Giải thưởng Văn nghệ dân gian 2022

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Các công trình là dữ liệu quan trọng tham khảo trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn hóa, văn học, dân tộc học, công nghiệp văn hóa..

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ trao giải thưởng văn nghệ dân gian năm 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Đây là giải thưởng được trao tặng hàng năm của Hội, nhằm tôn vinh những công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn với các góc tiếp cận lý luận dày dặn và công phu của các nhà nghiên cứu.
Giải thưởng Văn nghệ dân gian 2022 - ảnh 1Trao thưởng cho những tác giả đạt giải. Ảnh: Thảo Quyên/Báo Lao động

So với năm ngoái, năm nay số lượng công trình dự giải ít hơn 21 công trình, tập trung chủ yếu ở 3 chuyên ngành phải điền dã nhiều gồm: Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa; Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian; Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian. Các công trình dự giải năm nay có mặt ở cả 5 chuyên ngành, trên cả hai lĩnh vực-điều tra sưu tầm và nghiên cứu: Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian; Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc; Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian. Bên cạnh một vài công trình chỉ ngót nghét trăm trang, có công trình trên 1.000 trang.

Đánh giá về những đóng góp của các công trình dự giải năm nay, TS Lư Thị Thanh Lê-Ủy viên BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: "Tôi nhận thấy các công trình nghiên cứu của các hội viên có ý nghĩa tích cực trong việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người khác nhau ở nước ta. Các tác giả là các hội viên của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Có nhiều công trình nghiên cứu công phu và chất lượng, đem lại những góc nhìn rất là thú vị, những thông tin rất quý báu thể hiện sự công phu, tìm tòi, nghiên cứu của các tác giả. Các công trình này là dữ liệu quan trọng tham khảo trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn hóa, văn học, dân tộc học, công nghiệp văn hóa..."

Có 37 công trình sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên Hội Văn nghệ dân gian được trao giải thưởng năm nay. Trong đó, không có công trình nào được trao giải Nhất và giải Nhì A. Ban tổ chức đã trao 4 giải Nhì B (trị giá 22 triệu đồng/giải) cho 4 tác phẩm, đó là: “Văn hóa vật chất và văn hóa xã hội thời kỳ Đại Việt” (2 quyển) của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Duy Hinh, Trần Bình và Vũ Hoàng Hiếu. “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” của tác giả Bùi Xuân Đính. Đây là một công trình chuyên sâu về làng Việt cổ, dày gần 1000 trang, là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, gắn bó về các vấn đề văn hóa, xã hội liên quan đến làng Việt cổ truyền, cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức về văn hóa truyền thống ở làng xã xưa mà đến nay đang mai một dần. Tuy nhiên, tên công trình là “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” nhưng tác giả mới chỉ tập trung vào văn hóa làng xã ở Bắc Bộ mà vắng bóng hoàn toàn miền Trung và miền Nam.

Riêng tác giả Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Giáo dục Tiểu học-Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) có 2 tác phẩm được trao giải Nhì B gồm 2 bộ sử thi Bahnar “Giông, Giỡ tìm Bia Lũi” (Giông Giỡ chă Bia Lũi) và “Giông, Giỡ bán ghè thần Rang Blo” (Giông, Giỡ tech ge yang Rang Blo) phát hành song ngữ Việt-Bahnar.

Theo tác giả Nguyễn Tiến Dũng, đây là 2 bộ sử thi rất dài hơi, mỗi bộ thì nghệ nhân Alưu ở KonTum hát khoảng từ 10 đến 11 tiếng đồng hồ, được anh biên dịch và in ra khoảng 500 trang giấy A4. Anh chia sẻ về niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: "Trước đây tôi có thời gian sinh sống và công tác ở Tây Nguyên 30 năm nên tôi có điều kiện đi điền dã, nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là sử thi Tây Nguyên. Tôi đã hấp thu được vốn văn hóa của người Tây Nguyên và có cái duyên gặp được những nghệ nhân lớn ở Tây Nguyên . Càng nghiên cứu tôi càng say mê và yêu văn hóa của người Tây Nguyên. Tôi tập trung sưu tầm sử thi Bahnar ở địa bàn tỉnh KonTum và đã sưu tầm được hơn 10 tác phẩm sử thi. Bên cạnh đó tôi cũng sưu tầm các tác phẩm dân gian của người Xê-Đăng, Bahnar. Tôi muốn nghiên cứu để làm một cái nền kiến thức về mặt tri thức văn học dân gian, đóng góp vào bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc Tây Nguyên …"

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải Ba A (18 triệu đồng/giải), 12 giải Ba B (14 triệu đồng/giải), 12 giải Khuyến khích (7 triệu đồng/giải) và 5 tặng phẩm (4 triệu đồng/tặng phẩm) cho các công trình, tác phẩm có chất lượng. Từ Quảng Bình, cô giáo Đặng Thị Kim Liên ra Hà Nội nhận giải Ba B cho tác phẩm “Bến đò ngang Quảng Bình” phấn khởi bày tỏ: "Từ lúc nhỏ khi đi học tôi đã đi đò qua sông Nhật Lệ, tôi rất yêu mến những người lái đò trên sông Nhật Lệ. Tôi thấy bến đò ngang gắn liền với đời sống nhân dân Quảng Bình, đặc biệt là nó liên quan đến quá trình mở cõi của cha ông ta. Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì bến đò ngang trở thành những phương tiện đặc biệt để hỗ trợ việc lưu thông tham gia kháng chiến thành công. Điều đó thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Tác phẩm được viết nhiều thể loại có tính chất lý luận lý giải bến đò ngang khác bến đò dọc rồi con đò ngang khác con đò dọc như thế nào. Đò ngang vừa nói lên việc làm nhưng cũng vừa nói lên cái tình người rất tình tứ và cũng rất nhân văn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, nhất là Quảng Bình quê tôi…"

Lý giải về số lượng tác phẩm gửi tham dự mùa giải năm nay giảm nhiều so với năm trước, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: "Riêng phần sưu tầm năm nay là hơi đuối so với năm ngoái, vì Covid. Nghề này không đi là không được. Những quy định về giãn cách xã hội một thời gian dài do dịch bệnh rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc điều tra sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên. Còn làm thế nào để đưa những nghiên cứu về văn hóa dân gian vào trong đời sống xã hội hiện đại, là cả một vấn đề mà chúng ta đang gọi là công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên vấn đề là chúng ta mới chú trọng công nghiệp văn hóa sáng tạo nhiều hơn là khai thác vốn văn hóa truyền thống vào cái hiện đại như thế nào. Đó là một vấn đề…"

Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân Việt Nam đã tổ chức lễ mừng thọ cho các hội viên cao tuổi, khen thưởng cho các hội viên có nhiều đóng góp trong năm nay và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2022 cho nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của văn nghệ dân gian nước nhà.

Feedback