Họa sĩ Nguyễn Mai Hương và những nữ nghệ sĩ giữ Lửa

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Nghệ thuật bây giờ phát triển rất xa, nhưng cuối cùng vẫn là cái đẹp đưa được đến với người xem." 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Họa sĩ Nguyễn Mai Hương, biên tập viên mỹ thuật của nhà xuất bản Thanh Niên, được biết tới như một trong những nữ họa sĩ Việt đã tiếp cận thành công với hội họa đương đại thế giới, khi tham gia nhiều triển lãm, cuộc thi, Biennale và giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.  

Là con gái của họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân, sống trong gia đình các anh chị em đều làm nghệ thuật, và được “tôi luyện” trong cái nôi Đại học Mỹ thuật Việt Nam với sự ảnh hưởng sâu sắc từ các thầy Trần Huy Oánh, Lê Anh Vân, Trọng Cát vv… , Nguyễn Mai Hương đang chọn cho mình con đường đi với hội họa trừu tượng. Và cũng với khát khao học hỏi không ngừng, mở lòng với các loại hình mỹ thuật đương đại của thế giới.

Họa sĩ Nguyễn Mai Hương và những  nữ nghệ sĩ giữ Lửa - ảnh 1

Con đường đi ấy của nữ họa sĩ, đã có những dấu mốc nhất định: Năm 2012, Nguyễn Mai Hương được trao Huy chương vàng danh dự và Đại sứ Mỹ thuật danh dự của Việt Nam tại Triển lãm Quốc tế Ecorea Jeonbuk của Hàn Quốc. Chị đã giành được hai giải thưởng xuất sắc nhất trong Triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Hàn Quốc lần thứ 20 (năm 2013) với tác phẩm Tơ và lần thứ 24 (năm 2017) với tác phẩm Dòng chảy. Chị chia sẻ: Khi được tham gia những sân chơi quốc tế này mình có rất nhiều cơ hội vừa học tập cũng như mang được tác phẩm của mình đưa ra thế giới. Và mỗi lần đi ra quốc tế, nhất là đối với những giải thưởng lớn, nhìn thấy lá cờ của Việt Nam phấp phới bay trong những cột cờ của các nước có mặt ở trong triển lãm lớn như thế, phải nói rằng là mình vô cùng tự hào."

Sáng tạo và cũng luôn sẵn sàng tìm kiếm, tham gia các triển lãm quốc tế, năm 2015, Mai Hương tham gia Biennale Nghệ thuật Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 6 với bức Trăng xanh. Năm 2016, Mai Hương đại diện cho Việt Nam tham gia Triển lãm và Hội thảo Mỹ thuật Olympia quốc tế tại Ấn Độ. Chị cũng tham gia nhiều triển lãm quốc tế với MEADOWS ở Plazzo Mora, ở triển lãm sự kiện song hành cùng Venice Biennale 2017, tại Italia; Miami Art Show-Hoa Kỳ vv…và vv..

"Như sự kiện song hành của Biennale Venice, có những đề tài mà nhóm nghệ sĩ quốc tế đưa ra để chúng tôi sáng tác, làm thành bức tường tranh của các họa sĩ đại diện cho mấy chục nước trên thế giới. Vẽ nhưng làm sao tất cả những bức tranh đấy phải ăn nhập với nhau như một dàn đồng ca, để mà trưng bày ở đấy cùng một tiếng nói chung. Đấy là những tác phẩm mang tính tập thể. Nó đã được di chuyển từ Italia, rồi được bày ở bảo tàng Louvre (Pháp). Có những ý tưởng, khi mà tổ chức Meadows ( bao gồm các nghệ sĩ quốc tế vì hòa bình cũng như phi lợi nhuận - có những ý tưởng thì cùng nhau sáng tác, để cùng nhau trưng bày. Đây cũng là một cách gắn kết các nghệ sĩ với nhau." - Mai Hương nhớ lại.

Họa sĩ Nguyễn Mai Hương và những  nữ nghệ sĩ giữ Lửa - ảnh 2Họa sĩ Nguyễn Mai Hương bên bức Trăng xanh trong Bienale Bắc kinh 2015, tại bảo tàng Nghệ thuật Bắc kinh 

 Tranh của Nguyễn Mai Hương thường động, bởi chị quan niệm rằng “một bức tranh động như một ma lực cuốn hút người sáng tạo, và cũng là cách để biểu đạt đúng cảm xúc của mình.” Chị chọn nghệ thuật đương đại chứ không chỉ là hội họa cổ điển: “Với quan niệm cá nhân mình thì cái đẹp là cảm xúc đưa được đến với người xem. Điều đấy mới quan trọng. Bởi bây giờ, ví dụ một số triển lãm thậm chí  người ta bịt mắt vẽ, lúc bấy giờ người ta không cần nhìn thấy cái người ta vẽ ra là gì, mà người ta cần biểu đạt cảm xúc rên không gian ấy. Và cuối cùng vấn đề là gì? Là tác phẩm vẫn đẹp.

Tôi từng tham gia workshop của một nghệ sĩ người Nhật nổi tiếng, anh làm về nghệ thuật hành vi. Khi biểu diễn, anh có đề nghị mọi người sẽ tương tác cùng anh ấy. Những họa sĩ tham gia tương tác có thể cùng sáng tạo trong lúc anh ấy làm nghệ thuật hành vi. Tôi là người được chỉ định đầu tiên. Người tương tác đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến những tương tác sau. Lúc bấy giờ, khi anh làm đến động tác đấy thì tôi vẽ luôn cái bóng của anh ở trên phông và những người khác đi ra sau thì lại nối nhau để vẽ như thế. Cuối cùng, chúng tôi để lại được một bức tranh trên tường rất đẹp từ ngần ấy nghệ sĩ cùng tham gia một lúc. Tôi muốn nói rằng nghệ thuật bây giờ phát triển rất xa, nhưng cuối cùng vẫn là cái đẹp đưa được đến với người xem." - Mai Hương chia sẻ.

Nhà văn Y Ban, một người bạn tâm giao của họa sĩ Mai Hương kể, chị gần Mai Hương, trước hết chính vì năng lượng sáng tạo nghệ thuật và sức sống thể hiện trong sáng tác của nữ họa sĩ: "Đó là một người đàn bà làm việc lúc nào cũng cảm giác như là một khối đầy năng lượng. Tôi yêu màu sắc của cô ấy, cái màu sắc tươi mát và nói lên rất nhiều điều của người họa sĩ. Hai nữa là tôi yêu cái cách mà có thể hiện trong mỗi bức tranh, những bức tranh cô ấy tìm tòi không mệt mỏi, và mỗi bức tranh lại là câu chuyện về sự tìm tòi của cô ấy trong bút pháp và trong màu sắc thể hiện. Nên xem tranh của cô ấy không lúc nào mình cảm thấy nhàm, không lúc nào tôi thấy có sự lặp lại trong tranh của Mai Hương."

Và kết nối cái mạch nguồn năng lượng ấy cùng nhau, họa sĩ Mai Hương, nhà văn Y Ban và nhà điêu khắc Thủy Tuyết đã hào hứng lên một dự án nghệ thuật có tên Lửa trong tay đàn bà, một cuộc chơi nghệ thuật kết hợp với văn chương của những người đàn bà giữ lửa – lửa ấm gia đình và ngọn lửa nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Mai Hương và những  nữ nghệ sĩ giữ Lửa - ảnh 3Họa sĩ Nguyễn Mai Hương trong phòng vẽ. 

Nhà văn Y Ban chia sẻ: "Tôi nhớ có những lúc mà cổ tay cô ấy đau mỗi khi cầm cọ và ngoáy cái cổ tay lên toan thì đau đớn cực kỳ và cô đã phải quấn băng. Nhưng khi hai chị em ngồi nói chuyện với nhau, những ý nghĩ cứ trào ra, những màu sắc nhảy múa trong đầu, nên cô ấy lại tiếp tục vẽ,. Cô đã biết sự hứng thú của tôi với hội họa của cô, nên thi thoảng có tranh mới cô lại gọi: Chị ơi, em lại  vẽ được bức tranh mới! Từ những buổi chiều như thế, ngồi đắm chìm trong căn phòng vẽ đó, chính vì sự ngưỡng mộ nhau, hiểu nhau, mà có một hôm, chúng tôi chợt nghĩ ra, tại sao không làm một cái gì đó cùng với nhau? Mai Hương có một cô bạn rất thân là nhà điêu khắc Thủy Tuyết. Đó cũng là một người đàn bà vô cùng giàu năng lượng. Tôi nghĩ ra ý tưởng Lửa trong tay đàn bà thì khác lửa trong tay đàn ông như thế nào? Chúng tôi định làm chung dự án Lửa trong tay đàn bà bao gồm triển lãm tranh và triển lãm điêu khắc và thậm chí là các tác phẩm của tôi cũng sẽ mang ra để triển lãm cùng. Trong các cuộc triển lãm đấy,  chúng tôi muốn có sự tương tác, trình diễn."

Dự án đã được lên kế hoạch chi tiết với vai trò trình diễn của từng nghệ sĩ, khi Mai Hương vẽ, Thủy Tuyết sáng tác tượng và Y Ban với tài đọc thơ ngẫu hứng và đọc …rap (từng được chứng minh với cuộc tham dự giải Slam thơ – thơ trình diễn ở Pháp). Họa sĩ Nguyễn Mai Hương nói,  dự án đang tạm dừng lại vì ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhưng hy vọng một thời gian gần nhất, dự án nghệ thuật này của các nữ nghệ sĩ có thể đem đến cho khán giả những cảm xúc tươi mới.

Feedback