Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - Việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc, dù đa phần, là từ những nỗ lực cá nhân của các dịch giả.

Trong năm 2017, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội nghị về nhà văn với sứ mệnh đoàn kết dân tộc, có sự tham gia của rất nhiều dịch giả người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó, có hội thảo tìm kiếm giải pháp xây dựng cơ chế phối hợp, tập trung hỗ trợ các nhà văn ở trong, ngoài nước phát triển nghề nghiệp.

Thực tế, trong nhiều hội thảo, hội nghị về văn học, đã có những ý kiến tâm huyết đề nghị, để quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam nên tuyển chọn một số tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu, hỗ trợ dịch ra tiếng nước ngoài. Dịch giả Giáp Văn Chung (người Việt ở Hungary) cho biết: Ở Hungary, dù đất nước chỉ 10 triệu dân nhưng vẫn có Quỹ hỗ trợ văn học. Khi ông dịch một cuốn từ tiếng Hungary sang tiếng Việt, NXB có thể làm hồ sơ để xin tài trợ, và phần lớn các cuốn sách dịch đó đều được Quỹ này tài trợ.

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 1 Những bản dịch sách văn học nổi tiếng của Việt Nam được giáo sư Gunter Giesenfeld và nhóm dịch giả chuyển ngữ ra tiếng Đức.

Tuy nhiên, đa phần các nỗ lực dịch thuật văn học Việt Nam hiện nay ra tiếng nước ngoài, đều từ phía các dịch giả, trong đó nhiều người là người Việt ở nước ngoài hoặc người nước ngoài.

Trong đó, gần nhất là việc tiểu thuyết Lão Khổ của nhà văn Tạ Duy Anh, do dịch giả Hiệu Constant (người Việt ở Pháp) chuyển ngữ sang tiếng Pháp với nhan đề “ Trên lưng trâu”, được NXB La Frémillerie  phát hành vào đầu tháng 11/ 2017.

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 2

 Đây là bản dịch từ cuốn tiếu thuyết được  nhà văn Tạ Duy Anh sửa chữa lần hai năm 1994, phiên bản tác giả “gần như viết lại” so với ấn bản đầu tiên tại NXB Văn học năm 1992, đã được NXB giới thiệu tại các hội chợ sách quốc tế lớn, và bước đầu được độc giả đón nhận.

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 3Dịch giả Hiệu Constant trong một lần ra mắt sách tại Việt Nam - Ảnh: FB nhân vật. 

Dịch giả Hiệu Constant cho biết: “Trong thâm tâm của tôi luôn muốn có sự trao đổi, tức là từ trước đến giờ tôi làm gì từ Pháp sang Việt rồi, thì đến một lúc tôi cũng muốn giới thiệu văn hóa, văn học của Việt Nam cho các bạn Pháp. Thực ra tôi cũng cố gắng làm từ nhiều năm nay, nhưng phải thừa nhận trên văn đàn Pháp thì vị trí của văn học Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.”

Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Hỗ trợ và Quảng bá Văn học Việt - Nga của LB Nga đã tổ chức dịch và giới thiệu được hàng chục tác phẩm, nhưng chủ yếu là dịch văn học Nga sang tiếng Việt. Vì những lý do khách quan, mảng dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga mới chỉ xuất bản được cuốn Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, do nữ dịch giả kỳ cựu In-na Zi-mo-ni-na chuyển ngữ.; và tuyển truyện ngắn đương đại Việt Nam, “Ngải đắng mọc trên núi” ra mắt năm 2016.

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 4Tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam Ngải đắng ở trên núi có nhiều tác phẩm hay của văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. 

Kể về việc tập hợp đội ngũ dịch thuật cho những tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Nga, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền cho biết: Từng được Hội nhà văn Việt Nam mời về dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, sau đó, chị rất muốn làm sao để tổ chức dịch được các tác phẩm văn học Việt Nam giới thiệu với độc giả Nga. Sau khi những dịch giả nổi tiếng như Marian Tkachev và Nikolai Nikulin qua đời, trong lĩnh vực dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga hầu như trống vắng chuyên gia. Chị đã mời một số người Nga biết tiếng Việt tham gia dịch truyện Việt Nam nhưng phần lớn không nhận lời vì nhiều lý do khách quan. Vì vậy, chị đã động viên những đồng nghiệp trong Ban tiếng Việt của Sputnik, nơi chị làm việc. Đó là anh Igor Britov và chị Elena Nikulina, hai chuyên gia rất giỏi tiếng Việt. Ngoài ra, còn dịch giả Nguyễn Quỳnh Hương ở Việt Nam cũng tham gia.

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 5Hai dịch giả Igor Britov và chị Elena Nikulina

Ngoài tập Ngải đắng ở trên núi đã ra mắt, hiện nay các dịch giả đang tiếp tục chuyển ngữ những tác phẩm mới, mà lựa chọn là những nhà văn đương đại, với mong muốn chuyển tải đời sống Việt nam hiện nay đến với độc giả Nga, trong đó có Tô Hoài, Lê Văn Thảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Văn Thọ, Bão Vũ, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Thu Trân...Riêng truyện ngắn Xóm sở Mỹ của Nguyễn Thị Thu Trân sẽ đăng trong tạp chí Văn học nước ngoài của LB Nga trong số ra tháng 3-2018.

Dịch giả Igor Britov cho biết: “Vì tình yêu của tôi với đất nước Việt Nam, Tôi muốn độc giả Nga cũng chia sẻ tình yêu Việt Nam như tôi. Văn học là nhịp cầu giúp họ đến với đất nước, con người Việt Nam.”

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 6Hai dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền - Mimmi Diệu Hường Bergström trong một hoạt động do Hội nghị nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc của Hội nhà văn tổ chức. 

Văn học Việt dịch ra tiếng nước ngoài kết mùa năm nay bằng giải thưởng văn học Cikada 2017 của Thụy Điển, trao cho nhà thơ Mai Văn Phấn của Việt Nam, với tập thơ Nhịp mùa thu, đã phát hành rộng khắp vương quốc Bắc Âu này từ cuối tháng 11 năm 2017. Tập thơ tiếng Thụy Điển có sự góp công  của nhiều dịch giả, trong đó có hai người Việt là Mimmi Diệu Hường Bergström và Lê Thị Sớm Mai. Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Mai Văn Phấn là tác giả thứ hai của Việt Nam, sau Ý Nhi, đoạt giải thưởng này, là giải do Viện Thụy Điển tài trợ.

Đôi nét phác thảo về dịch thuật văn học Việt ra nước ngoài năm 2017 - ảnh 7Cuốn "Buông tay cho trời rạng/ Out Of The Dark” của Mai Văn Phấn đang được bán trên Amazon/ Ảnh: Báo Thể thao&Văn hóa

Nhịp mùa thu gồm 75 bài thơ, được hai dịch giả Erik Bergqvist và Maja Thrane tuyển chọn và dịch từ 3 tập thơ bằng tiếng Anh của Mai Văn Phấn sang tiếng Thụy Điển. Trả lời phỏng vấn báo “Svenska Dagbladet”, nhật báo lớn nhất của Thụy Điển, nhà thơ Mai Văn Phấn cho biết: “Hai dịch giả sử dụng các bản dịch tiếng Anh như một sự khởi đầu, sau đó đã làm việc trực tiếp và chi tiết với tôi.” “Sau khi cuốn sách được hình thành, hai dịch giả đã gửi bản thảo cho ba dịch giả Thụy Điển khác biết tiếng Việt là Tobias Theander, Mimmi Diệu Hường Bergström và Lê Thị Sớm Mai kiểm tra đối chiếu lại từng câu trong nguyên tác. Dịch giả Mimmi Diệu Hường Bergström đã nói với tôi rằng,Nhịp mùa thu của tôi đã vang lên trong tiếng Thụy Điển rất đẹp, nhiều bài thơ vẫn giữ được tính đa nghĩa như trong bản tiếng Việt.”

Văn học, như một tấm danh thiếp của nền văn hóa, mà nếu thiếu cầu nối là những dịch giả giỏi (cả về ngôn ngữ và văn hóa), thì sẽ khó có sự trao gửi, chia sẻ với những nền văn hóa khác, những dân tộc khác.

Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền hy vong, công việc quảng bá văn học Việt Nam với độc giả Nga sẽ được sự giúp đỡ không chỉ từ phía Nga, mà cả sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ phía nhà nước và cộng đồng Việt Nam.

Và cùng chung suy nghĩ như các dịch giả khác, chị mong mỏi làm sao, để việc dịch thuật văn học Việt, sẽ trở thành một chủ trương lớn của nhà nước trong việc truyền bá văn hóa Việt ra nước ngoài.

Feedback