NSƯT Kim Tử Long và con trai (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hiện nay anh đang cùng các NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Lam Tuyền chuẩn bị cho vở cải lương “Tô Ánh Nguyệt”, sẽ biểu diễn tại sân khấu Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Âu Cơ vào tháng 10 sắp tới.
Gặp người nghệ sĩ cũng là kép chính lừng lẫy một thời Kim Tử Long tại nhà hàng Quá đã do chính anh là chủ trên đường Cao Thắng, Q.10, TP. Hồ Chí Minh, anh vẫn giữ được vẻ ngoài rất phong độ và trẻ trung. NSƯT Kim Tử Long tâm sự anh cũng như nhiều nghệ sĩ, vẫn thường hay lấy nghề tay trái để nuôi lấy nghề chính và cũng là niềm đam mê cả đời mình với bộ môn sân khấu cải lương. Anh tự thấy mình may mắn mở được nhà hàng này chứ không phải bươn chải vất vả như nhiều nghệ sĩ cải lương khác. Bởi lẽ sân khấu cải lương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Kim Tử Long tâm sự:“Một thiệt thòi lớn nhất của bộ môn cải lương là không có sân khấu. Nếu có sân khấu, một vướng mắc rất lớn nữa là sân khấu nhỏ, sức chứa cũng nhỏ. Một đêm diễn có hơn 200 số ghế, không đáp ứng được thu nhập để trang trải cho một đêm diễn. Mà tiền rạp thì quá cao”
Tại nhà hàng của mình, trên lầu 2, NSƯT Kim Tử Long đang mở một sân khấu cải lương mini - một không gian để những người yêu cải lương lui tới cùng giao lưu chia sẻ. "Khi mà Kim Tử Long mở nơi này ra, tâm nguyện cũng mong cho các bạn trẻ không có sân khấu, họ không biết hát ở đâu. Họ đang khá chông chênh. Họ chỉ đi hát quán, tiệc còn để có một sân khấu hát đích thực thì không có. Chính vì lẽ đó mình mở cái này ra không phải để nói đây là một sân khấu lý tưởng, mà là một sân chơi nho nhỏ cho các bạn yêu thích, đam mê bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, họ có thể đến đây. Họ cùng giao lưu, gặp gỡ và hàng đêm hát với nhau. Người ta vẫn cứ nói học phải hành, còn nếu chỉ học trong trường ra, học bài bản mà không được hát riết rồi cũng cứng giọng. Vì vậy nơi đây họ có thể đến giao lưu, học hỏi và thể hiện những vai diễn mà họ thích.
NS ƯT Kim Tử Long và các fan hâm mộ tại nhà hàng Quá đã do anh làm chủ (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Gần đây, NSƯT Kim Tử Long còn là một trong ba huấn luyện viên mát tay trong những chương trình truyền hình thực tế như Đường đến danh ca vọng cổ hay Chuông vàng vọng cổ. Mỗi tập phát sóng của chương trình thu hút hàng triệu lượt xem trên các trang mạng xã hội chứng tỏ sức thu hút của cải lương vẫn là rất lớn. Và để bộ môn sân khấu cải lương gần gũi hơn với khán giả, đặc biệt là tầng lớp khán giả trẻ thì những bài ca vọng cổ tuy vẫn giữ nguyên căn bản nhưng cần có sự biến hóa theo hơi thở hiện đại.
Anh tâm sự: “Ngày xưa một bài vọng cổ người ta có thể ca rề rà. Cách ca ngày xưa phù hợp với thời điểm đó. Nhưng càng ngày càng tiến triển hơn. Một bài ca vọng cổ, không có người nào đứng trên sân khấu mà ca 6 câu vọng cổ nữa. Mà họ đã tiết chế làm sao bài ca vọng cổ 3 câu trong 3 câu đó chêm nhạc, chêm lý những gì mới nữa và hòa tấu sao cho thật hay, cộng hưởng với dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại hơn nữa. Và cách ca làm sao gần gũi với sinh viên học sinh hơn nữa. Như vậy lúc đó các bạn trẻ mới chấp nhận được”.
Nhắc đến tình cảm của khán giả, đặc biệt là những người miền Bắc dành cho bộ môn sân khấu cải lương, Kim Tử Long vẫn không khỏi bất ngờ và xúc động. Anh kể lại, chương trình “Ngôi sao Cải lương phương Nam” tháng 3 vừa qua, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía khán giả. Những nghệ sĩ thần tượng một thời như nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết… hay lớp nghệ sĩ tiếp nối như Kim Tử Long, Vũ Linh được khán giả đón nhận và yêu mến. Điều nghệ sĩ Kim Tử Long luôn trăn trở, nuối tiếc chính là chi phí để một đoàn cải lương từ miền Nam ra Bắc biểu diễn. Tiền di chuyển, ăn ở, tập vở, dựng rạp… khiến giá vé thường phải đội lên khá cao, nên chỉ có tầng lớp trung lưu trở lên mới đủ chi trả.
Anh nói: “Kim Tử Long thấy rằng sân khấu ngôi sao phương Nam mỗi lần đưa ra Hà Nội là đều hết vé. Đó là một tín hiệu rất mừng cho sân khấu cải lương. Có nghĩa là sân khấu cải lương vẫn còn có sức hút với khán giả. Chỉ có một điều là mình làm sao để khi sân khấu sáng đèn, tất cả các tầng lớp đều đến xem. Đó là một điều rất khó cho cả nhà sản xuất và lãnh đạo”.
Sân khấu cải lương hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Những sự kiện có thể cháy vé nhưng những chương trình thường xuyên lại luôn lay lắt, vắng bóng khán giả. Chính vì lẽ đó thế hệ tên tuổi như NSƯT Kim Tử Long vẫn không ngừng nghỉ trong việc nỗ lực đưa sức ảnh hưởng của cải lương đến nhiều tầng lớp và thế hệ các khán giả. Đúng như lời tâm sự của anh: chỉ cần sân khấu cải lương được sáng đèn mỗi đêm, Kim Tử Long sẽ dốc hết lòng mình.