Tác giả người dân tộc thiểu số phía Bắc: Những tiếng thơ, những gương mặt

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Tình yêu, niềm tự hào với quê hương, bản quán và sự sáng tạo không ngừng sẽ tạo nên những gương mặt thơ ca dân tộc thiểu số rõ nét, tầm vóc.

Những tác giả thơ Việt Nam đương đại là người dân tộc thiểu số khẳng định được giọng điệu trên thi đàn hiện nay đều là những người bám rễ vào văn hóa, vào phong tục của quê hương, bản quán. Tiếng thơ của họ bật lên một cách tự nhiên và bản năng từ thâm niên cuộc đời gắn bó với làng bản, những sinh hoạt câu chuyện xảy ra trong cộng đồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Sáng tác thơ của các tác giả là người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc đã đi cùng những bước đường phát triển của đất nước ta, với những cái tên tiêu biểu như nhà thơ dân tộc Tày Nông Quốc Chấn (giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000 về Văn học nghệ thuật), nhà thơ Pờ Sảo Mìn người Pa Dí ở Lào Cai, tác giả tập thơ “Cây hai ngàn lá” được giải thưởng Phan Si Păng năm 2002. Cũng ở Lào Cai có nhà thơ Lò Ngân Sủn, người dân tộc Giáy, từng trải qua các công tác như chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai,  Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ở Cao Bằng có nhà thơ Bàn Tài  Đoàn, người dân tộc Dao Tiền đã từng nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001. Và đặc biệt không thể không nhắc tới nhà thơ Y Phương, người dân tộc Tày, sinh tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Đó là còn chưa kể đến những cái tên như nhà thơ Triệu Kim Văn (Dao), Lò Cao Nhum (Thái), Mai Liễu (Tày), Bùi Thị Tuyết Mai (Mường), Vi Thùy Linh (Tày)…

Văn học dân tộc miền núi phía Bắc nước ta, số lượng các cây bút ở mảng sáng tác thơ chưa nhiều như mảng văn xuôi. Nhưng dăm năm trở lại đây, cũng đã xuất hiện và ghi nhận những cái tên như Ngô Bá Hòa, Phùng Hương Ly (Tày), Lý Hữu Lương (Dao), Phùng Hải Yến (Dao khâu), Tòng Văn Hân (Thái), Vàng A Giang (Mông)… Hầu hết các tác giả này có mặt tại Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng trung tuần tháng 6 vừa qua.

Có lẽ công chúng, độc giả yêu thơ vẫn chưa thể quên những ồn ào xung quanh chùm 3 bài thơ của tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) đoạt giải B (Giải cao nhất) cuộc thi thơ Báo Văn nghệ tổ chức trong hai năm 2019 – 2020. Bỏ qua những luận bàn về cấu tứ, nội dung, chất lượng của các bài thơ, quan niệm sáng tác và mục đích ra đời, sử dụng các tác phẩm của tác giả Tòng Văn Hân rất thực tế và giàu tính ứng dụng.

Tác giả người dân tộc thiểu số phía Bắc: Những tiếng thơ, những gương mặt - ảnh 1Tác giả Tòng Văn Hân

"Trong thơ tôi chủ yếu viết về các sinh hoạt thường ngày, những nét đẹp trong bản làng dân tộc Thái của mình, thứ nhất là để cộng đồng mình sử dụng để chuyển tải thành các bài hát theo điệu dân gian Thái trong các sự kiện như ngày hội đại đoàn kết dân tộc, ngày hội thể thao văn hóa của bản, của xã rồi các sự kiện trong đám cưới hoặc lên nhà mới của người Thái.

Bởi vì trong các bài thơ tôi thường đưa các hình ảnh tốt đẹp ấy. Khi tôi viết thơ thường lấy những hình ảnh của cuộc sống. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng, tôi lấy những nét đặc trưng nhất của người Thái chúng tôi viết thành thơ. Những đặc trưng thì có cả hình ảnh của cuộc sống, mùi vị, ngôn ngữ của cuộc sống người Thái, tôi diễn đạt vào những câu thơ, bài thơ của mình" - Tòng Văn Hân nói

Không chạy theo những đề tài, những câu chuyện xa nếp nghĩ, nếp sống, tựa vào bản sắc văn hóa của quê hương, xứ sở, tác giả Lý Hữu Lương với tập thơ “Yao” đã được vinh danh tại Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2021 do của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ được đánh giá “thuyết phục người đọc bởi mã văn hóa đặc sắc, độc đáo, được thể hiện bằng một nỗi niềm đau đáu, trăn trở nhưng cũng đầy kiêu hãnh”. Hơn ai hết, Lý Hữu Lương coi quê hương bản xứ như một phần máu thịt và thơ là sự tái sinh những cảm xúc đã ăn sâu vào từng tế bào con người Dao sinh sống khắp thung lũng và lưng chừng vùng núi phía Bắc.

Lý Hữu Lương chia sẻ: "Tôi viết về dân tộc Dao vì đó là không gian của tôi, căn cước của tôi, một cậu bé người dao. Căn cước hay một định nghĩa về dân tộc Dao, về một sắc tộc trên những chân giá trị của tổ tiên, của nguồn gốc. Và khi chúng ta đang đứng trước biến đổi to lớn về mọi mặt đời sống, văn hóa, tư tưởng, tôi cho rằng văn học mang tính chất của một người dẫn đường để dân tộc đó không bị chấp chới, không bị mờ nhạt trước thời đại. Việc biến đổi đó chứ không phải là chúng ta làm khác tổ tiên, thay đổi các giá trị tốt đẹp vốn có. Tôi thấy việc chuyển tải nếp nghĩ, nếp ăn ở, phong vị, tập quán của đồng bào mình vào ngôn ngữ phổ thông, chưa nói về thi pháp mà nói về cách thể hiện nội dung ý nghĩa hay giá trị của tác phẩm thì không có rào cản ngôn ngữ nào có thể hạn chế giá trị biểu cảm hay tinh thần của tác phẩm. Nếu lấy ngôn ngữ làm rào cản thì sẽ thành những giọng điệu rất ngô nghê và đương nhiên sẽ không có một tác phẩm hay đích thực."

Tác giả người dân tộc thiểu số phía Bắc: Những tiếng thơ, những gương mặt - ảnh 2Tác giả Lý Hữu Lương trong một buổi đọc thơ.

Ngôn ngữ không phải là rào cản với con đường sáng tác thơ của Lý Hữu Lương. Nhưng đó là sự thuận lợi với một người trẻ được học tập, làm việc, trải nghiệm ở những môi trường mang tính chất phổ thông. Có thể thấy có những người trẻ là người dân tộc thiểu số vẫn đang loay hoay để tìm ra cách diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ thơ mang tính đại chúng, để những câu chữ là “thơ” chứ không phải là văn xuôi hay cách diễn ý ngô nghê, giản đơn, lạc điệu.

Vàng A Giang, sinh năm 1993, cây bút thơ trẻ, người Mông ở Lào Cai. Anh đã đạt Giải nhì Cuộc thi Thơ và Truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” năm 2017-2019. Thơ Vàng A Giang được đánh giá đậm vẻ đẹp văn hóa vùng cao, tiếp cận những câu chuyện, nỗi lòng thường ngày của cá nhân tác giả ở một không gian vùng cao có thực.

Cũng có thể thấy đã có những lúc ngôn ngữ thơ Vàng A Giang cũng rơi vào những chi tiết sáo mòn, sự lặp lại bản thân hoặc những người đi trước. Tuy vậy, trong bản thể con người chàng trai người Mông vẫn như nhất một con đường dẫn bước cho thơ: "Thơ là hiện thực được khúc xạ qua thấu kính ở đây là đôi mắt thơ và tôi nghĩ thơ là tột cùng của cảm xúc, người thơ phải thành thực với lòng, thậm chí là cô độc. Sinh ra và lớn lên ở núi nên những sáng tác của tôi là núi đồi, quê hương, là những gì gần gũi và giản dị nhất".

Tác giả người dân tộc thiểu số phía Bắc: Những tiếng thơ, những gương mặt - ảnh 3Tác giả Vàng A Giang

Để có những giải thưởng lớn, những ghi nhận ghi dấu một chặng đường sáng tác còn là một quá trình dài lâu, có khi là cả đời người, đời viết. Với các tác giả trẻ, tác giả đang sung sức là người dân tộc thiểu số đoạt được các giải thưởng ở khu vực hoặc do các tổ chức văn chương uy tín tổ chức đã cho thấy họ đang nhiệt thành tham gia vào phong trào sáng tác lên cao vài năm gần đây. Họ đang tiếp nối thành quả của các thế hệ, những tên tuổi đi trước.

Và lúc này, nói như tác giả Lý Hữu Lương, niềm tin, tình yêu, niềm tự hào với quê hương, bản quán và sự sáng tạo không ngừng sẽ tạo nên những gương mặt thơ ca dân tộc thiểu số rõ nét, tầm vóc: "Đến với con đường sáng tác đã qua một thập kỷ thì tôi luôn phải cảm ơn văn chương đã đem cho tôi những trái ngọt và theo một nghĩa nào đó thì những tác giả như chúng tôi luôn cống hiến những gì tinh túy nhất để không phụ văn chương, không phụ những con chữ, không phụ những độc giả đã đọc, đã thương và dành tình yêu cho chúng tôi. Trước những ngả văn chương, những thể nghiệm hay các thi phẩm khác của bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy giọng điệu của mình đã được ghi nhận. Sự hiện diện của dân tộc Dao, một tộc người nhỏ đi trên đầu ngàn trái núi lớn mà tôi như một chú chim nhỏ mang giọng điệu, tiếng hót của làng đi trăm phương được chú ý và vinh danh. Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta đủ giàu đẹp để hiện thực hóa mọi biểu đạt ở khu vườn chữ nghĩa của cảm xúc. Nếu bạn có tình yêu đủ lớn để yêu thương, trân quý dân tộc sinh ra mình, đủ niềm tin và khẳng khái đem bản sắc dân tộc ấy ra với thế giới văn minh thì hiển nhiên chúng ta sẽ có một gương mặtt".

Feedback