Những cách tiếp cận mới về nàng Kiều trên sân khấu kịch đương đại

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Truyện Kiều đã được "đọc" bằng nhiều cách khác nhau, sinh động qua những vở  diễn kịch đương đại.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Sắp có những đêm diễn đặc biệt, khi sẽ có 4 tác phẩm sân khấu đương đại về Kiều diễn ra trong một đêm, trong khuôn khổ Dự án nàng K… do Viện Goethe khởi xướng.

Làm thế nào để đưa Truyện Kiều lên sân khấu đương đại? Đây là câu hỏi lớn thách thức cả bốn đạo diễn”  Amélie Niermeyer / (Đức), Hồng Vân (TP. HCM), Trần Lực và Bùi Như Lai (Hà Nội). Không lựa chọn cách diễn lại Truyện Kiều theo nguyên bản câu chuyện, mỗi đạo diễn lựa chọn cho mình cách tiếp cận riêng. 

Đây là những tác phẩm thuộc “Dự án Nàng K… – Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa”, một sáng kiến do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017, mà cụ thể là từ Viện trưởng Viện Goethe, ông Wilfried Eckstein.

Những cách tiếp cận mới về nàng Kiều trên sân khấu kịch đương đại - ảnh 1 Viện trưởng Viện Goethe, ông Wilfried Eckstein phát biểu tại buổi họp báo.

Tác phẩm Kiều đã hấp dẫn ông từ nhiều năm trước, như ông nhận định:Con người ở bất cứ đâu cũng bị ám ảnh bởi ước mơ một xã hội công bằng. Trong Truyện Kiều, tư tưởng đó đặc biệt dẻo dai và bền bỉ. Câu chuyện của một người phụ nữ bị đẩy đến đường cùng, tới mức phải tự sát nhưng, ước mơ tìm kiếm công lý và phẩm giá là không thể khuất phục. Đó là điều mà tôi ấn tượng nhất về câu chuyện này.”  

Khi đặt câu chuyện này giữa các dòng chảy văn hóa, tư tưởng và hệ giá trị Đông-Tây, trong Dự án nàng K…, theo ông Wilfried Eckstein: “Ở đây không còn liên quan đến một tác phẩm kinh điển của một quốc gia, mà ở đây liên quan đến việc đọc một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, cụ thể là số phận cá nhân của nhân vật Kiều.”

Người điều phối dự án, NSUT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Xuất phát từ ý tưởng của ông Wilfried Eckstein, giới thiệu truyện Kiều đến đông đảo độc giả, khán giả bằng các hình thức khác nhau của việc tiếp cận truyện Kiều, phổ biến truyện Kiều trong thế giới đương đại hôm nay, chúng tôi đã làm việc với nhau trong 3 năm."

Những cách tiếp cận mới về nàng Kiều trên sân khấu kịch đương đại - ảnh 2 Từ phải qua: Đạo diễn, NSUT Trần Lực. đạo diễn,  NSUT Bùi Như Lai, biên kịch Lê Quốc Nam, NSUT Sĩ Tiến, đạo diễn Amélie Niermeyer tại buổi họp báo về Dự án nàng K.. trên sân khấu và triển lãm.

"Ở Việt Nam chúng ta Kiều đã được biết đến, gây ấn tượng mạnh với rất nhiều người, rất nhiều thế hệ. Và với sân khấu, đã có rất nhiều các hình thức dựng Kiều khác nhau. Nhưng về cơ bản là minh họa lại câu chuyện Kiều.

Như vậy bài toán đặt ra hiện nay là, nếu chúng ta tiếp tục duy trì hình thức như vậy, từ chèo, cái lương hay kịch nói, thì liệu tác phẩm đó, câu chuyện đó có đi xa và có đáp ứng được kỳ vọng của thế giới hiện đại ngày hôm nay nữa hay không. Và hình thức minh họa lại câu chuyện sẽ tiếp tục như thế nào và đến bao giờ, trong khi thế giới thay đổi rất nhiều, biến đổi rất nhiều.” - NSUT Sĩ Tiến khẳng định.

Nữ đạo diễn Đức Amélie Niermeyer là người đã dàn dựng rất nhiều tác phẩm về phụ nữ. Với “Kiều”. chị cho biết không mạo hiểm thuật lại vào một tác phẩm người bản địa đã hiểu sâu sắc, mà hướng sự quan tâm theo cách khác, là đối thoại để hiểu ngày nay người ta đọc Kiều, suy nghĩ về Kiều như thế nào. Sử dụng sân khấu tài liệu, trong khoảng thời gian ngắn, dưới 30 phút, vở diễn của Amélie Niermeyer bàn đến những vấn đề còn mang tính thời sự trong truyện Kiều, ví dụ như cách đàn ông đối xử với phụ nữ, suy nghĩ của mọi người đối với những mối quan hệ ngoài hôn nhân…

Ấn tượng với đoạn Kiều đề nghị Thúc Sinh về nói chuyện với Hoạn Thư, để cả ba người đều biết mình ở đâu trong mối quan hệ này, đạo diễn đã dàn dựng cảnh này trên sân khấu.  

Màn mở ra với một nhà hàng đang có bữa tiệc sinh nhật, và người chồng tặng cho người vợ quyển truyện Kiều, là khởi đầu của một cuộc thảo luận mà từ đó nhìn ra được những điểm tương đồng, những cái song song giữa các nhân vật thực sự trong xã hội hiện đại, trong mối quan hệ Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư. Đạo diễn có những so sánh khi đem quan điểm của những nhân vật trong truyện Kiều thời cũ, nhưng được nhìn theo cách mới.

Những cách tiếp cận mới về nàng Kiều trên sân khấu kịch đương đại - ảnh 3"Trên sân khấu chỉ 25 phút thôi, nhưng khán giả sẽ thấy quanh Kiều là những thằng đàn ông yếu đuối" - Đạo diễn, NSUT Trần Lực cho biết về "Kiều" do anh đạo diễn.

Đạo diễn Trần Lực lại thấy dự án về Kiều rất hấp dẫn bởi yêu cầu bắt buộc người nghệ sĩ sáng tạo với những cách biểu đạt mới, tìm kiếm mới, với những cách nhìn mới nhất về tác phẩm Kiểu – một tác phẩm mà như nhiều người Việt Nam khác, anh đã được đọc, đã say mê theo dõi từ ấu thơ: “Với tôi Kiều đẹp chắc chắn rồi, Kiều hay, chắc chắn rồi. Nhưng quan trọng những người đàn ông xung quanh Kiều họ là ai, họ như thế nào? Đấy là câu chuyện Kiều của tôi.

Ở trên sân khấu chỉ 25 phút thôi, nhưng các bạn sẽ thấy quanh Kiều là những thằng đàn ông chẳng... ra cái gì, yếu đuối thật sự!. Đấy là quan điểm của tôi. Và với tôi nàng Kiều là một người phụ nữ mạnh mẽ, trải qua bao biến cố, nàng Trưởng thành. Từ “trưởng thành”, ý tôi muốn nói, thân phận của Kiều ba chìm bảy nổi như vậy, nhưng tâm hồn vẫn trong sáng. Đấy là nét đẹp nhất của Kiều.”

Và bởi thế, anh cho biết cách dàn dựng của mình có những tìm kiếm trên nền đương đại: “Ngôn ngữ sân khấu của tôi vẫn là ước lệ biểu hiện. Nó vẫn là gốc, là từ sân khấu truyền thống tuồng chèo của Việt Nam cộng hưởng thêm những yếu tố mang tính đương đại của Châu Âu.

Cụ Nguyễn Du nổi tiếng thế giới bằng câu chuyện về Kiều và bằng thơ lục bát của cụ. Trong kịch bản tôi và và anh Đỗ Trí Hùng cũng viết theo thể thơ lục bát. Đây không phải là kịch thơ, mà tự dưng thoại của diễn viên cũng có giai điệu, có nốt. Tức là chúng tôi ước lệ cả trong nghệ thuật tiếng nói. Cái này thực ra chèo tuồng thì đầy rồi, mình đưa vào sân khấu kịch đương đại thôi.” – Trần Lực cho biết.

Những cách tiếp cận mới về nàng Kiều trên sân khấu kịch đương đại - ảnh 4Quang cảnh buổi họp báo. 

Là người chấp bút cho Kiều đương đại trên sân khấu của đạo diễn, NSND Hồng Vân, tác giả kịch bản Lê Quốc Nam cho biết, dù trước đây vẫn biết, vẫn nghe nói về truyện Kiều, nhưng đến với dự án này, lần đầu tiên ông mới đọc, và đọc thì thực sự thích, vì ngôn ngữ thơ của Nguyễn Du.

Nhưng đọc Kiều, Lê Quốc Nam không thấy nàng Kiều, mà lại thấy hình bóng Đạm Tiên nhiều hơn hết, dù mấy nghìn câu thơ truyện Kiều, chỉ có mấy chục câu kể về Đạm Tiên: “Kiều chính là bản ngã của Đạm Tiên. Hai người là một. Chẳng qua Đạm Tiên là người đã chết. Và khi tôi nhận ra hai bản ngã này là một, thì tôi lại phát hiện ra một người phụ nữ mà tôi vô cùng chú ý hơn Kiều nữa, là Hoạn Thư. Tôi thích nhất trong truyện Kiều nhân vật Hoạn Thư.

Tôi làm theo lối truyền thống, có người dẫn chuyện đọc những câu thơ, và có những người minh họa cho lời thơ đó. Và tôi muốn làm trong tác phẩm này một điều duy nhất thôi: thân phận người phụ nữ khổ hay sướng, hoàn toàn là do họ. Chúng ta không thay đổi được điều đó, nhưng chúng ta nhìn khía cạnh khổ đó như thế nào. Tôi đi tìm cái bản ngã thứ hai của Kiều, đó là Đạm Tiên và Hoạn Thư.” – tác giả kịch bản Lê Quốc Nam nói.

Những cách tiếp cận mới về nàng Kiều trên sân khấu kịch đương đại - ảnh 5Biên kịch Lê Quốc Nam: "Thân phận người phụ nữ khổ hay sướng là do họ". Đạo diễn Bùi Như Lai: "Tôi nhìn thấy rất rõ vấn đề định kiến và bạo lực trong truyện Kiều".

Kiều của NSUT Bùi Như Lai lại là một tác phẩm có ấn tượng rất mạnh về thị giác, với rất nhiều bậc thang, dây dợ, các nhân vật đối thoại với nhau, và có nhiều…bạo lực.

Trong vở diễn anh cũng sử dụng rất nhiều công nghệ, như điện thoại thông minh, đài cassette và các loa kết nối bluetooth…. để thể hiện những vấn đề liên quan đến định kiến của con người, của xã hội.

Đạo diễn, NSUT Bùi Như Lai cho biết: “Tôi lấy tinh thần từ trong nhân vật Kiều của Nguyễn Du. Ở đó tôi nhìn thấy rất rõ vấn đề định kiến và vấn đề bạo lực trong câu chuyện. Và không hiểu sao vấn đề định kiến và bạo lực đó kéo dài từ khi có tộc Việt cho đến tận bây giờ.

Bản dựng của tôi các bạn có thế nhìn thấy rất nhiều dây thừng. Quan điểm của tôi dây thừng ở đây là sự trói buộc. và cũng là những quy định và định kiến. Và thân phận của người phụ nữ trong tác phẩm của tôi, không rõ ra là Kiều, chỉ đơn thuần là thân phận của người phụ nữ và người đàn ông.

Có những người đàn ông sinh ra, tạo ra định kiến. Và bản thân họ cũng gặp bi kịch vì chính định kiến do họ tạo ra. Kể cả nhiều phụ nữ hiện đại bây giờ, cho đến những phụ nữ trước chúng ta rất lâu, đều gặp vấn đề là: bị sống trong những định kiến do những người xung quanh tạo ra.”

Nói như Viện trưởng Viện Goethe, ông Wilfried Eckstein không chỉ ở Việt Nam hay Đức đâu mà khắp thế giới, người ta đang đối mặt với câu hỏi làm thế nào để bảo tồn truyền thống và bảo tồn như thế nào. Chính vì thế, việc quay về với những câu chuyện như Kiều hay Lục Vân Tiên là cách thức tìm kiếm những góc nhìn khác, mới vẻ về chính quá khứ và tư tưởng của người Việt. Bởi chỉ có đối thoại với quá khứ sẽ giúp chúng ta không bị lạc lối ở tương lai. Và cách tốt nhất để cho các tác phẩm kinh điển có thể sống được chính là liên tục tạo ra cơ hội cho chúng đối thoại với các vấn đề của xã hội đương đại. ”

Và những cách nhìn mới tạo ra sức sống mới của những câu chuyện về Kiều trên hai sân khấu lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những vở diễn đáng để khán giả chờ đón.

Chương trình hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ, sẽ công diễn ở Hà Nội vào ngày 12 và 13/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm); công diễn tại TP HCM vào ngày 19/10 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (136 đường Trần Hưng Đạo).

Feedback