Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
“Lôi Động Tinh Phi”, như chúng tôi từng giới thiệu khi còn ở dạng bản thảo, là một cuốn sách khảo cứu về lịch sử súng đạn của Việt Nam, tập trung vào việc khám phá những công nghệ và chiến thuật độc đáo của người Việt trong việc sử dụng súng đạn để dựng nước và giữ nước. Hai tác giả (phần khảo cứu văn bản Đông Nguyễn , phần hình ảnh CaoViet Nguyễn) đều là những trí thức trẻ người Việt hoặc gốc Việt , học tập nhiều năm ở nước ngoài, và có khát khao mãnh liệt trong việc tìm hiểu một cách khoa học và truyền bá về văn hóa ông cha.
"Lôi động tinh phi" có những minh họa chân thực, hấp dẫn được khảo cứu từ tranh ảnh tư liệu, hiện vật lịch sử do họa sĩ KaoViet Nguyên thực hiện. - Ảnh: comicola |
Là một cuốn sách song ngữ Anh Việt, trong đó có các hình minh họa rất sinh động về các loại súng và đạn Việt Nam, “Lôi Động, Tinh Phi" với những khảo cứu về văn bản và hình ảnh công phu, cung cấp những thông tin chi tiết về các loại súng đạn được sử dụng trong lịch sử của Việt Nam. Qua đó, người đọc có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của súng đạn trong việc bảo vệ đất nước và xây dựng quốc gia.
Tác giả Nguyễn Ngọc Phương Đông. |
Tác giả phần văn bản của cuốn sách, nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Ngọc Phương Đông, trở về từ Australia, chia sẻ: dù ở Việt Nam có rất ít nghiên cứu về lịch sử vũ khí Việt, đau đáu suốt hơn hai chục năm qua, anh đã tìm thấy rất nhiều tư liệu quý trong kho tàng tài liệu đồ sộ từ Viện Hán Nôm và thư tịch cổ, cũng như rất nhiều tài liệu nghiên cứu có giá trị của nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu với những lát cắt về dòng chảy đặc biệt này của lịch sử Việt Nam – vốn trải bao đau thương vì chiến tranh, ngoại xâm trong lịch sử 4000 năm dựng và giữ nước.
"Có thể khẳng định rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng súng ống. Người Việt đã tiếp thu và sử dụng công nghệ vũ khí tân tiến rất nhanh chóng và rất sớm trong lịch sử." - Nguyễn Ngọc Phương Đông nói.
CaoViet Nguyễn, họa sĩ minh họa của cuốn sách, người Latvia gốc Việt, đã có một bề dày minh họa những tác phẩm (truyện, phim, tranh tường) về lịch sử tại châu Âu. Anh cho biết, đặc biệt hào hứng khi tham gia dự án này, vì anh rất yêu thích lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Khi ở xa nhìn về đất nước, càng cảm thấy những điều đặc biệt mình cần tìm hiểu: "Về lịch sử vũ khí Việt Nam, cá nhân mình không có hiểu biết nhiều. Đó là mảng chuyện của Đông nhiều hơn. Cả hai có một thỏa thuận: đầu tiên Đông phải ghi một danh sách những bức tranh Đông cần vẽ, hai là Đông sẽ giải thích cặn kẽ có những gì ở trong bức tranh ấy. Ví dụ là súng như thế nào, kèm những hình ảnh tham khảo. Sau đó mình sẽ lên ý tưởng phác thảo, đưa cho Đông xem cần cái gì, thiếu cái gì. Về bố cục mình hoàn toàn tự quyết nên làm việc khá thoải mái.”
Cả hai tác giả đều phải làm thêm việc khác hoặc nhờ sự ủng hộ của người thân để có thể nuôi giấc mộng làm sách lịch sử. Sau 7 tháng kể từ ngày thông báo đặt trước, cuốn sách "Lôi Động, Tinh Phi" đã hoàn tất in ấn và đến tay độc giả. Nguyễn Ngọc Phương Đông nói, cũng bõ công trăn trở, vừa ra mắt, ngay lập tức đã có một nửa trong số 1000 bản bìa cứng đặc biệt phát hành được mua hết. Đây cũng là bộ bìa cứng có lớp áo minh họa riêng do họa sĩ Caoviet Nguyễn thực hiện mà sẽ không in lại tại các bản bìa mềm sau đó.
Một trang (tiếng Anh) trong cuốn sách Lôi động tinh phi. - Ảnh: comicola |
Đơn vị đồng hành hỗ trợ tác giả xuất bản sách là Comicola, cũng là đơn vị đã phối hợp với tổ chức văn hóa phi chính phủ Vietnam Centre (ban đầu của du học sinh Việt tại Australia sáng lập) để ra mắt cuốn sách về phục trang Việt cổ “Dệt nên triều đại” trước đây . Ông Nguyễn Khánh Dương, giám đốc công ty cổ phần Comicola cho biết: “Khi nhận được bản thảo của cuốn Lôi động tinh phi, chúng tôi thực sự rất ấn tượng trước công trình nghiên cứu này. Cả hai tác giả Nguyễn Ngọc Phương Đông và Caoviet Nguyễn đều có tuổi đời rất trẻ, nhưng các bạn ấy đều đã có hơn 10 năm làm công tác nghiên cứu lịch sử và minh họa cho các dự án lịch sử của người Việt. “Lôi động tinh phi” hoàn toàn phù hợp với định hướng của công ty chúng tôi trong những năm vừa qua luôn đưa ra thị trường những sản phẩm văn hóa, giải trí của tác giả người Việt."
Chúng tôi hy vọng rằng với cuốn sách này và các dự án khác trong tương lai của nhóm tác giả, sẽ truyền động lực cho những người trẻ khác muốn nghiên cứu và muốn phát triển các sản phẩm văn hóa thực sự của người Việt. Và chúng ta sẽ có những sản phẩm giải trí khác gắn liền với yếu tố văn hóa lịch sử của Việt Nam như trò chơi điện tử, truyện tranh, phim điện ảnh, phim truyền hình…"
Buổi ra mắt sách "Lôi Động, Tinh Phi – Khảo cứu về súng đạn người Việt" do Comicola, Bảo Tàng Hà Nội phối hợp tổ chức diễn ra vào thứ 7 02/12/2023. Đặc biệt, buổi ra mắt sách được tổ chức ngay sau thời điểm khai mạc trưng bày chuyên đề “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê” nhân dịp Kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam tại bảo tàng Hà Nội. Tại đây Bảo tàng Hà Nội cũng giới thiệu bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh gồm 111 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.
Một trang của "Lôi động tinh phi" - Ảnh: comicola |
Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Ngọc Phương Đông cho biết, tiếp theo dự án này, nhóm văn hóa Vietnam Centre mà anh tham gia đồng hành từ ngày đầu sẽ chuẩn bị cho một dự án sách văn hóa lịch sử khác, hy vọng tiếp nối ngọn lửa yêu nước, tìm về để tự hào và phát huy những truyền thống tốt đẹp quê hương ông cha.
"'Dự án Mình đồng da sắt là một dự án sách tiếp theo của Việt Nam Centre, trong đó tôi được đảm nhận vai trò chấp bút chính, kết hợp với nhiều họa sĩ khác để minh họa, như anh KaoViet Nguyễn, anh Hoàng Đại. Và chúng tôi còn thực hiện lại một số những phỏng đoán về các bộ giáp phục ngày xưa của người Việt, làm từ chất liệu sắt thép, vải vóc thật, và chúng tôi chụp ảnh lại để đưa tới độc giả một cái nhìn sống động về trang phục ra trận của cha ông ngày xưa. Cuốn sách này chúng tôi dự tính sẽ dài khoảng 300 trang, trong đó đề cập tới các loại hình giáp trụ của Việt Nam từ thời Đông Sơn cho đến tận thế kỷ 19 - 20 và cuốn sách cũng sẽ là song ngữ Anh Việt để độc giả nước ngoài cũng có thể tiếp cận.”