Nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người dành một đời cho văn chương

Kim Nhung/VOV.VN
Chia sẻ
(VOV5) - Dương Tường là một người Hà Nội đích thực, tri thức vượt trội nhưng hết sức khiêm nhường. 

Tối 24/2, nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người cả một đời gắn mình với con chữ đã rời cõi tạm, hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương trong văn đàn Việt Nam.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ông tự học tiếng Pháp, tiếng Anh và bắt tay vào dịch thuật từ năm 1960.

Hơn nửa thế kỷ cặm cụi với công việc dịch thuật, tên tuổi Dương Tường đã gắn với các tiểu thuyết lớn của văn chương thế giới như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Cội rễ, Người dưng, Alexis Zorba, Bức thư của người đàn bà không quen, Con đường xứ Flandres, Cái trống thiếc,… Gia tài dịch thuật đồ sộ của ông có đến hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản, Na Uy... Tự nhận bản thân mình "một đời ăn nằm với chữ", ông luôn quan niệm "một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả".

Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn được biết tới trong vai trò một nhà thơ cách tân khá thành công. Nhiều bài thơ tình của ông đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, thành những bài hát nổi tiếng, rất được yêu thích như bài Tình khúc 24, Dương cầm lạnh...

Trước sự ra đi của bậc lão thành đáng kính, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không khỏi hụt hẫng: "Sự ra đi của Dương Tường đối với tôi vẫn là quá đột ngột, dẫu biết ông đã ngoài tuổi chín mươi, dẫu biết ông đã nằm viện hơn hai tháng nay, dẫu biết ông có thể rời bỏ cõi đời bất cứ lúc nào.

Khoảng thời gian ông ở bệnh viện không ai người ngoài được vào thăm do những quy định nghiêm khắc của ngành y tế đối với người bệnh. Và thế là tôi đã không được gặp ông lần cuối như những lần tôi đến nhà ngồi bên ông. Phút cuối bên ông có vợ chồng con trai, vợ chồng con gái và một đứa cháu. Ông đã rời cõi thế trong một cơn mê kéo dài".

"Anh đi, những trang thơ và trang sách dịch của anh ở lại" - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên xúc động viết trên trang cá nhân.

Không chỉ vậy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn vô cùng nể phục Dương Tường, vì ở độ tuổi đã lên đến nấc cao của đời người, còn tự thử thách mình bằng việc dịch "ngược" một số bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ Việt Nam ra tiếng Pháp. Đặc biệt, dịch kiệt tác Truyện Kiều ra tiếng Anh. 

“Ông nói, ông làm việc đó để trả nợ tiếng mẹ đẻ thân thương đã bao bọc nuôi nấng ông đi qua những nổi nênh cuộc sống. Và để không ăn gian cuộc đời một ngày sống nào. 

Dương Tường vẫn luôn thèm được ngồi với người trẻ. Ở nhà và ở quán cà phê cạnh nhà, ông nghe cuộc sống qua tiếng người ngoài phố, tiếng xe cộ trên đường, tiếng trò chuyện của các thế hệ sau bên cạnh mình” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người dành một đời cho văn chương - ảnh 1

Sự ra đi của nhà thơ, dịch giả Dương Tường khiến nhiều cây bút trong văn đàn Việt Nam thương tiếc.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Dương Tường là một ví dụ cho sự dấn thân trên con đường đi tìm cái mới: “Tôi biết ông vài chục năm sau này. Trước hết, ông là người đóng góp lớn cho văn học dịch. Ông có công truyền bá các tác phẩm văn học lớn của thế giới vào Việt Nam. Ông là một người làm việc lặng lẽ, luôn hướng tới sự đổi mới, trong cả sự kiếm tìm những cuốn sách để dịch, cũng như trong sự sáng tạo của thơ ca.

Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học, trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo lúc nào cũng tràn đầy”.

Còn đối với nhà văn Trịnh Thanh Nhã, Dương Tường là một người Hà Nội đích thực, tri thức vượt trội nhưng hết sức khiêm nhường. Dù không phải là những người bạn bè, cũng không có nhiều kỷ niệm riêng với nhà thơ Dương Tường nhưng nhà văn Trịnh Thanh Nhã vẫn không quên được những ấn tượng đẹp, đầy sự kính trọng khi lần đầu biết và gặp ông.

"Ông ấy sống với tri thức của mình, không dùng nó để phô trương. Tôi biết ông khi ông cố gắng nài nỉ mua một bức tranh nhỏ như bàn tay của Bùi Xuân Phái mà chồng tôi đang sở hữu. Ông đến nhà lúc 8h tối một ngày mùa đông, uống rượu và nhẩn nha tâm sự, thuyết phục... cho đến khi chồng tôi mủi lòng. Nhưng hóa ra ông đi mua tranh mà không đem xu nào trong túi.

Tôi từng gặp vài người đến mua tranh hoặc đồ cổ. Không thấy ai lịch lãm và kiên nhẫn như ông. Sách của ông tôi cũng đọc từ thuở còn học đại học. Rất ấn tượng về năng lực ngữ âm đặc biệt của ông. Cả trong sách dịch và thơ. Nhưng chỉ vậy thôi. Ấn tượng về ông luôn đẹp và đầy sự kính trọng" - nhà văn Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.

Feedback