Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trong buổi ra mắt sách |
Khi tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra đời, đã gây tiếng vang lớn. Tác phẩm được giải Nhì trong cuộc thi Tiểu thuyết của Hội nhà văn và được tái bản rất nhiều lần. Thế nhưng, trước đó, Nguyễn Văn Thọ đã sáng tác rất nhiều truyện ngắn, và đây được đánh giá là nơi để Nguyễn Văn Thọ thể hiện được bút pháp “vạm vỡ và tài hoa” của mình nhất. Nhà phê bình Nguyễn Việt Thắng trong bài viết của mình, cho rằng “căn cước” trong làng văn của Nguyễn Văn Thọ chính là truyện ngắn. Từ “Vàng xưa” (2004), “Sẫm violet” (2013), “Hương mỹ nhân” (2016) và nay là “Vườn mộng” (2018), “truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ hấp dẫn bởi nó sinh sắc, cái sinh sắc nhờ vào chất sống ròng ròng, cái chất sống hiện hữu nhờ vào các chi tiết đắt giá”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ký tặng sách |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ cảm xúc về tập truyện ngắn |
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong buổi ra mắt cuốn tập truyện “Vườn mộng” cũng chia sẻ: “Nguyễn Văn Thọ là một khối phức tạp, đa dạng. Anh là một người viết văn rất sâu sắc, và đầy tính hiện thực. Nhưng theo như mắt tôi đọc, truyện ngắn mới là phần tinh tuý, đặc sắc của Nguyễn Văn Thọ, bởi vì ở đó anh mới có đủ thời gian để chăm chút cho nhân vật của mình, có đủ thời gian để kĩ lưỡng cho từng con chữ của mình. Và ở đó Nguyễn Văn Thọ bộc lộ rất nhiều năng lực của anh. Cái mê hoặc của anh trong những truyện ngắn như Vàng xưa, theo tôi đây là truyện ngắn chơi về bố cục. Nếu ai đó cũng viết một nội dung như thế nhưng viết theo một cách khác thì cũng sẽ thất bại ngay. Và một loạt các truyện ngắn khác nữa như Mùi thuốc súng chẳng hạn. Dù là truyện sau chiến tranh nhưng vẫn rất khốc liệt. Tôi có thể nói đây là tập hợp những truyện ngắn rất đặc sắc của anh”.
Những người bạn văn đến chung vui cùng nhà văn |
Trong tập truyện ngắn “Vườn mộng” của Nguyễn Văn Thọ, ba mảng đề tài chính là thời kỳ hậu chiến, đời sống người Hà Nội và người Việt tại hải ngoại. Ở lời bạt của cuốn sách, nhà văn Đỗ Bích Thuý, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội chia sẻ: không thể kết luận Nguyễn Văn Thọ viết mảng nào hay hơn, nhiều vốn sống hơn hay thuyết phục hơn. Ở đề tài nào, Nguyễn Văn Thọ cũng tạo được ấn tượng với người đọc bởi ông luôn đắm mình trong đời sống hiện thực. Có lẽ ông là nhà văn "hạnh phúc vì có đến 3 đề tài, đều ruột, đều có thể viết cho đến lúc đi theo các bậc tiền nhân”.
Những người bạn văn đến chung vui cùng nhà văn |
Khi được đặt câu hỏi về những mảng đề tài này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng đã tâm sự: “Các mảng đề tài mà Nguyễn Văn Thọ quan tâm đều ngang nhau hết. Thế hệ chúng tôi rất yêu Hà Nội. Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng rất nhiều người trong chúng tôi đã chết vì Hà Nội. Hà Nội là máu là thịt, chính những người lính lang bạt kỳ hồ để sang Đức. Khi quan sát những người và cuộc sống ở nước Đức tôi quan sát và tôi thấy thương họ. Còn quay lại với cuộc chiến, khát khao lớn nhất của tôi có lẽ là đất nước này đừng có chiến tranh nữa, cho nên viết về chiến tranh đến mấy đời có lẽ cũng không đủ”.
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ cảm xúc |
Ở cả ba đề tài, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đều ngụp lặn với đời sống. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói rằng Nguyễn Văn Thọ luôn “đứng về phe nước mắt”, nên ông rất hiểu đời sống nhân dân, rất hiểu những người lính, đặc biệt là những số phận mong manh của những kiếp người bé nhỏ. Nhà văn, nhà báo Bùi Việt Sỹ, một người bạn vong niên của Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Nguyễn Văn Thọ rất có năng khiếu viết truyện ngắn, bút lực rất dồi dào, mạnh mẽ. Mặc dù ông đã viết hơn 50 truyện ngắn rồi nhưng nhà văn không hề lặp lại mình. Với một nhà văn điều đó rất quan trọng. Thứ hai tôi nhìn rõ thấy tính đôn hậu trong cách viết của nhà văn, đối với một nhà văn tình yêu thương con người đúng là rất quan trọng. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thực sự là một con người ấm cúng”.
Họa sĩ Thành Chương, người bạn đồng niên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ |
Có lẽ “Văn là người” là một câu nói chính xác khi viết về Nguyễn Văn Thọ. Khi tiếp xúc với ông, người ta dễ dàng bắt gặp một con người mạnh mẽ, quyết liệt với hiện thực khốc liệt nhưng lại vô cùng đa cảm, luôn xúc động, rơi nước mắt với những điều nhỏ bé. Văn chương của ông cũng vậy. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự: “Tất cả những gì thuộc về bản chất tốt đẹp của người Việt Nam đều được đề cập nhưng những thói xấu của người Việt Nam đều được phản ánh. Như thế là hướng vào Chân. Nhưng viết cái gì cũng phải hướng vào phần sáng của cuộc đời. Tôi chống chiến tranh trên mảnh đất này, hướng mọi người đến một khát vọng mới”.
Đọc “Vườn mộng” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người sẽ có cơ hội được chiêm nghiệm những câu văn đầy sức nặng, mà theo lời nhà văn Đỗ Bích Thuý ở lần trở lại này với truyện ngắn, bạn đọc có lúc sẽ phải “buông sách ra, ôm lấy ngực”.