Từ thời Trần, súng và đạn đã được nhắc tới trong các sử liệu. Trong nghiên cứu về hỏa khí Việt Nam, Giáo sư Mỹ Sun Laichen đã nhận định: Đại Việt có thể liệt vào hàng “tiểu đế quốc thuốc súng.” Những biến chuyển thăng trầm trong lịch sử hỏa khí của nước ta suốt gần 700 năm qua, lần đầu tiên được tổng hợp, phân tích và minh họa kỹ lưỡng, chi tiết và thú vị thông qua tác phẩm song ngữ Việt - Anh có tên “Lôi Động, Tinh Phi” do tác giả Nguyễn Ngọc Phương Đông (du học từ Australia trở về) nghiên cứu, chắp bút, và họa sĩ người Litva gốc Việt CaoViet Nguyen (Kaovjets Ngujens) minh họa.
Điều đặc biệt, cả hai tác giả đều còn trẻ nhưng đều có một tình yêu sâu sắc với lịch sử Việt Nam. Nguyễn Ngọc Phương Đông là một thành viên năng nổ trong nhóm Vietnam Centre – một tổ chức quảng bá văn hóa Việt rất hiệu quả của các bạn trẻ người Việt và gốc Việt ở Australia và Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Ngọc Phương Đông chia sẻ về cuốn sách đặc biệt sắp ra mắt này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Tác giả Nguyễn Ngọc Phương Đông - Ảnh: NVCC |
PV: Xin chào Nguyễn Ngọc Phương Đông. Trong những cuốn sách lịch sử phổ thông hay sách giáo khoa hoặc là sách phổ biến kiến thức lịch sử thông thường, chúng tôi chưa thấy có một cuốn sách nào nói về binh khí hay hỏa khí của Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, mặc dù lịch sử Việt Nam được biết đến là một lịch sử chống ngoại xâm gìn giữ và bảo vệ đất nước từ thuở lập quốc. Bạn có thể cho biết lý do vì sao lại bắt tay vào làm cuốn sách này, lựa chọn đề tài này?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Đây là một trong những dự án dài hơi mà tôi đã trông đợi từ rất nhiều năm. Bởi vì cá nhân tôi là người cực kỳ quan tâm tới lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, tôi thấy khá ngạc nhiên khi các tác phẩm nghiên cứu về cách thức người Việt dựng nước, giữ nước, cụ thể là về binh khí và chiến thuật mà cha ông ta đã sử dụng thì lại khá hiếm trên thị trường. Các nước khác có rất nhiều những cuốn sách tương tự. Và số lượng phải nói là khổng lồ. Tuy nhiên ở Việt Nam những cuốn sách như vậy khá là hiếm. Đặc biệt là những cuốn sách có các hình minh họa sinh động nữa hầu như không có.
Bởi vậy, tôi đã ấp ủ thực hiện một cuốn sách như vậy để đưa tới độc giả những cái nhìn sinh động về lịch sử súng và đạn của cha ông, để người dân Việt Nam hiểu được trong quá trình cha ông ta dựng nước suốt mấy ngàn năm qua chúng ta đã luôn luôn nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến công nghệ quân sự để có thể tự vệ trước những kẻ địch mạnh. Và không chỉ vậy, ông cha ta thậm chí còn phát minh ra những công nghệ quân sự khá then chốt trong lịch sử thế giới, mà sau này chính các loại binh khí của phương Tây hay là Á Đông cũng đã sử dụng chính những thành quả nghiên cứu, phát minh đó của người Việt.
PV: Đây sẽ là những thông tin vô cùng hữu ích và thú vị, nếu như có những nguồn sử liệu tư liệu chắc chắn. Vậy nguồn tư liệu cho cuốn sách là từ những nguồn nào?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Trong cuốn sách này chúng tôi đã khảo cứu các tư liệu văn bản (chủ yếu là các tư liệu văn bản) và tư liệu khảo cổ. Tư liệu khảo cổ của chúng ta về súng và đạn có khá nhiều tại các bảo tàng, các khu di tích. Trong quá trình đào xới tư liệu văn bản thì chúng tôi đã gặp được rất nhiều những tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm về súng đạn của người Việt trong Viện Hán Nôm hoặc Thư viện Quốc gia Việt Nam nhưng chưa từng được công bố hay chưa được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng.
Ngoài ra chúng tôi cũng kết hợp với cả những nguồn sử liệu của Trung Quốc, của phương Tây ghi chép về các công nghệ quân sự của Việt Nam thời xưa. Và dựa trên những nguồn tư liệu đó, chúng tôi đối chiếu, so sánh và phân tích để đưa ra được những giả thiết về diện mạo của các loại binh khí Việt Nam thời xưa.
PV: Cuốn sách sẽ hấp dẫn bạn đọc ở những điểm nào?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Lôi động Tinh phi là một cuốn sách song ngữ Anh Việt, trong đó có các hình minh họa rất sinh động về các loại súng và đạn Việt Nam từ thời nhà Trần cho đến thời nhà Nguyễn, ngay trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam - một lịch sử kéo dài 700 năm.
Thiết kế bìa sách và thiết kế nội dung trong cuốn sách - Ảnh: Comicola |
Trong cuốn sách này chúng tôi gọi mặt điểm tên các loại súng và đạn đã xuất hiện trong sử liệu của Việt Nam. Trong đó chúng tôi đã lấy cảm hứng từ đoạn mô tả một trận chiến trong tác phẩm Việt Nam khai quốc chí truyện của nhà văn Nguyễn Khoa Chiêm là: Súng như lôi động đạn nhược tinh phi, nghĩa là Súng nổ như sấm giật và đạn bay như sao sa, để đặt tên cho cuốn sách.
Qua đó, chúng tôi muốn độc giả biết người Việt xưa đã chiến đấu với giặc ngoại xâm để dựng nước và giữ nước bằng những trí tuệ, những công nghệ mà chúng ta phải đánh giá là cực kỳ tân tiến (trong thời kỳ đó) chứ không phải chỉ bằng những thứ vũ khí thô sơ và lạc hậu. Chính những trí tuệ của người Việt đó đã lan tỏa ra cả nước ngoài.
Những phát minh về công nghệ súng và đạn của người Việt mà chúng tôi nhắc tới trong cuốn sách đã được những tác giả của Phương Tây hay là Trung Quốc ghi nhận và đánh giá rất cao trong thời họ sống. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng không phải người Việt lúc nào cũng chống giặc với tư thế kẻ yếu, người đi sau về công nghệ hay phát minh, mà chúng ta thậm chí còn là những người vượt trội hơn kẻ địch về trí tuệ.
PV: Những người, những nơi nào đồng hành cùng với bạn - là tác giả viết trong cuốn sách này, để cho cuốn sách ra mắt thực sự hấp dẫn, lôi cuốn đúng như ý muốn?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Đơn vị đang đồng hành để hỗ trợ chúng tôi xuất bản sách là Comicola. Đây là đơn vị đã phối hợp với Vietnam Centre để ra mắt cuốn sách Dệt nên triều đại trước đây .
Họa sĩ minh họa của cuốn sách này là anh Cao Việt Nguyễn người Latvia gốc Việt. Mặc dù sống phương Tây nhưng anh Việt rất quan tâm tới lịch sử của nước nhà. Anh ấy đã có một bề dày về việc minh họa những tác phẩm về lịch sử tại châu Âu. Anh Việt sinh năm 1987. Chúng tôi cũng đã chơi với nhau nhiều năm. Nhưng đây là dự án đầu tiên chúng tôi thực hiện cùng với nhau. Đây là dự án hai anh em đều rất hào hứng và chúng tôi đang cố gắng để đưa tới độc giả những hình ảnh cũng như những nội dung vô cùng sống động và thú vị.
PV: Khi làm sách cùng với nhau các bạn có đặt ra những nguyên tắc chung?
Nguyễn Ngọc Phương Đông: Trong quá trình làm việc cùng nhau chúng tôi đặt ra những mục tiêu chung, chẳng hạn tham khảo các cuốn sách tương tự của nước ngoài, để có thể lấy đó làm một chuẩn mực cùng làm việc.
Ngoài ra chúng tôi cũng đặt tính chính xác rất cao, không chỉ về súng đạn mà còn cả bối cảnh, trang phục hay phong tục, để có thể khiến cho tác phẩm sinh động nhất. Chúng tôi cũng phải đào xới những tư liệu, ví dụ như trang phục, cách ăn cách mặc, cách nhuộm, cách để tóc của ngày xưa nữa. Trong quá trình đó anh Việt cũng rất tích cực, rất đón nhận những góp ý. Bản thân anh cũng có những kiến thức rất sâu sắc về văn hóa của Việt Nam xưa.