Nhà văn Vũ Hùng: Từ ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân bản của người Lào tới những trang văn

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Những câu chuyện về thiên nhiên, muông thú của Vũ Hùng, được viết và nhớ từ ký ức rừng Lào, từ những mảnh rừng miền Trung ông đã đi qua, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ thiếu nhi.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà văn Vũ Hùng, người đã dành cả cuộc đời mình để viết về trẻ em, muông thú, thiên nhiên vừa tạ thế ngày 2/11 tại Hà Nội, thọ 91 tuổi. Sinh ra tại làng Láng (Cầu Giấy, Hà Nội), nhưng những câu chuyện Vũ Hùng viết lại chủ yếu về rừng, về muông thú, về tình thân giữa muôn loài. Ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Không ít tác phẩm của Vũ Hùng được coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam như: “Mùa săn trên núi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Con cu li của tôi”, “Sao Sao”, “Các bạn của Đam Đam”, “Sống giữa bầy voi”, “Chú ngựa đồng cỏ”, vv...
Bộ 18 tác phẩm truyện và ký do nhà văn Vũ Hùng sáng tác đã được NXB Kim Đồng mua độc quyền từng nhận giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức năm 2016. Lúc đó, bộ sách mới xuất bản được 12 cuốn, và nhận giải ở hạng mục Giải Vàng Sách hay. Và, ông cũng là người đầu tiên được nhận Giải thưởng sự nghiệp văn học của Hội nhà văn Việt Nam.

Vũ Hùng là cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1950, ông nhập ngũ, theo học tại trường Thủy quân Việt Nam (khóa 2) và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 7). Ông từng phụ trách Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Ông từng là phóng viên Khoa học kỹ thuật của báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên của Nhà xuất bản Ngoại văn và Nhà xuất bản Văn học...

Nhà văn Vũ Hùng: Từ ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân bản của người Lào tới những trang văn - ảnh 1Nhà văn Vũ Hùng trong một buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sinh thời, trong những lần trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà văn Vũ Hùng cho biết, thời gian rất dài sống, chiến đấu ở Lào, chính là thời gian đã giúp ông định hình những suy tưởng nhân văn về cuộc đời, nhìn thiên nhiên, nhìn con người bằng cái nhìn nhân bản: "Thực ra trong việc viết văn tôi có chịu ảnh hưởng của hai yếu tố: Trước hết là văn học Pháp, vì hồi nhỏ sau 6 năm tiểu học người ta bắt đầu đọc và biết tiếng Pháp tốt rồi.

Thời kỳ ấy ông cụ tôi kèm rất nhiều về tiếng Pháp, nên tôi được đọc những tác giả mà tôi yêu thích - trong đó có hai tác giả mà tôi rất yêu thích, trong đó hai tác giả tôi rất yêu thích là Alfonse Daudet, và Anatole France. Những tác phẩm đó ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.

Và một điều nữa ảnh hưởng đến tư tưởng, đến tâm hồn: Đó là cuộc sống bên Lào. Khi sang Lào tôi thấy họ sống tử tế lắm. Ai cũng muốn được hưởng đời sống chính của mình Phải nói giải phóng tư tưởng cho tôi chính là đời sống ở bên Lào. Người ta ai cũng muốn được sống bình thường, sống theo khả năng của mình."

Cuốn sách đầu tay của nhà văn Vũ Hùng là cuốn “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961, cũng là cuốn sách được NXB Kim Đồng tái bản tới bạn đọc Việt Nam, sau rất nhiều thăng trầm của cuộc đời ông.

Vũ Hùng đã rất hạnh phúc khi được NXB Kim Đồng, mà Giám đốc khi ấy là họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, quyết định tái bản bộ sách của mình trong một hình hài mới đẹp đẽ và trân trọng: "Tôi phải cảm ơn Cao Xuân Sơn, người phụ trách chi nhánh xuất bản miền Nam của NXB Kim Đồng  rất nhiều. Trong buổi họp đầu tiên (của tôi) với NXB Kim Đồng, anh ấy phát biểu: Bộ sách của bác Vũ Hùng nếu không in lại nữa thì rất phí bởi vì thiên nhiên bây giờ hầu như vắng bóng tất cả sự thật mà bác đã nói. Cao Xuân Sơn là người đề xướng, và có một người đề xướng nữa là anh Trần Đức Tiến, là những người đầu tiên đã nghĩ tới việc tái bản tập Mùa săn trên núi."

Nhà văn Vũ Hùng: Từ ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân bản của người Lào tới những trang văn - ảnh 2Nhà văn Vũ Hùng cùng dịch giả Thụy Anh trong buổi giao lưu nhân ngày sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia năm 2017 - Ảnh: Fb dịch giả Thụy Anh

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã viết cho lần tái ngộ của nhà văn Vũ Hùng (được in trong tập "Mùa săn trên núi"): “Thiên nhiên trong văn ông có một vẻ đẹp nhưng là cái đẹp nam tính, cái đẹp khỏe mạnh. Tiếp xúc với một thiên nhiên như vậy, con người ban đầu có thể hoảng sợ, nhưng khi đã hiểu, đã gắn bó rồi, lại thấy như có thêm sức mạnh và muốn vươn lên sống ngang tầm với thiên nhiên đó. Nói về tính hai mặt của rừng, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của nhà Laffon bên Pháp (bản dịch của NXB Đà Nẵng 2002), viết rằng - cũng như tất cả những biểu hiện mạnh mẽ của đời sống - rừng là nơi sản sinh ra vừa sự lo lắng lẫn sự bình tâm, sự ức hiếp và lòng thiện cảm. Vũ Hùng cũng chia sẻ với ta cái cảm giác hai mặt đó”.

Nhà văn Vũ Hùng: Từ ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân bản của người Lào tới những trang văn - ảnh 3Bộ sách của nhà văn Vũ Hùng do NXB Kim Đồng ấn hành đoạt giải Vàng Sách hay

Những câu chuyện về thiên nhiên, muông thú của Vũ Hùng, được viết và nhớ từ ký ức rừng Lào, từ những mảnh rừng miền Trung ông đã đi qua, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ thiếu nhi. Nhà thơ Hồng Thanh Quang, cũng từng là một độc giả say mê những câu chuyện thiên nhiên của Vũ Hùng một thưở, đã chia sẻ trong một buổi hội thảo ra mắt sách văn học Vũ Hùng của NXB Kim Đồng: “Lứa tuổi của tôi – tôi là một thằng bé sinh ở Hàng Đào, như chú Vũ Hùng sinh ở đường Láng, một cậu bé kinh thành 100%. Chính giai đoạn chú Vũ Hùng (người con trai của Hà Nội, dù Láng hồi ấy chỉ là ngoại thành thôi nhưng vẫn là Hà Nội) được tiếp xúc với thiên nhiên kỳ thú ở Lào, chính điều ấy tạo nên một phong cách đặc biệt. Chú Vũ Hùng đã làm cho tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi ở Hà Nội ngày xưa biết thêm được rất nhiều điều: người quản tượng và con voi chiến sĩ, và tất cả những gì về Trường Sơn.

Thực sự qua tác phẩm thiếu nhi của chú để lại cho chúng tôi tình yêu đất nước, một sự khâm phục cuộc chiến tranh của chúng ta chống lại giặc ngoại xâm, cộng thêm vào đó là thiên nhiên bí ẩn và kỳ thú, mà đến sau này lớn lên chúng tôi vẫn mang hành trang theo mình. Tất nhiên chú Vũ Hùng có nhiều tác phẩm khác nữa về sau này và những tác phẩm ấy cũng rất thú vị ở những góc độ khác nhau, nhưng một trong những đóng góp của nhà văn Vũ Hùng cho nền văn học nói chung và nền văn học thiếu nhi của chúng ta là những tác phẩm chú viết về muông thú, về núi rừng."

Nếu như ai đó từng xem bộ phim Song lang của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Leon Quang Lê, chắc sẽ không quên câu chuyện được nhân vật chính đọc đi đọc lại từ thuở ấu thơ: những vẻ đẹp, những nỗi đau thuần khiết của tuổi thơ ngây trong những trang sách của Con voi xa đàn.

Những món quà tinh thần của nhà văn Vũ Hùng, đã gieo mầm vô thức tới người đạo diễn trẻ thế hệ con cháu ông, như vậy đấy.

Feedback