Một năm phim truyện điện ảnh Việt

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Nhìn lại năm 2022, những điểm sáng dù “rực rỡ” cũng không đủ tỏa sáng, không đủ sưởi ấm ngôi nhà đơn sơ của điện ảnh Việt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Nhìn lại một năm đã qua của điện ảnh nước nhà, nhận thấy những nỗ lực của các nghệ sỹ khi trở lại đường đua, đối diện với những khó khăn của nền kinh tế, áp lực của sự cạnh tranh trong một thế giới phẳng. Song mặt khác cũng nhận thấy sự đơn sơ trong ngôi nhà điện ảnh Việt

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, bước sang năm 2022, những người làm điện ảnh lòng đầy hy vọng vào sự hồi phục của thị trường. Nhiều dự án chốt ngày ra rạp. Một số còn dở dang cũng nhanh chóng hoàn thiện để ra mắt khán giả. Không khí này cũng tác động tới các đơn vị quản lý. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội trở lại đường đua, ngầm ẩn thêm nhiều sứ mạng mới. Giải Cánh diều cũng được tổ chức hoành tráng, náo nhiệt ở thành phố biển Nha Trang, gọi đúng tên “Đêm tối rực rỡ” - bộ phim được lòng cả giới nghề và khán giả để trao giải Cánh diều vàng. Gần cuối năm, “Tro tàn rực rỡ” nhận giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim Quốc tế ba châu lục. Từ hai bộ phim mang đậm màu sắc nghệ thuật này, không ít người đặt niềm tin vào sự “rực rỡ” của điện ảnh nước nhà trong một tương lai gần.

Một năm phim truyện điện ảnh Việt - ảnh 1Cảnh trong phim Tro tàn rực rỡ - Ảnh: Đoàn làm phim

Mặt khác, điện ảnh là một nền công nghiệp nên sự cạnh tranh, doanh thu, lợi nhuận là điều phải tính toán nghiêm túc. Đã xa rồi quan niệm cho rằng làm phim chỉ để cất kho, phim phòng vé chỉ cần hài hước, ngôn tình, hành động…

Trong gần 40 phim Việt chiếu rạp năm qua, số thu hồi vốn và có lời đếm chưa đủ 10 đầu ngón tay. Có thể kể đến như Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà, Chìa khóa trăm tỉ, Nghề siêu dễ, Dân chơi không sợ con rơi, Cô gái từ quá khứEm và Trịnh vẫn được nhắc tới là phim duy nhất trong năm cán mốc 100 tỷ, nhưng nếu xét ở kinh phí đầu tư cùng các chi phí khác thì may hòa vốn. Còn lại là các phim thất bại, thậm chí thua lỗ lớn. Có không ít phim bị gắn mác “thảm họa” như trường hợp của Huyền sử vua Đinh, Duyên ma, Cù lao xác sống,  Virus cuồng loạn.

Phản ứng của khán giả từ những phim này cho thấy sự tự trọng và hiểu biết, không “hòa hoãn” với những người làm phim coi thường nghệ thuật. Đây là những sản phẩm không chỉ dở về kịch bản, diễn xuất, mà còn bị đánh giá thấp về kỹ thuật, kỹ xảo, tư duy làm phim hời hợt, dễ dãi, coi thường khán giả. Thất bại ở phòng vé là điều đương nhiên.

Ngay trường hợp phim “Thanh sói” của đả nữ Ngô Thanh Vân – một dự án được đầu tư và truyền thông từ rất sớm, đi theo cái “bóng” của người chị em “Hai Phượng” – tác phẩm từng đạt doanh thu “rực rỡ” năm 2019, song ngay trong ba ngày đầu ra mắt, hiệu ứng phòng vé của “Thanh sói” đã đi ngược lại niềm tin của cả  ê-kip.

Một năm phim truyện điện ảnh Việt - ảnh 2Cảnh trong phim Thanh sói - Ảnh: Studio68

Mới đây, trong buổi họp báo về Giải thưởng Ngôi sao xanh lần thứ 9, đạo diễn Lê Hoàng thêm một lần bày tỏ về thực trạng của điện ảnh nước nhà hiện nay với điểm xuất phát thấp, hiếm hoi về tài năng: “Nói một cách công bằng, nền điện ảnh Việt Nam so với thế giới rất nhỏ. Một nền điện ảnh nhỏ thì ít tài năng. Chúng ta yếu đủ mọi thứ, yếu chiều sâu, yếu chiều rộng. Chiều sâu là chúng ta không có nhiều người tài. Chiều rộng là chúng ta không có một cái nền. Vì thế đừng bao giờ ảo tưởng. Một năm chúng ta làm bao nhiêu phim, trong đó có bao nhiêu phim lỗ, bao nhiêu phim lãi?Một năm chúng ta có bao nhiêu phim tham gia các liên hoan phim thế giới? Nói thẳng là điện ảnh Việt không có tên trên bản đồ thế giới đâu.”

Nếu nói điện ảnh nước nhà không có nền tảng, e rằng nhận định ấy có phần chủ quan, ôm đồm. Bởi trước đổi mới, chúng ta đã có những bộ phim xuất sắc, như Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10… Khoảng hơn 10 năm sau đổi mới, chúng ta vẫn có những bộ phim tốt, vừa chạm được những vấn đề nóng của đời sống, vừa kéo người xem tới rạp. Còn hiện nay, đầu tư cho một dự án phim may rủi như đánh bạc vậy, tưởng nắm phần thắng mà lại thua, tưởng thua mà lại lãi lớn.

Theo nhà văn, nhà báo Thiên Sơn, muốn đi đường dài, người làm phim phải có kiến thức nền tảng vững chắc: “Có thể có một số đạo diễn trẻ đi học ở nước ngoài về, họ sử dụng các kĩ thuật câu khách, làm những bộ phim mà cốt chuyện có thể thấy ở đâu đó, không có đặc sắc Việt Nam. Ở trong kiến thức của một người làm phim nói chung, từ đạo diễn cho tới diễn viên thì họ phải có một kiến thức nền. Kiến thức nền ở đây là những tri thức về văn hóa dân tộc, về tâm lý dân tộc, những hiểu biết về thực tại xã hội, sau đó mới là những kiến thức về nghề nghiệp. Hiện nay, tôi thấy kiến thức nền của những nhà làm phim có những vấn đề của nó.”

Cơ chế thị trường tạo sân chơi rộng rãi cho những người làm điện ảnh. Song áp lực, sự cạnh tranh là rất lớn, bởi rạp chiếu luôn ưu tiên lợi nhuận, khán giả đến rạp đa phần là người trẻ, với gu thưởng thức, thị hiếu còn đang thay đổi, các nền tảng trực tuyến nở rộ, một bộ phim Việt cùng lúc phải đối đầu với nhiều phim nhập khẩu khác, trong đó có không ít bom tấn… Song nếu cứ đổ thừa cho nguyên nhân khách quan, duy ý chí, không chịu thay đổi, thì chính người làm phim sẽ tự chuốc thất bại.

“Không có áp lực, không ra kim cương” là phát ngôn của nghệ sỹ Trấn Thành trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim mới của anh: “Không có áp lực, không ra kim cương. Nhiều khi có áp lực mà còn không ra kim cương nữa. Nếu bỏ ra hàng chục tỉ đồng mà bộ phim không được đón nhận, thì chưa đến một tuần bộ phim sẽ biến mất khỏi rạp, người làm phim có thể phá sản hoặc bán nhà. Công việc làm phim thực sự khó khăn, đòi hỏi người làm công việc này phải thực sự yêu nó, có chuyên môn, tâm huyết với nó.”

Nhìn lại năm 2022, những điểm sáng dù “rực rỡ” thì cũng không đủ tỏa sáng, không đủ sưởi ấm ngôi nhà đơn sơ của điện ảnh Việt. Ngôi nhà ấy cần phải được tu sửa lại, cố kết lại, dẫu mất thời gian và tiền bạc nhưng cần phải làm, để yên tâm trước nắng mưa gió bão. 

Feedback