Bác sĩ, nhà thơ, nhà biên khảo Nguyễn Đức Tùng tại buổi giao lưu ra mắt sách Thư gửi con trai. - Ảnh: Ngọc Lan |
Được giới văn chương trong nước biết đến nhiều với các tác phẩm thơ, biên khảo, phê bình thơ ca Việt nhiều năm qua (như Thơ đến từ đâu, Đối thoại văn chương..), Nguyễn Đức Tùng, một bác sĩ người Việt định cư ở Canada, lần đầu tiên ra mắt bạn đọc một ấn phẩm văn xuôi có tên Thư gởi con trai – do NXB Phụ nữ ấn hành.
Với cái tên phụ đề nối dài “Những bài học về sự tử tế”, cuốn sách thật đáng ngạc nhiên - với giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ, trữ tình và dễ đọc như những bài thơ – văn xuôi, kể những câu chuyện làm người, và hơn thế, là những câu chuyện gợi tình yêu về quê hương xứ sở, về cội nguồn - cho thấy sự nối dài một tâm hồn Nguyễn Đức Tùng - thi - nhân.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Tác giả Nguyễn Đức Tùng trực tiếp đọc cho bạn tham dự nghe chương cuối của Thư gởi con trai, trong buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra tại Phố sách Hà Nội sáng 9/3. 80 bức thư trong cuốn sách là những câu chuyện thường ngày, được viết như những đoản văn với những khoảng lặng đáng gợi suy ngẫm.
Giám đốc, TBT NXB Phụ nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng cuốn sách có rất nhiều chất thơ. |
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nhận xét, mặc dù NXB có định hướng in những tác phẩm của những người cha viết về việc nuôi dạy con cái, nhằm mở rộng biên độ, sự quan tâm của những người cha về việc giáo dục trong gia đình, nhưng Thư gởi con trai của tác giả Nguyễn Đức Tùng còn hơn thế, bởi khi đọc ở khía cạnh giáo dục hay văn chương đều rất hấp dẫn và thú vị: “Đấy là một cuốn sách tràn đầy chất thơ. Mỗi một câu, một từ ở trong bài viết của anh khi tôi đọc đều cảm thấy mình phải dừng lại, phải suy ngẫm rất nhiều.”
Cuốn sách ra đời từ những bài viết trên điện thoại giữa những ca trực.của tác giả. |
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cho biết Thư gởi con trai ban đầu chỉ là những bài viết ngắn: “Thoạt tiên cuốn sách không phải như thế này mà là các bài báo viết rải rác, các đoạn khúc ngắn. Bởi vì tôi có thói quen viết giữa hai phiên trực bệnh nhân, vì vậy, chỉ có thời gian 5 - 15 phút để viết một đoạn ngắn, thành thói quen và thường viết trên iphone, sau đó biên tập lại và gửi đi đăng với bạn bè.
Tình cờ tôi lại gặp chị Minh Hà (nguyên biên tập viên NXB Phụ nữ VN) trong nhóm Cánh buồm, chị Hà kêu anh Tùng phải viết một bài về anh Phạm Toàn – (dịch giả) nhà giáo đã mất. Tôi viết một bài thì chị nói: hay quá, thôi bây giờ anh viết thành xê-ri để làm một cuốn sách. Nhà xuất bản là cái duyên lớn, biến những bài báo ngắn của tôi thành một cuốn sách như bây giờ.”
Biên tập viên Nguyễn Hòa Bình chia sẻ những câu chuyện "bếp núc" về cuốn sách. - Ảnh: Ngọc Lan |
Là người đã cho thêm cụm từ “Những bài học về sự tử tế” như một phụ đề cho tên của cuốn sách, biên tập viên Nguyễn Hòa Bình, Trưởng phòng Khoa học Giáo dục và đời sống cho biết “những bài học về sự tử tế” là cảm nhận của biên tập viên khi đọc: một cuốn sách dành cho mọi người. Một cuốn sách kể chuyện, mà có ý nghĩa giáo dục lớn.
Tác giả Nguyễn Đức Tùng cho biết, trong các nghề nghiệp trong cuộc sống, chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ là một người làm nghề giáo dục, bởi khí chất không hợp: “Nhưng khi cuốn sách này xong thì lộ ra một điều: Thật ra tất cả là một. Văn chương đưa tới giáo dục, giáo dục đưa tới văn chương. Nếu như viết làm sao để cho được lòng người, người ta hiểu và người ta được thuyết phục thì nó chính là văn chương và đó chính là giáo dục.”
Khán thính giả tại buổi giao lưu. |
Biên tập viên Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Tiếng nói cội nguồn của tác giả là rất đậm đặc trong cuốn sách, viết văn nhẹ nhàng thủ thỉ lắm.” Đặc biệt, cuốn sách có chương dài 40 trang nói về thơ ca, được chia làm nhiều mục nhỏ như một cách thức để bạn đọc trẻ em có thể tiếp xúc được với ngôn ngữ, tiếp cận với văn chương tiếng Việt.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc nói về giá trị của cuốn sách với bạn đọc trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao. |
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, đã lặn lội đi 10 tiếng đồng hồ từ vùng núi cao Điện Biên để dự buổi ra mắt sách tại Hà Nội, chỉ để chia sẻ rằng, bà rất vui mừng khi sẽ đưa được cuốn sách về thư viện cộng đồng mini của bà, cho các cháu thiếu nhi vùng cao:
"Tôi ghi nhận ở đây là thông điệp và năng lượng. Giá trị của cuốn sách ngoài thông điệp gửi tình yêu thương, sự tử tế thông qua nội dung, còn được thêm mục đích nữa: với các bạn trẻ và đặc biệt học sinh ở tỉnh lẻ cuốn sách đây là một giáo án (về cách đọc, cách viết) mà tôi có thể đọc cho các cháu. Và nếu các cháu ở thị trấn, thành phố tiếp cận với quyển sách này thì rất hay, bởi vì cách tác giả viết rất gần với ngữ pháp tiếng Anh, thuận tiện cho sự thay đổi tư duy của các cháu." - Bà Đỗ Thị Tấc nói.
“Thư gởi con trai”, nhưng cũng là thư gửi những tiếng lòng đồng cảm. Đó là câu chuyện của người cha với người con, của tình thân nối với tình thân, và bởi thế, là những tâm tình trao gửi, có thể chạm đến với bất cứ trái tim nào.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cho biết: “Tôi về Hà Nội lần thứ ba, nhưng mà đây là lần đầu tiên được chứng kiến mùa xuân, tháng 2 và tháng 3 ở Hà Nội. Trong cuốn Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng - tôi được đọc khi 14 tuổi trên tạp chí Văn, Vũ Bằng có nhắc đến Hà Nội với bốn chữ mà tôi nhớ từ thời đó: đó là "đất trời kỳ ảo". Quả nhiên trong ba ngày qua ở đây đất trời kỳ áo và lòng người cũng rất là kỳ ảo đối với tôi và đối với Sương (vợ của bác sĩ Nguyễn Đức Tùng - p/v). Xin nói sơ như thế để tỏ lòng tri ân của tôi đối với bạn bè ở Hà Nội.”
Và sau “Thư gởi con trai”, lần trở về này, Nguyễn Đức Tùng cũng chia sẻ niềm vui với tập thơ “Thơ buổi sáng” của ông cũng được phát hành trong tháng hai xuân này, cùng bạn bè văn hữu khắp đất nước.