Ca dao về kinh kỳ Thăng Long Hà Nội

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trải qua bề dày lịch sử hơn 1000 năm với nhiều trầm tích văn hóa, đã có biết bao những câu ca về Thăng Long – Hà Nội được lưu truyền trong dân gian.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

Trong “Chiếu dời đô” tự tay vua Lý Thái Tổ thảo năm 1010 có đoạn ghi về mảnh đất: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi…chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”... Tương truyền, khi thuyền ngự vào sông gần nơi được xem là “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” thì rồng vàng cuộn sóng bay vút lên trời, nhà vua đặt tên cho thành là Thăng Long. Mang vận mệnh Kinh thành của một quốc gia luôn phải đối mặt với binh đao, lửa đạn, Thăng Long - Hà Nội luôn cháy lên khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến ngàn đời. Trải qua biến thiên của lịch sử, “chất Kinh kì” và “chất Kẻ Chợ” song hành ở đất và người Thăng Long - Hà Nội và là khía cạnh đặc trưng của vùng đất này. Điều đó được thể hiện rõ nét trong nhiều áng ca dao. 

Trải qua bề dày lịch sử hơn 1000 năm với nhiều trầm tích văn hóa, đã có biết bao những câu ca về Thăng Long – Hà Nội được lưu truyền trong dân gian, mỗi câu là một đúc rút, là cảm khái từ đặc trưng trong cảnh sắc, bản sắc, phẩm giá song hành, hòa quyện chất “Kinh kỳ” và chất “Kẻ Chợ”.

Ca dao về kinh kỳ Thăng Long Hà Nội - ảnh 1Hoàng thành Thăng Long về đêm - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ,

Ra đi từ quê hương Ninh Bình, từng học tập và dạy học ở Tây Bắc rồi làm nghiên cứu sinh ở Liên Bang Xô Viết, về nước, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vũ Nho nhiều năm sống, làm việc gắn bó với mảnh đất Thủ đô.

Tự bao giờ, những câu ca về đất Kinh kỳ đã thấm vào tâm thức của ông. Nhà phê bình văn học Vũ Nho đánh giá ca dao về Thăng Long – Hà Nội hết sức phong phú, đa dạng, cho thấy đây là một vùng đất phát triển, hội tụ nhiều nét bản sắc độc đáo, riêng có. Trong “Chiếu dời đô” tự tay vua Lý Thái Tổ thảo năm 1010 có đoạn ghi về mảnh đất: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi”.

Ca dao xưa có câu “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, ca dao về Hà Nội cũng rất phong phú, đề cập tới nhiều chủ đề như ba sáu phố phường Hà Nội, vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội, ẩm thực Hà Nội, thời trang Hà Nội, sản vật của Hà Nội.

Trong lòng Hà Nội từ xa xưa đã có nhiều hồ nước đẹp như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, Hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Linh Đàm, hồ Văn, hồ Thủ Lệ. Trong đó, Hồ Hoàn Kiếm (Còn có tên gọi khác là Hồ Gươm) xuất hiện nhiều trong những câu ca dao, có câu khuyết danh và có câu có tác giả. Có thể kể đến câu: “Nhác trông lên chốn kinh đô/ Kìa đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm”. Bài “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ” là một sáng tác của thi sĩ Á Nam – Trần Tuấn Khải, in trong tập thơ “Duyên nợ phù sinh”, quyển nhất năm 1921 Bài thơ chỉ hai cặp lục bát mà nói lên được tình yêu với non sông đất nước: “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ/ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn/ Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn/ Hỏi ai xây dựng nên non nước này?”

Cùng với hồ Hoàn Kiếm thì nhiều đời nay Hồ Tây, hồ nước có hình móng ngựa và là vết tích dòng chảy cũ của sông Hồng được xem là hồ tự nhiên lớn nhất của Hà Nội. Vùng đất bao quanh hồ Tây đã đi vào nhiều áng ca dao. Những câu ca họa lên khung cảnh và tình người: “Ai ơi đứng lại mà trông/ Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa/ Kìa giấy Yên Thái như kia/ Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh”. Bài“Gió đưa cành trúc la đà” nói lên được cảnh sắc để nhớ của Tây Hồ: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương/ Mịt mờ khói toả ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Cũng như bài thơ của thi sĩ Á Nam – Trần Tuấn Khải đã được lưu truyền trong dân gian như thể ca dao, theo Nhà Nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, bài “Gió đưa cành trúc la đà” khởi điểm cũng là một sáng tác có nhan đề “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê -  một nhà nho tài tử nửa cuối thế kỷ XIX.

Câu mở đầu thi phẩm “Hà Nội tức cảnh” của nhà nho tài tử Dương Khuê là “Phất phơi ngọn trúc trăng tà” đến khi đi vào dân gian đã biến thể thành “Gió đưa cành trúc la đà”. Tứ thơ về phong cảnh đất Tây Hồ (Hà Nội) đã trở thành một câu ca quen thuộc như thế.

Sinh trưởng ở đất Thành Nam rồi lập nghiệp ở Hà Nội khi tuổi đời không còn trẻ, Thăng Long – Hà Nội – đô thành, tên một bài ca dao cũng là ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên về mảnh đất này. Ông cũng là người từng có thời gian gắn bó với công việc sưu tầm, nghiên cứu và bình giải ca dao.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên dẫn một bài ca dao nói lên được không khí, cốt cách của vùng đất ngàn năm văn vật là bài “Rủ nhau chơi khắp Long Thành”. Long Thành tức thành Thăng Long, tên gọi của thành Hà Nội được vua Lý Thái Tổ đặt tên từ năm 1010. Không khí đô hội của ngôi chợ lớn nhất kinh kỳ, điểm hẹn của du khách khi đặt chân tới Hà Nội còn thể hiện đậm nét qua những câu ca “Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ máy hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Thức gì cũng có xa gần bán mua…

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều câu ca nói về Thăng Long – Hà Nội được tuyển chọn trong các bộ sưu tập ca dao về quê hương đất nước. Qua bao biến thiên của lịch sử, thời cuộc, dấu ấn của một vùng đất hơn nghìn năm tuổi, hội tụ linh khí của nghìn đời vẫn còn đó và hiển hiện phần nào trong những câu ca có sức sống tới ngày nay.

Feedback