Thầy Ba Đợi – thành công sau những đêm công diễn

Trần Văn Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Vở diễn có sự thành tâm của mỗi người nghệ sỹ tri ân tổ nghề đã để lại một loại hình sân khấu đặc sắc cho dân tộc.

Như chúng tôi đã đưa tin, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương, tại Nhà hát Bến Thành, thành phố HCM vào tối (28/4), vở cải lương “Thầy Ba Đợi” là buổi công diễn đầu tiên mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả TPHCM khi xem vở diễn này. Buổi công diễn thứ hai được ra mắt khán giả vào tối (29/4) tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An ở thành phố Tân An, tỉnh Long An cũng đem đến cho khán giả một không khí tương tự.

Nghe âm thanh trích đoạn vở diễn Thầy Ba Đợi tại đây:

Thầy Ba Đợi – thành công sau những đêm công diễn - ảnh 1 Một cảnh trong vở diễn - Ảnh: Thùy Dung/VOV-TPHCM

Sức hút của vở diễn Thầy Bà Đợi tưởng như bớt dần với đêm diễn thứ ba khi các nghệ sỹ quay trở lại trình diễn cho người xem thành phố Hồ Chí Minh tại Nhà hát Bến Thành, nhưng khi vở diễn chưa bắt đầu khán giả đã ngồi kín cả hành lang lối đi, tạo ra cảm xúc vui mừng và đầy hứng khởi cho nghệ sỹ khi bước vào trình diễn.  

Là người dàn dựng vở diễn, khi đêm diễn kết thúc với thành công ngoài mong đợi, đạo diễn Triệu Trung Kiên không giấu nổi cảm xúc. Anh cho rằng, không chỉ bản thân anh mà rất nhiều nghệ sỹ tiêu biểu của Cải lương ba miền tham gia trong vở diễn này đều cảm thấy vui mừng, tự hào vì đã lâu rồi Cải lương mới có được vở diễn thu hút người xem và gây được tiếng vang như vậy. Hơn nữa, khi thưởng thức vở diễn “Thầy Ba Đợi” ngoài việc ca ngợi người nhạc sư tổ nghề khán giả còn được nghe các làn điệu Cải lương gốc, trong đó có hai mươi lòng bản cổ do chính nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tức Thầy Ba Đợi sáng tác, nên nó càng có ý nghĩa hơn vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của Cải lương:

"Chúng tôi - ê kip sáng tạo - đã bàn từ rất sớm và đã quyết định là xây dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Quang Đại, chính ông đã có công để hình thành nên âm nhạc đờn ca tài tử và sau đó là sân khấu cải lương. Chọn vở diễn phản ánh hình tượng ông vào dịp này là hợp lý. Buổi diễn đầu tiên khán giả đã rất quan tâm và đến rất đông, gần như chật hết các ghế ngồi của nhà hát Bến Thành, thành ra cũng cho chúng tôi một niềm vui rất lớn," - Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết.

Thầy Ba Đợi – thành công sau những đêm công diễn - ảnh 2 Nghệ sĩ ưu tú Quế Trân

Ngoài yếu tố kịch bản, việc lựa chọn dàn diễn viên tham gia vở diễn cũng tạo ra sức nặng cho vở khi quy tụ dàn diễn viên Cải lương hùng hậu. Lần đầu tiên tham gia vở diễn với sự kết hợp như vậy, NSUT Quế Trân, người tham gia vai nữ chính trong vở tâm sự. Việc tham gia vở diễn không chỉ là khát vọng được thể hiện vai diễn của người nghệ sỹ, điều ý nghĩa hơn chính là qua vai diễn, vở diễn đều có sự thành tâm của mỗi người nghệ sỹ tri ân tổ nghề đã để lại một loại hình sân khấu đặc sắc cho dân tộc.

Nghệ sĩ Quế Trân nói: " Thật may mắn khi mình được chứng kiến cột mốc lịch sử là kỷ niệm 100 năm của bộ môn cải lương. Và tất cả những người làm nghề chung tay góp sức có được một công trình kỷ niệm là một sự nỗ lực rất lớn, như là một cách nói riêng để tưởng nhớ và tri ân những người khai sáng ra oại hình nghệ thuật cải lương. Và Quế Trân cũng mong rằng sẽ có nhiều hoạt động như thế này nữa để an hem hai miền Nam Bắc có thể kết hợp với nhau thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn."

Sức hút của vở diễn không chỉ đối với khán giả thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong đêm các đêm diễn tại nhà hát Bến Thành đã có cả khán giả ở Long An, Cần Thơ cũng đến xem vở diễn. Khán giả Võ Văn Sơn ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết về cảm xúc sau khi xem xong vở diễn: "Cảm ơn đạo diễn, cũng như tác giả PGSTS Nguyễn Thế Kỷ đã viết lên tiết mục phối hợp giữa nghệ sĩ miền Bắc và miền Nam mà nói lên được lịch sử cải lương như vậy, sưu tầm hết được từ trước tới nay, từ thời vua quan, Pháp đô hộ, nắm được nguồn gốc của nghệ thuật cung đình để đưa vô đờn ca tài tử."

Kết thúc đêm công diễn thứ ba, đánh giá về ý nghĩa và thành công của vở diễn, tác giả vở diễn, PGS TS Nguyễn Thế Kỷ nói: "Vở Thầy Ba Đợi ra mắt công chúng ở TPHCM và phía Nam trước vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương. Và tôi rất thích ý tưởng của đạo diễn và các nhà tổ chức sản xuất là làm sao huy động được lực lượng cải lương của miền Bắc, miền Trung và miền Nam, những người tốt nhất. Và giải pháp tốt nhất mà mọi người thấy đấy, là những nhân vật quê ở miền Trung thì vẫn ra giọng miền Trung, ở miền Nam ra miền Nam thậm chí có ở cả miền Bắc nữa. Và trong vở diễn này người ta thấy rằng có sự thống nhất, có sự xuyên suốt, từ văn hóa dân tộc mà hình thành nên các nghệ thuật truyền thống: tuồng, chèo, cải lương."

Có thể nói, việc công diễn vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” tại thành phố Hồ Chí Minh và Long An không chỉ dừng lại ở ý nghĩa của một sự kiện mang tính kỷ niệm. Thành công từ vở diễn “Thầy Ba Đợi” là cách gợi mở hướng đi trong tương lai cho chính những người làm Cải lương hôm nay về một cách làm mới, khơi gợi và thu hút công chúng đến với Cải lương nhiều hơn nữa.

Feedback