NSƯT Triệu Trung Kiên “Muốn cải lương có được sức sống, cần tạo ra những cảm quan nghệ thuật mới“

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ về việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và hơn nữa là định hướng phát triển để cải lương phù hợp với hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Bộ môn nghệ thuật cải lương đã bước sang kỷ niệm năm thứ 100 năm (1918 -2018) tồn tại và phát triển. Trải qua biết bao thăng trầm, chặng đường 100 năm đó luôn là niềm tự hào của người Việt Nam về một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nghệ thuật cải lương đang gặp không ít khó khăn mà nguyên nhân đến từ cả khách quan và chủ quan.  NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam trả lời phỏng vấn về việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống nói chung và hơn nữa là định hướng phát triển để cải lương phù hợp với hơi thở của cuộc sống hiện đại.

NSƯT Triệu Trung Kiên “Muốn cải lương có được sức sống, cần tạo ra những cảm quan nghệ thuật mới“ - ảnh 1NS ƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam - Ảnh: vov.vn.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa NSƯT Triệu Trung Kiên, sân khấu cải lương trong tình hình hiện tại gặp khá nhiều khó khăn, điều anh đang quan tâm và lo ngại nhất là gì?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Đó chính là quá trình cải cách sân khấu cải lương. Tuyên ngôn của sân khấu cải lương ngay từ buổi đầu là cải cách. Sân khấu cải lương phải là những giá trị nghệ thuật đương đại nhất của thời đại mà nó hiện hữu. Mỗi thời đại cải lương đều có sự chuyển mình cho phù hợp với những giá trị đương đại nhất của xã hội.

Nếu xem lại các bình diện chung của cải lương thông qua các tác phẩm trên truyền hình hay ở đâu đó thì khán giả vẫn bị cảm giác rằng sân khấu cải lương đã lỗi thời. Đấy là một hiện thực ta phải nhìn một cách thấu đáo và sòng phẳng. Đó là một trong những lí do quan trọng nhất để sân khấu cải lương không có vị trí trong xã hội ngoài những lí do khác nữa. Bản thân cải lương đã không kịp chuyển mình để cho thấy những xu hướng mới của xã hội. Tôi nghĩ rằng cái cần khắc phục nhất chính là điều này, phải cải cách sân khấu cải lương. Đó là điều không thể bàn cãi.

Nhưng cải cách bằng cách nào lại là điều cần bàn với nhau. Cần phải có những công trình thử nghiệm, mỗi người bằng khả năng của mình thử nghiệm, giống như trăm hoa đua nở. Cách nào tồn tại được, cách nào tạo nên những giá trị nối dài theo thời gian, cách đó sẽ đúng. Tôi mong rằng tất cả những đồng nghiệp cho sân khấu cải lương luôn luôn phải có những sáng tạo mới, đưa thử nghiệm vào sân khấu cải lương trong thời gian tới, và tác phẩm chính là thước đo cho kết quả thử nghiệm.

PV: Cải cách nhưng vẫn phải giữ gìn những giá trị cốt lõi của nghệ thuật dân tộc, anh có thể lý giải cụ thể vấn đề này như thế nào?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Quan điểm của tôi xây dựng sân khấu cải lương hiện đại là có những yếu tố của nghệ thuật đương đại nhưng dân tộc. Phần dân tộc giữ lại cái gì và phần đương đại thêm vào cái gì. Như tôi đã chia sẻ nhiều lần, cái gốc gác cốt lõi của nghệ thuật cải lương là hệ thống âm nhạc của cải lương. Và màu sắc âm nhạc, chất liệu trong hệ thống văn hóa đó là bất biến bởi nó mang tính dân tộc. Những phần còn lại là nghệ thuật cải lương tiếp thu từ tinh hoa thế giới. Ngay từ đầu, sân khấu cải lương lĩnh hội hoàn toàn từ âm nhạc đờn ca tài tử, sau đó tiếp thu các phương pháp của kịch nghệ phương Tây. Trong quá trình giao thoa văn hóa, tiếp thu rất nhiều luồng văn hóa khác của thế giới xuất hiện tại Việt Nam nữa.

Tôi thấy đó là những giá trị bất biến chúng ta cần lưu giữ. Còn lại những giá trị nghệ thuật du nhập, là hệ quả của tiếp biến văn hóa ta có quyền cách tân và đổi mới nó theo xu hướng đang có của thế giới. Một bộ phận khán giả tai nghe có thể không quen với những sự thay đổi này nhưng tôi muốn nói với khán giả rằng đó là những bước đi cần có cho sân khấu cải lương nếu muốn cải lương có sự trường tồn và có sự quyến rũ với khán giả hiện đại.

Thế hệ trẻ nếu như yêu sân khấu họ có thể nhìn thấy ở sân khấu cải lương những gì họ thích thú ở sân khấu thế giới. Khán giả đương đại dường như đánh giá cải lương là một cái gì đó trì trệ và lạc hậu. Vậy thì muốn cải lương có được sức sống hôm nay thì phải khắc phục những nhược điểm đó bằng cách tạo cho khán giả hiện đại những cảm quan mới và làm cho những thành tố nghệ thuật trong vở diễn, khán giả sẽ không còn thấy nó cũ kĩ và xa lạ nữa.

PV: Anh vừa nhắc đến những khán giả trẻ, vậy thì cụ thể anh đã có những phương pháp như thế nào để cải lương đến gần hơn với giới trẻ?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Trong quá trình làm nghề chúng tôi có những tác phẩm mong muốn để gây sự chú ý với giới trẻ. Ví dụ trong tương lai chúng tôi kết hợp cải lương với grafiti, cải lương thực cảnh. Tức là như tôi nói những gì ở sân khấu đương đại. Khi một vở cải lương với cái nền là mỹ thuật đường phố grafiti, các bạn trẻ sẽ đến trước tiên bằng sự tò mò.

Sau đó , ta sẽ dùng ngôn ngữ của các bạn để kể câu chuyện của các bạn mà phương tiện của nó ở đây là nghệ thuật truyền thống. Từng bước một, chúng tôi tìm cách len lỏi vào giới trẻ cho một vài bạn trẻ để một vài năm sau khi các bạn trưởng thành, các bạn có độ chững chạc nhất định, khi bắt đầu chiêm nghiệm về cuộc đời, các bạn sẽ nhận ra được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Và những lứa khán giả được chuẩn bị đó sẽ là lứa khán giả tương lai của sân khấu cải lương. Chứ tôi cũng không nhắm nhiều vào lứa khán giả tuổi teen, bởi hãy để các bạn thỏa sức với những gì mà các bạn thích thú trước đã.

PV: Nhưng anh có cho rằng, một bộ phận những khán giả yêu thích và đóng đinh cải lương theo kiểu cũ sẽ không thấy những cải cách là hay nữa?

NSƯT Triệu Trung Kiên: Cái hay hay không không phụ thuộc vào việc giống hay khác ngày xưa mà cụ thể trong tác phẩm những giá trị có lay động trái tim khán giả hay không. Ngôn ngữ, truyện kể đó có làm cho khán giả bị thu hút hay không. Khi người ta có cảm xúc với vở diễn người ta không có cảm giác phân biệt giữa cũ và mới nữa.

Tuy nhiên vẫn có một bộ phận khán giả vẫn phải y nguyên như xưa. Đúng là chúng tôi phải có một động thái làm cho khán giả quen với những yếu tố mới của sự cải cách, với điều kiện phải làm hay, chứ làm dở thì không có cách nào thu hút được khán giả, dần dần hướng khán giả đến giá trị mới. Một thời gian, những giá trị mới có sức hấp dẫn sẽ thu hút khán giả. Tôi nghĩ đó không phải là điều bất biến.

Khán giả cũng là một thành tố của nghệ thuật sân khấu, người sáng tạo ra sân khấu cũng phải luôn đồng hành cùng, có những sự phối kết tương tác cùng nhau có những đóng góp hành xử cho sân khấu cải lương. Tôi nghĩ nghệ thuật thay đổi khán giả cũng thay đổi, có sự vận động đi lên, để tìm giá trị tốt đẹp mới chứ không có gì ổn định mãi mãi ở những trạng thái cũ.

PV: Vâng xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Feedback