Hồn thơ Ngô Văn Phú: chạm tới miền suy tưởng của triết lý phương Đông

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Một đời người, đời thơ lặng lẽ với nhiều nỗi niềm đã được tác giả của những bài thơ nổi tiếng như “Mây và bông”, “Cỏ bùa mê”, “Làng cọ”, “Chim ngói” thể hiện gần như trọn vẹn trong các sáng tác của ông.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

Nhà thơ Ngô Văn Phú sinh năm 1937 tại xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài tên thật ông còn lấy bút danh Ngô Bằng Vũ, Đào Bích Nguyên. Ông có văn, thơ in báo từ thuở ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ngô Văn Phú có sở trường về đề tài nông thôn và lịch sử. Ngoài sáng tác ông còn dịch sách. Nhà thơ Ngô Văn Phú được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Ông qua đời ở tuổi 85 vào ngày 24/10 vừa qua tại nhà riêng ở thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc).  
Hồn thơ Ngô Văn Phú: chạm tới miền suy tưởng của triết lý phương Đông - ảnh 1Nhà thơ Ngô Văn Phú lúc sinh thời - Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

Hơn 20 năm, thời gian xóa nhòa đi nhiều ký ức, nhưng với Kiều Duy Khánh, một tác giả văn xuôi ở Sơn La, kỷ niệm với nhà thơ Ngô Văn Phú, người thầy đầu tiên chỉ dạy cho anh bài học viết văn vẫn còn nguyên giá trị. Hai lá thư viết tay trên trang giấy ố màu thời gian vẫn còn được Kiều Duy Khánh lưu giữ. Và trong giờ khắc giới văn chương tiễn biệt nhà thơ Ngô Văn Phú, từ Tây Bắc, anh bồi hồi nhớ lại những ngày ấy.

Anh chia sẻ: “Tôi chưa được gặp nhà thơ Ngô Văn Phú lần nào, chỉ biết ông qua tác phẩm nhưng ông đã trở thành người thầy đáng kính đầu tiên của tôi từ khi tôi bắt đầu viết văn, làm thơ. Tôi còn nhớ những năm 1999, lúc đó tôi đang học cấp ba, một lần vào thư viện huyện mượn sách, tôi đã mượn được cuốn phê bình tiểu luận “Đến với thơ” của ông. Cuốn sách dẫn dắt tôi một cách kỳ lạ. Nhờ cuốn sách đó mà tôi đã có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc làm thơ, viết văn.

Cũng vì yêu quý cuốn sách, phục người viết sách mà tôi đã “đánh liều” viết thư gửi nhà thơ Ngô Văn Phú, lúc đó ông đang công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Dù công việc bận bịu như thế nhưng tôi thật sự bất ngờ, xúc động khi nhận được thư của ông. Trong hai lá thư viết cho tôi, nhà thơ Ngô Văn Phú chỉ cho tôi rất nhiều kinh nghiệm viết văn. Những kinh nghiệm quý báu ấy đã như kim chỉ nam, như một bí quyết mà tôi vẫn học và làm theo cho đến tận bây giờ. Rồi ông khuyên tôi phấn đấu để thi vào trường Viết văn Nguyễn Du nhưng vì nhiều lý do mà tôi không thực hiện được. Nhưng nhờ những lời khuyên dạy trong hai lá thư tay của ông mà tôi vẫn giữ được niềm đam mê văn chương cho đến tận bây giờ”.

Với nữ nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim, chị luôn coi nhà thơ Ngô Văn Phú là một người thầy. Chị đã chứng kiến nếp sống giản dị của nhà thơ, người thầy suốt cuộc đời miệt mài với những trang văn, trang thơ. Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim kể lại: “Ngày còn công tác ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thầy Ngô Văn Phú thường xuyên được mời tới trường Viết văn Nguyễn Du giảng bài cho sinh viên. Nói là giảng bài nhưng thực ra là truyền đạt kinh nghiệm về thơ ca, về chặng hành trình đã sống đã viết với những người mới bắt đầu vào nghề, vào đời như chúng tôi. Sau này khi tôi ra trường đi làm thì càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với thầy hơn. Đó là người thầy mà tôi luôn trân trọng về đức độ, chân tình. Những dịp đến nhà thầy chơi, chứng kiến cuộc sống đơn chiếc trong căn hộ tập thể Giảng Võ với những bữa ăn giản dị với bìa đậu phụ, mớ rau, con cá nấu trong chiếc nồi cơm điện và chiếc xoong cũ kỹ. Nhưng lao động của thầy thì lớn lao vô cùng”.

Cảm xúc, bình dị, thơ Ngô Văn Phú có những bài đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt và được nhiều thế hệ học sinh 7x, 8x thuộc nằm lòng. Có thể kể đến bài “Mây và bông” với những câu thơ như thể ca dao: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng, bông trăng như mây/ Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”. Riêng với tác giả Hữu Vi, người dân tộc Thái ở Con Cuông (Nghệ An), anh nhớ và ấn tượng nhất với bài thơ “Trâu đồi” và ngòi bút tả cảnh sinh động, bình yên vùng trung du Bắc Bộ của nhà thơ Ngô Văn Phú – Bài thơ mà theo tác giả Hữu Vi “đã có sức sống lâu bền trong tâm thức người đọc”. Sau này khi vào đại học, có một số lần anh được tiếp xúc với nhà thơ Ngô Văn Phú và cảm nhận ông là một người rất hiền từ, có tài dịch thơ Bạch Cư Dị và rất tài hoa khi ông viết chữ nho rất đẹp.

Sinh thời, nhà thơ Ngô Văn Phú luôn suy tư, nghĩ về thơ, về công việc sáng tác. Xuất phát từ cội nguồn quê hương, truyền thống gia đình, thơ ông có một mạch chảy thủy chung bên cạnh những tìm tòi, sáng tạo riêng biệt, độc đáo. Ông từng tâm sự: “Gia đình tôi là một gia đình nho học. Bố tôi học chữ nho, biết nhiều thơ ca của các cụ ngày xưa, thơ Đường và kể cả thơ Pháp. Ông anh tôi biết cả chữ Hán, chữ Pháp, thường xuyên dẫn cả bạn bè đến nhà chơi, ngâm thơ nên tôi cũng bị ảnh hưởng. Khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi được học một số nhà thơ như nhà thơ Đan Sơn, Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương. Tủ sách nhà tôi phong phú, có cả thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử. Từ đó mà thấm nhuần dần với thơ ca”.

Quê hương là miền cảm thức trở đi trở lại suốt đời thơ Ngô Văn Phú. Ông cũng tự nhận mình chỉ thật sự là mình khi viết về nông thôn -  Với những trang thơ trong lành, xanh thẳm như tâm hồn thuở ban sơ. Vùng đất trung du, vùng cọ đã trở thành một phần máu thịt cuộc đời Ngô Văn Phú như ông từng tự nhận: “Én bay, lau trắng dập dìu/ Bóng tôi đổ dọc một chiều trung du”.

Từ mạch nguồn trung du Bắc bộ, hồn thơ Ngô Văn Phú chạm tới miền suy tưởng của triết lý phương Đông. Thơ ông có những bài lấy chất liệu từ làng quê nhưng cách diễn đạt đầy hiện đại, như bài “Chim ngói”. Một người thơ giản dị, lặng lẽ gần như khuất lấp giữa dòng đời nhưng tình yêu cũng đắm đuối, xáo động tâm hồn.

Thơ tình của Ngô Văn Phú bởi thế cũng rưng rức, đằm sâu những nỗi niềm.. Sống chết với vùng đất quê hương máu thịt nên khi viết được những câu thơ truyền cảm được yêu mến, hơn ai hết, nhà thơ tự nhận mình cảm thấy hạnh phúc khi nhận được tình cảm, đón nhận của độc giả.

“Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm/ Cỏ bùa tôi bỏ đã lên men/ Cái đêm em đến trăng đưa lối/ Cỏ lại bay về núi Tản Viên...”.

Người xin cỏ bùa mê đã cùng cỏ bay về núi. Trong thơ, giữa cõi đời vẫn còn đó những tâm tình gửi lại. Sẽ có những người như tác giả Kiều Duy Khánh hay Trần Hoàng Thiên Kim, những người tự nhận là học trò của thầy Ngô Văn Phú, chắc chắn còn đó bao luyến nhớ, tiếc thương.

Người thơ đã ra đi giữa mùa chim ngói bay về “mang theo ngọn gió mùa Đông Bắc đầu tiên” nhưng những bài thơ chắt chiu qua năm tháng vẫn tồn tại giữa đời, còn đó như “những vụ mùa phong thu, bát ngát"

Feedback