Hoa Ban Mai của Trương Anh Tú: sự cộng cảm thơ Việt sang tiếng Ba Lan

P.Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Những niềm vui nho nhỏ, nhưng luôn là hạt mầm hạnh phúc gieo trong trái tim của tác giả thơ xa xứ - người đã xác định cho mình một cách viết, một cách nhìn luôn hướng về cái thiện, cái lành, sự trong trẻo.

Vào tháng 10/ 2021 tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan “Hoa ban mai”  gồm 75 bài thơ của nhà thơ Trương Anh Tú – người Việt ở Đức, do Giáo sư - dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan - Kalina Izabela Ziola đã được ra mắt tại Ba Lan.  

Hoa Ban Mai của Trương Anh Tú: sự cộng cảm thơ Việt sang tiếng Ba Lan - ảnh 1Nhà thơ Trương Anh Tú bên cửa sổ phòng văn - Phòng văn học Việt Nam đương đại - Viện Văn học, nơi hai tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ và “Hoa ban mai“ cũng được hiện diện. - Ảnh: NVCC

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ

Trong chuyên mục Nhà văn và cuộc sống“, báo Văn Nghệ số 24 ra ngày 11/6/2022, cây bút trẻ Minh Thư (hiện là sinh viên đang học Ngữ văn/ Ngôn ngữ học tại Nga) viết về tập thơ song ngữ Hoa Ban Mai: “Màu xanh vĩnh cửu trong thơ Trương Anh Tú như một lời khẳng định chắc chắn cho những giá trị chân - thiện - mỹ. Dẫu cho tất cả úa vàng, dẫu cho mọi vật đều đổi thay theo thời gian, thì vẫn mãi có một thứ không bao giờ thay đổi, ấy là bầu trời xanh, là sự thật, là cái đẹp vẫn luôn bền bỉ tồn tại trong cuộc sống. Đã yêu cuộc sống này biết bao nhiêu, để mỗi góc nhỏ trong thơ (và cả trong cuộc đời thật), ta đều thấy thấp thoáng một nét mỉm cười rất đôn hậu của Trương Anh Tú; để dẫu viết về điều gì, nhà thơ cũng để lại một dấu ấn rất riêng, đó là “cái giọng riêng biệt không thể tìm thấy trọng cổ họng của bất kỳ một người nào khác” (Turghenev)…”

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Văn Thái, người Việt ở Ba Lan nhận xét: “Hơn nửa đời người sống ở đất khách quê người, nhưng vốn ngôn ngữ tiếng Việt của Trương Anh Tú rất trong sáng, chuẩn xác và phong phú, đặc biệt là tính lạc quan yêu đời, yêu quê hương đất nước của anh. Tôi nhớ nhiều báo đã đăng thơ của Trương Anh Tú và những bài bình luận về thơ anh. Đặc biệt trong kỳ thi cho học sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục tỉnh Khánh Hòa, đã đưa một đoạn thơ Trương Anh Tú vào để học sinh phân tích. Đây là niềm tự hào của Trương Anh Tú và cũng là niềm tự hào của những người sống xa Tổ quốc viết thơ viết văn.”

Trong chuyến trở về quê hương, Trương Anh Tú chia sẻ niềm vui của một người cầm bút, khi biết bài thơ “Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hợp quốc“ của mình đã được Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa trích làm “Đề thi vào lớp 10 môn Văn THPT năm 2022 – 2023” của tỉnh. Những niềm vui nho nhỏ, nhưng luôn là hạt mầm hạnh phúc gieo trong trái tim của tác giả thơ xa xứ - người đã xác định cho mình một cách viết, một cách nhìn luôn hướng về cái thiện, cái lành, sự trong trẻo.

Câu chuyện quá trình hình thành tập thơ song ngữ Hoa Ban Mai, được Trương Anh Tú kể lại: “Hoa Ban Mai là tập thơ in song ngữ Việt Nam - Ba Lan do giáo sư, dịch giả Nguyễn Chí Thuật cùng với sự cộng tác của nhà thơ nữ Ba Lan Kalina Izabela Ziola. Tôi gặp Giáo sư, dịch giả Nguyễn Chí Thuật tại cuộc gặp gỡ Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc năm 2017 tại Hà Nội. Qua hai tuần làm việc, chúng tôi nói chuyện, trao đổi với nhau về thơ ca. Ông có gửi cho tôi những bản dịch mà ông dịch tác phẩm của các nhà thơ Ba Lan. Không chỉ dịch, ông là người làm thơ bằng tiếng Ba Lan, chính vì thế mà có thể chuyển tải những bài thơ của tôi sang tiếng Ba Lan. Thực ra đấy là một cái duyên, sự may mắn và hạnh phúc. Sau khi tập thơ được in xong, nhà xuất bản đã gửi Hoa Ban Mai tới các trường đại học của Ba Lan và thư viện của các thành phố.”

Hoa Ban Mai của Trương Anh Tú: sự cộng cảm thơ Việt sang tiếng Ba Lan - ảnh 2 Ảnh bìa tập thơ "Những mùa hoa anh nói" và tập thơ “Hoa ban mai” (Poranne Kwiaty) cùng ảnh chụp sự hiện diện của tập thơ "Những mùa hoa anh nói" với những thông tin về sách trong hệ thống thư viện trường đại học Washington (bên phải), trong trường đại học Yale (phía dưới, bên trái) và trong trường đại học Michigan tại Mỹ

Dù cầm bút xa xứ, nhưng thơ Trương Anh Tú thường xuất hiện ở các báo chí trong nước, và có những bài được nhiều báo cùng chọn xuất bản. Tập thơ "Những mùa hoa anh nói" của anh đã có mặt (ít nhất) tại 3 thư viện đại học tại Mỹ. Những bài thơ của anh cũng được sử dụng làm tư liệu giảng dạy cho các sinh viên học tiếng Việt ở Đài Loan, Hàn Quốc…Và Hoa ban mai, với phần lớn được dịch từ Những mùa hoa anh nói, và một số sáng tác mới, được NXB Ofcyna Wydawnicza G&P chuyển tới những thư viện tại các thành phố và trường Đại học của Ba Lan

“75 năm bài thơ trong tập Hoa ban mai thì có 50 bài lấy từ tập thơ Những mùa hoa anh nói đã nhận được khá nhiều những sự chia sẻ của bạn đọc cũng như của các giảng viên, các trường đại học hoặc thậm chí các viện nghiên cứu về văn chương. Tập thơ Hoa  Ban Mai cũng đã tiếp tục xuất hiện ở một số trường đại học Mỹ, chẳng hạn như trường đại học Washington cũng tiếp nhận tập thơ này để làm tư liệu cho sinh viên khi nghiên cứu về văn chương Việt Nam. 

Ở Việt Nam tập thơ Hoa Ban Mai cũng đã có mặt ở Trường Đại học Sư phạm Huế, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2. Rất nhiều lần tôi cũng phải nhắc lại câu nói là, tại sao tôi viết thơ và tôi muốn chia sẻ. Đơn giản vì khi tôi về Việt Nam hay khi ở nước ngoài, tôi luôn luôn có một cảm xúc: quê hương mình, tiếng Việt mình nằm ngay phía sau mình. Đấy là hành trang đi theo mình trong mọi trang viết, trong mọi suy nghĩ. Và làm sao để có thể ảnh hưởng, lan tỏa được những điều tốt đẹp trong văn chương cũng như trong đời sống.” – Trương Anh Tú chia sẻ.

Người chọn và dịch tập thơ Hoa ban mai là Giáo sư - dịch giả Nguyễn Chí Thuật, người từng được Hội đồng Tiếng Ba Lan của Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan đề cử và Chủ tịch Thượng viện Ba Lan ký quyết định phong tặng danh hiệu ”Đại sứ tiếng Ba Lan ở nước ngoài” – là một trong năm người trên thế giới có được danh hiệu này. Ông cũng từng nhận Giải thưởng Văn học dịch năm 2017 của Hội Nhà văn Hà Nội cho bản dịch tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus;  và năm 2018 Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch cuốn Hoàng đế của Ryszard Kapuściński.

Hoa Ban Mai của Trương Anh Tú: sự cộng cảm thơ Việt sang tiếng Ba Lan - ảnh 3 Tập thơ "Những mùa hoa anh nói" và tập thơ "Hoa ban mai" trong giờ học tại giảng đường trường Đại học quốc gia Đài Loan (National Taiwan University). Các bạn sinh viên được sự trợ giúp của giảng viên đã thử dịch bài thơ "Chú ếch và mùa thu" của Trương Anh Tú sang các ngôn ngữ khác. - Ảnh: NVCC

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Văn Thái nhận xét: Tập thơ dịch thơ Trương Anh Tú là tập thơ thứ hai mà anh Nguyễn Chí Thuật dịch từ thơ của tác giả Việt Nam sang tiếng Ba Lan, lần này có sự đóng góp của nhà thơ nữ Ba Lan về mặt chỉnh lý. Đọc tập thơ của Nguyễn Chí Thuật dịch, tôi cảm thấy như Nguyễn Chí Thuật viết bằng tiếng Ba Lan, bởi vì bản thân Nguyễn Chí Thuật không những chỉ là dịch giả văn học Việt Nam ra tiếng Ba Lan, mà trước hết anh cũng là nhà thơ . Anh từng viết vài tập thơ bằng tiếng Ba Lan và đã từng được giải thưởng của Hội Nhà văn Ba Lan, của nhiều tỉnh thành của Ba Lan. Trương Anh Tú viết thơ rất ngắn gọn, xúc tích và rất hợp với thơ hiện đại của Ba Lan. Vì thế nên Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ sang tiếng Ba Lan, theo tôi, là cũng tương đối dễ dàng, bởi vì đồng cảm xúc và cùng cách suy nghĩ, cách làm thơ. Tôi nghĩ tập thơ Hoa ban mai dịch từ tập thơ Những mùa hoa anh nói của Trương Anh Tú chắc chắn sẽ có chỗ đứng đối với độc giả, đối với nhiều thế hệ sau này của Ba Lan, để hiểu thêm về thơ hiện đại của Việt Nam."

Nhà báo Bảo Ngọc giới thiệu trang thơ Trương Anh Tú trên tờ Thiếu niên tiền phong: “Sống xa Tổ quốc, hướng về Tổ quốc và rồi những vần thơ ấy lại vượt qua ranh giới của một quốc gia để hướng tới nhân loại, đó là một hành trình rất đặc biệt của người nghệ sĩ đã mang hồn dân tộc đến với thế giới bằng con đường thơ chân chính.”

Một bài thơ của Trương Anh Tú, bài Giấc mơ, gợi lên nhiều điều về quan điểm sáng tác của anh: “Trong con người tôi có một cảm xúc là, mình chan hòa với thiên nhiên. Một lúc nào đó tôi cảm thấy mình đứng giữa trời, như một thân cây, như một chiếc lá, nên tôi viết rằng "Tôi hóa tôi thành giọt nước". Xuất phát từ cảm xúc đầu tiên, rất tự nhiên là để mình được sống hết mình với thiên nhiên, bài thơ khi được viết ra tự nó như một con đường, như một dòng sông mà mình thành con sóng. Những cảm xúc đó luôn luôn gắn kết với những cái nằm trong máu thịt của mình là những hình ảnh quê hương, đất nước. Mình muốn hóa thành một giọt sương của đất nước. Mặc dù ở xa Việt Nam nhưng có thể mình hóa thành một giọt nước, một chiếc lá hay một áng mây trôi...Và thực ra tôi muốn hướng đến cái đẹp, muốn sống hết mình với thiên nhiên, với đời sống.

Tôi cho rằng thơ ca, văn chương, nghệ thuật là chiếc cầu nối rất quan trọng không phải chỉ trong một ngôn ngữ, mà khi được dịch ra nó còn là thông điệp cho bạn đọc trên khắpthế giới, nếu tác phẩm đó mang những thông điệp phổ quát của nhân loại. Hiện nay chúng ta thấy, con người đang trải qua thời kỳ đại dịch covid, lại thêm chiến tranh. Rõ ràng con người chúng ta vẫn đang bế tắc, nhưng không vì bế tắc đó mà con người đầu hàng với  những điều đen tối, con người phải vượt qua bóng tối đó bằng tình yêu thương, sự chia sẻ, bằng sự thấu cảm, bằng sống hòa bình.

Như bài thơ tôi viết trong thời kỳ thiên tại dịch giã, lần đầu tiên tôi dùng chữ covid trong bài thơ này.

Em ở vùng xanh hay đỏ 
anh nơi vùng đỏ hay xanh
Covid  tràn lan vùng đỏ.
Bàng hoàng thế giới mong manh
Trái tim vì nhau màu đỏ
Hạnh phúc trao nhau màu xanh
Ước mai hết chia xanh đỏ

Ta cùng một trái đất xanh
           (Một trái đất xanh)

Bài thơ Giấc mơ tôi viết lần đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ tại cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 2019-2020. Rất vui là sau khi bài thơ được giới thiệu trên báo Văn nghệ, thì đã có 3 tờ báo, tạp chí tiếp tục đề nghị tôi được đăng tải bài thơ này và giới thiệu với bạn đọc:

Tôi hóa tôi thành giọt nước

Thân tôi thấm vào cỏ cây

Tôi chảy cùng sông, cùng suối

Biển xa tôi sóng đêm ngày.  

Tôi hóa tôi thành chiếc khóa

Một ngày tôi mở tôi ra

Mở bao giấc mơ ỉm khóa

Tôi mở tôi với thật thà.

Tôi hóa tôi vào bóng đêm 

Lặng im tôi hóa sao trời

Sáng lên tôi qua đêm tối 

Những vì sao thức trong tôi.  

Tôi hóa tôi thành hạt thóc

Nắng mưa tôi ấm tay người

Chắt chiu bao mùa trong đất

Mầm xanh tôi mọc trong tôi.

Feedback