ảnh con nghê đang bắt cá. Linh vật này ban đầu là con sư tử nhưng túm con cá, rõ ràng yếu tố văn hóa về “nước’ – yếu tố bản địa đã nhào nặn nên hình tượng này.

Và quá trình nghiên cứu như thế này dài theo năm tháng gắn bó với tôi mười mấy năm nay. Và khi đối chiếu với tài liệu nước ngoài, mình hiểu được đời sống tâm linh của người Việt.  Rõ ràng nó phức tạp, lắng đọng nhiều tầng văn hóa, và nó là kết quả giao lưu tiếp biến. Đó cũng là may mắn của dân tộc khi đón nhận được nền văn hóa của Trung Hoa, Ấn Độ trên một mảnh đất nhỏ bé.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế “Con Nghê biến hóa rất đa dạng và không bao giờ chết cứng trong một khuôn mẫu“ - ảnh 2Hình ảnh một con Nghê đá 

PV: Anh đánh giá như thế nào về tính mỹ thuật của hình tượng con nghê?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Khi trao đổi anh em trong giới mỹ thuật, có một tiêu chí về mức độ sáng tạo – phụ thuộc vào mức độ người xem cảm thấy. Tính tự do và đa dạng của hình tượng này phản ánh được mức độ sáng tạo, không bị theo một khuôn mẫu. Để nói thời nào có khuôn mẫu nào cũng có nhưng hình tượng nghê không bị chết cứng trong khuôn mẫu và người ta vẫn luôn cảm thấy sự đa dạng về chất liệu, kích thước, đa dạng về động tác, cấu tạo ngũ quan của nghê. Khuôn mặt của nghê cũng rất linh hoạt. Đó chính là phẩm chất mà gần như không một con vật nào trong hệ thống linh vật có thể đạt đến được.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế “Con Nghê biến hóa rất đa dạng và không bao giờ chết cứng trong một khuôn mẫu“ - ảnh 3Phác họa Nghê đá 

PV: Sau khi phác thảo hình dung, anh đã cho mọi người biết như thế nào là con nghê. Theo anh làm như thế nào để hình tượng con nghê có thể tồn tại trong đời sống xã hội hiện tại?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Không chỉ riêng tôi mà bên cạnh tôi còn có rất nhiều anh em, bạn bè đặc biệt là nhóm Đình làng Việt đã có nhiều hoạt động thiết thực. Công việc của tôi cũng nhận được nhiều sự chia sẻ. Cá nhân tôi có suy nghĩ như thế này. Một là đóng góp xây dựng những chương trình truyền thông để quảng bá hình tượng này. Hai là tư vấn cho các đơn vị di tích để người ta chọn đúng, bày đúng, phân biệt được chính xác đâu là nghê, đâu là kỳ lân. Bên cạnh đó có một việc rất quan trọng, tôi két hợp với phường thợ, nhóm nghệ sĩ để làm ra mẫu ứng dụng. Ví dụ như tôi đang làm, tới đây sẽ có một sản phẩm thú vị: con nghê phả khói – một dụng cụ để đốt hương liệu. Như chúng ta biết trong đại dịch Corona không khí đã bị ô nhiễm, những con nghê phả khói để tiêu trừ virus, vừa phòng chống dịch, vừa quảng bá văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế “Con Nghê biến hóa rất đa dạng và không bao giờ chết cứng trong một khuôn mẫu“ - ảnh 4Cuốn sách của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế là chủ biên 

PV: Vào tết Canh Tý vừa rồi, hình tượng con Nghê trong chùa bà Tấm đã được anh mô phỏng dựng lại điệu múa nghê Việt, anh mong muốn gửi gắm điều gì?

Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế: Tết vừa rồi tại Văn Miếu và đình Kim Ngân, chúng tôi cho phục dựng điệu múa nghê Việt. Đây cũng là một nghi thức, di sản, văn hóa phi vật thể - rất mỏng, dễ bị tổn thương, bây giờ phục dựng lại với một triết lý về văn hóa Việt như trong đại cáo Bình Ngô khẳng định: chúng ta có một nền văn hiến lâu đời. Và sự khác biệt đa dạng văn hóa cũng rất được thế giới trân trọng khuyến khích.

Quá trình này cũng rất may nhận được sự ủng hộ của một đơn vị về kiến trúc. Họ rất muốn con Nghê sống được trong đời sống văn hóa hôm nay. Chúng tôi đã lựa chọn mẫu sư tử Nghê đội tòa sen thời Lý như đã thấy ở chùa Bà Tấm. Nó vừa nét của đại Việt Chăm pa. Nó vừa có nét trí tuệ, trung dung của một biểu tượng thiêng của Phật giáo. Khi mà lựa chọn chúng tôi thấy rất thuận lợi bởi lúc chúng tôi làm chưa được công nhận bảo vật quốc gia nhưng từ rất lâu rồi giới nghiên cứu mỹ thuật đã đánh giá rất cao hiện vật này và đó cũng là may mắn của văn hóa Đại Việt vì những đợt tàn phá thời nhà Minh, Nguyên sau này, hiện vật của chùa Bà Tấm vẫn còn mặc dù không còn nguyên vẹn nữa nhưng vẫn là một minh chứng cho sức sống văn hóa Việt. Nếu như biến nó thành một cái đầu để múa, có nghĩa là giúp nó đi vào đời sống hôm nay. Bản thân đây cũng là linh vật cầu may, cát tường và mang ý nghĩa chúc phúc đầu xuân rất phù hợp.

PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn tiến sĩ!

Feedback