Người trẻ làm mới sân khấu truyền thống: Cải lương luôn là cải cách

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Những hoạt động cho thấy sự kết nối giữa các thế hệ vì tình yêu cải lương và văn hoá Việt Nam.

Trong số các nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, nghệ thuật cải lương là mới hơn cả. Ngay từ cái tên của nó, mang hàm nghĩa ban đầu, như giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê từng giải thích “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn", thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản. Nghệ thuật cải lương đã bao hàm ý nghĩa cải cách, đổi mới (từ đờn ca tài tử và hát bội). Nhưng trong những năm qua, cùng với sự khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu Việt, nghệ thuật cải lương hầu như không đến được với đại đa số khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Và trong những nỗ lực “làm mới” lại, làm sống động lại bộ môn nghệ thuật vốn mang cái tên rất cải cách này, có sự đóng góp đầy tâm huyết của những người rất trẻ. Tiến sĩ Đào Lê Na trưởng bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu, điện ảnh, Khoa Văn học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, đã cùng các bạn trẻ đi những bước đi tìm đường thực sự đột phá cho cải lương hôm nay.

Đầu Xuân mới, mời quý vị và các bạn cùng phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam gặp gỡ tiến sĩ Đào Lê Na, cùng chia sẻ về câu chuyện này.

Người trẻ làm mới sân khấu truyền thống: Cải lương luôn là cải cách - ảnh 1Tiến sĩ Đào Lê Na trong chương trình trò chuyện với sinh viên về vở Đợi Kiều tại Đại học FPT Cần Thơ - Ảnh: FBNV
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Vâng xin chào Tiến sĩ Đào Lê Na. Có lẽ trước khi nói về yếu tố "mới" xuất phát từ cái tên của nghệ thuật cải lương, câu chuyện của chúng ta sẽ bắt đầu từ việc làm mới nghệ thuật cải lương của chị. Chị đã học về văn học, sáng tác truyện ngắn, nghiên cứu về văn học dân gian, học về điện ảnh, nghiên cứu giảng dạy về sân khấu điện ảnh... Và như chị đã chia sẻ chị cũng làm luận văn thạc sĩ văn học về Kịch bản sân khấu cải lương nam bộ trước năm 1975. Câu chuyện đến với nghệ thuật sân khấu của chị trước khi có định hướng làm mới cải lương là như thế nào?
Tiến sĩ Đào Lê Na: Khi có sự tiếp cận sâu về cải lương tôi bắt đầu thấy vẻ đẹp của cải lương, khi nó ra đời không chỉ để phục vụ cho nhân dân, mà còn để thể hiện tiếng nói, căn tính dân tộc, thể hiện được tiếng nói mạnh hơn về phương diện văn hóa. Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết hay nói câu: cải lương ra đời để chống giặc mà giặc không thể làm gì được, nghĩa là vì cải lương đã dùng một ngôn ngữ đậm chất dân tộc, đậm chất văn hóa như vậy. Đó là điều tôi rất trân quý. 
Tôi cũng thấy hiện nay các bạn trẻ không còn quan tâm nhiều đến cải lương, trong khi lịch sử cải lương rất mới, chỉ hơn 100 năm. Đây là loại hình sân khấu dân tộc mà ông cha đã cải cách, tạo ra một sân khấu là dân tộc nhưng lại rất mới cho người dân Việt Nam. Nhưng tại sao bây giờ các bạn trẻ lại có khoảng cách khi đến với sân khấu cải lương?  
Từ khi là sinh viên đi học cho đến khi ra trường tôi cũng cộng tác một số đài truyền hình, viết kịch bản tiểu phẩm, kịch bản sân khấu, nghiên cứu về kịch bản cải lương, chỉ chưa dàn dựng. Sau khi hoàn thành xong luận án tiến sĩ, tôi có lập một dự án nghệ thuật dành cho cộng đồng, tên là Yume Art Project. Dự án này có hai mục đích: đưa những dự án nghệ thuật hoặc các dự án giáo dục về nghệ thuật dành cho tất cả mọi người, đem đến cho các bạn ít có cơ hội được tiếp cận nghệ thuật, hoặc đem đến cho cộng đồng trẻ những thông tin, kiến thức về nghệ thuật, dù có hơi hàn lâm một xíu, nhưng khi các bạn nghe thì sẽ có sự thay đổi và phát triển về mặt nhận thức trong nghệ thuật. Các bạn trẻ sẽ thường được nghe các buổi trò chuyện của các chuyên gia, những người nghiên cứu về nghệ thuật hàng đầu trong lĩnh vực khác nhau. Quan trọng hơn, là mình làm việc với các bạn trẻ về các dự án nghệ thuật. Và các dự án này mang đậm văn hóa Việt Nam trong đó.
Tôi được biết Yume Art đã đi được những bước đầu, khơi gợi tình yêu đối với nghệ thuật cải lương trong giới trẻ?
Người trẻ làm mới sân khấu truyền thống: Cải lương luôn là cải cách - ảnh 2Một trong số các hoạt động của Yume Art Project

Tiến sĩ Đào Lê Na: Dự án đầu tiên của Yume Art làm về cải lương là Tiếp bước trăm năm. Đó là dự án đào tạo và truyền dạy cải lương cho trẻ em và thanh thiếu niên. Chúng tôi cũng quyết tâm làm một kịch bản cải lương thông qua việc nghiên cứu, khảo sát các bạn trẻ: Lý do tại sao các bạn cảm thấy cải lương có một khoảng cách nhất định với họ? Quá trình nghiên cứu đó đã giúp cho tôi thấy rõ được những vấn đề của cải lương trong bối cảnh đương đại như thế nào.

Vai diễn đầu đời - vở cải lương đầu tiên mà tôi và người bạn nữa hợp tác viết kịch bản, sau đó NSND Bạch Tuyết hợp tác chuyển soạn cải lương và các bạn trẻ của dự án đã diễn.
Ngày xưa một vở cải lương dài 3 đến 4 tiếng, ngày nay các bạn trẻ không có nhiều thời gian để thưởng thức. Khán giả trẻ cũng nói cải lương không có những đề tài mới. Những câu chuyện trong các vở diễn xa vời với các bạn quá. Và việc diễn viên cải lương lớn tuổi diễn những vai trẻ khiến các bạn trẻ thấy có một khoảng cách để mà tiếp nhận.
Thông qua việc khảo sát, tôi nghĩ mình sẽ làm một vở đúng với sự mong đợi của khán giả trẻ. Tôi đưa cả những thông tin rất hiện đại như robot, những nhân vật có sử dụng máy tính, smartphone hoặc chia sẻ tin giả vv...nghĩa là những gì rất đương đại đang diễn ra. Thứ hai, vở đó chỉ một tiếng rưỡi. Và để diễn viên trẻ diễn. Vở diễn lấy bối cảnh học sinh, nên cho học sinh, sinh viên diễn.
Khi vở được trình diễn, có rất nhiều khán giả trẻ tuổi rất xúc động và nói với tôi là thấy rất gần gũi thân thuộc với họ. Tôi nghĩ chắc đây là hướng đi mà mình cần làm với sân khấu cải lương.
Người trẻ làm mới sân khấu truyền thống: Cải lương luôn là cải cách - ảnh 3Vở Đợi Kiều (kịch bản - đạo diễn: TS Đào Lê Na), chuyển soạn cải lương TS Lê Hồng Phước, biên đạo Lê Mai Anh, âm nhạc: nhóm Humm - Ảnh: FBNV
Truyện Kiều là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du và mỗi người đều có những hình dung khác nhau về Kiều. Với việc tìm hiểu làm mới cải lương trong vở Đợi Kiều  - vở diễn được giới chuyên môn cũng như khán giả đánh giá rất cao, thì chủ trương của chị khi khai thác Truyện Kiều bằng nghệ thuật cải lương là như thế nào?
Tiến sĩ Đào Lê Na:  Tôi làm Đợi Kiều vì muốn tạo ra một vở diễn để mọi người thấy được những sự thay đổi về cải lương; cho mọi người thấy cách tôi đọc Truyện Kiều; thứ ba là ngôn ngữ sân khấu đã hỗ trợ như thế nào trong vở diễn này; và những người trẻ đã làm gì với cải lương trong những sự cách tân thể nghiệm này.
Với Đợi Kiều tôi cũng muốn sẽ tập trung vào ngôn ngữ dàn dựng sân khấu, để khi xem vở diễn đó mọi người sẽ thấy được, nếu như không có cảnh này hay cảnh kia của cảnh trí sân khấu thì vở diễn sẽ không hình thành. Tôi phải khai thác Truyện Kiều bằng ngôn ngữ cải lương để người xem có thể thấy cải lương sang và đẹp. Và ngôn ngữ sân khấu sẽ tiếp tục cộng hưởng với Truyện Kiều, làm cho mọi người tiếp tục suy ngẫm thêm về hình ảnh của Kiều trong văn học cũng như trên sân khấu.
Tức là có yếu tố làm mới về âm nhạc và rất quan trọng là những người đã làm âm nhạc đặc sắc trong vở này?
Tiến sĩ Đào Lê Na: Đúng như chị nói, từ ý muốn cải tiến, cải cách cải lương, gần nhất cách đây ba năm trong Dự án Tiếp bước trăm năm với vở diễn Vai diễn đầu đời cho các bạn trẻ, khi càng làm nhiều dự án văn hóa về cải lương và nghiên cứu thêm cách người ta nhìn nhận về việc mình làm mới văn hóa như thế nào, thì đến vở Đợi Kiều - tôi tạm gọi là cải lương thế nghiệm - sẽ đưa ra những hình thức mới, cách làm mới cho sân khấu cải lương mà trước đó cải lương mới đâu đó có hoặc chưa có.  
Tôi đã có nghiên cứu phản hồi các bạn trẻ, họ thấy âm nhạc của cải lương bị chán. Nên với Đợi Kiều, nếu thay đổi về âm nhạc thì sẽ thay đổi như thế nào? Lúc đó tôi nghĩ sẽ sử dụng một cách thức mà các vở nhạc kịch trên thế giới đã làm, là gần như mỗi vở sẽ có những phần âm nhạc hoặc nhạc nền riêng của vở đó. Sự mong đợi của mình với cải lương sẽ là đi theo những bước tiến như vậy, nhưng đương nhiên vẫn là âm nhạc của dân tộc Việt Nam.
Hình thức có thể vẫn vậy, bởi vì những vở cải lương xã hội hình thức cũng sẽ có những yếu tố phát triển từ kịch nói. Nhưng nếu như mỗi vở có những bài bản riêng cho vở đó, chứ không phải bài bản có thể dùng chung cho tất cả, thì sẽ góp phần nâng tầm cho vở diễn.
Làm thế nào đó để tạo ra được những bài bản mà nghe là người ta biết đây là Đợi Kiều, hay đây là Vai diễn đầu đời. Đó là một tham vọng cũng hơi lớn của mình. Vì như vậy phải có những bạn chuyên soạn nhạc, và những bạn đó cũng phải soạn những bài bản phù hợp với vở diễn. Với Đợi Kiều sự thể nghiệm đầu tiên là như vậy. Tôi muốn các bạn nhạc sĩ làm 4 bài bản mới để cho khán giả nghe, nhưng cái mới này mang âm hưởng cải lương. Dù các bạn có chơi các loại nhạc cụ nào thì âm nhạc dân tộc, hồn dân tộc, sự thân quen của dân tộc phải được đẩy lên trên.
Người trẻ làm mới sân khấu truyền thống: Cải lương luôn là cải cách - ảnh 4Một số thành viên trong nhóm nhạc Humm - nhóm nhạc của vợ Đợi Kiều - Ảnh: Ảnh: Humm Band/ Báo Tuổi trẻ
Nhóm nhạc đó (nhóm Humm - pv) các bạn sinh năm 2000 trở đi, rất trẻ, nên có lợi thế rất lớn khi am hiểu rất rõ về âm nhạc đương đại cũng như mong muốn của người trẻ với âm nhạc đương đại. Nhưng mình thấy các bạn quen thuộc với các nhạc cụ phương Tây, nên yêu cầu các bạn phải dùng nhạc cụ phương Tây tạo ra bài bản mang âm hưởng của cải lương, của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Và yêu cầu thứ hai, dù các bạn phối như thế nào, thì mỗi bài bản phải để một loại cụ Việt Nam nổi lên, tức là phần nền dù đủ loại nhạc cụ nhưng người nghe vẫn thấy nổi bật nhất là nhạc cụ của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là điều cách tân rất rõ về âm nhạc trong vở Đợi Kiều. Bước đi mình cần phải tiếp tục, chính là làm mới về âm nhạc. 

Quay trở lại với câu chuyện yếu tố mới của nghệ thuật cải lương. Những ai yêu thích cải lương hoặc là biết về lịch sử cải lương thì đều biết rằng là cải lương ra đời khi các nghệ sĩ muốn làm mới những bộ môn nghệ thuật cũ cho khán giả. Nhưng đến ngày hôm nay như chị vừa nói, chúng ta đều thấy cải lương nói riêng và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung đứng trước những thách thức không nhỏ khi đi tìm khán giả. Chị đã có những dự định, những bước tiếp theo cho con đường làm mới nghệ thuật cải lương trở lại, như thế nào?

Đợi Kiều như một con đường, cho mình thấy hướng đi: Đi đâu và đi như thế nào. Với cải lương mình cũng luôn trăn trở, cái câu "Cải cách hát ca theo tiến bộ, lưu truyền tuồng tích sánh văn minh" là nói về những sự tiến bộ, văn minh, nhưng bây giờ mọi người đang dùng cái chữ "cải lương" giống như cái gì rất cũ, rất sến. Mình thấy điều đó rất lạ so với ý nghĩa mà nó mang ban đầu.

Vở Đợi Kiều chỉ là một bước thể nghiệm để mình thấy con đường mình nên đi. Tiếp theo mình vẫn làm cải lương với các bạn trẻ. Với vở Đợi Kiều, nhân vật cô Kiều do một diễn viên 19 tuổi thể hiện. Lý do mình chọn bạn, vì có sự hấp dẫn và thu hút với các bạn trẻ, bởi vì cải lương vẫn đang sống trong thời của chúng ta. Đúng như mình nghĩ, khi bạn diễn viên 19 tuổi diễn thì các bạn trẻ xem rất hào hứng. Và cả người lớn cũng rất thích. Điều quan trọng là phải tìm ra được diễn viên thật sự giỏi. Cứ trao cơ hội cho các bạn trẻ, và chính nguồn năng lượng trẻ đó lại tiếp tục làm trẻ hóa sân khấu cải lương.

Người trẻ làm mới sân khấu truyền thống: Cải lương luôn là cải cách - ảnh 5Diễn viên Nguyễn Hồng Bảo Ngọc đóng bốn vai Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Đạm Tiên trong vở cải lương Đợi Kiều.

Và một điều nữa là mình sẽ tiếp tục thể nghiệm với ngôn ngữ sân khấu. Bởi vì cải lương vốn dĩ là loại hình nghệ thuật mới, luôn mang trong nó sự cách tân và thay đổi. Nên với những vở cải lương tiếp theo, mình sẽ tiếp tục đưa những ngôn ngữ thể nghiệm của dàn dựng sân khấu vào, để mọi người thấy cải lương chính là đổi mới, cải lương là sự thể nghiệm, sự thay đổi như vậy. Ví dụ như với vở Đợi Kiều, mọi người thấy cải lương rất sang và đẹp.

Mình hy vọng với vở diễn tiếp theo, (mà thật ra là làm lại vở Vai diễn đầu đời), dàn dựng mới kết hợp với kịch hình thể, nhưng là sự giao thoa giữa kịch hình thể và hát bội của Việt Nam. Đó cũng chính là hướng đi tiếp tục của mình trong dự định làm mới cho sân khấu cải lương. Và đây cũng là một chặng đường rất dài, nên cũng rất cần sự góp sức của nhiều người.

Xin cảm ơn tiến sĩ Đào Lê Na. Chúc chị  và đội ngũ đồng hành tiếp tục có những thành công mới trên chặng đường còn rất nhiều khó khăn này.

Feedback